Thật bất ngờ, khi một ông chủ kinh doanh đồ điện lạnh cho hay, những chủ đầu nậu chỉ được lãi từ 150 đến 200 nghìn/bộ điều hòa nếu vận chuyển trót lọt. Thế thì lợi nhuận của mặt hàng béo bở này rơi vào túi ai? Vì sao người tiêu dùng bị "chém đẹp" mà vẫn phải "ngậm bồ hòn".
Bốn cửa hàng khá nổi tiếng (thường hay quảng cáo trên tivi về uy tín, chất lượng, giá cả) là anh em trong cùng một gia đình kinh doanh đồ điện lạnh. Tưởng là cửa hàng lớn thì làm ăn chân chính, giữ chữ tín, nhưng thực ra, họ không ngừng tận dụng lợi thế của mình để đưa khách hàng vào "bẫy". Đến một cửa hàng lớn ở phố Huế để mua chiếc máy lạnh mang nhãn hiệu Panasonic, cô nhân viên phát giá 410 USD.
Khách đồng ý mua, yêu cầu nhân viên viết giấy đặt cọc, nhưng khi lên gác lấy hàng thì cô nhân viên đổi giọng: "Loại này không xịn đâu, nhanh hỏng cục lạnh và phải bảo dưỡng thường xuyên...". Cô ta đưa ra một loạt những điểm yếu "chết người" của chiếc máy đó để khách hàng đổi ý.
Cô hướng khách hàng vào loại máy mang nhãn hiệu rất mới Kazemi và không tiếc lời quảng cáo là tốt, xịn, giá thành vừa phải. Khi khách "Nhưng chẳng lẽ thương hiệu nổi tiếng thế giới lại kém thế ư?". Cô nhân viên được thể không tiếc lời "kể xấu" chiếc máy điều hòa Panasonic mà khách định mua.
Cuối cùng, không thuyết phục được khách hàng, cô ta tuyên bố một câu xanh rờn: "Hết hàng Panasonic rồi" và nói như đuổi khách về. Đi mua máy giặt LG và tủ lạnh Sanyo ở một số cửa hàng chuyên bán đồ điện lạnh nổi tiếng, cũng "vấp" phải tình trạng này. Thậm tệ hơn, nhân viên không lái được khách sang mua loại hàng mà họ muốn bán đã văng tục, ăn nói thiếu văn hóa, làm mất hết nhiệt tình của khách.
Người biết thủ đoạn trên thì tránh được, còn đa số là "vấp". Khách hàng khi bị lái sang một thương hiệu không tên tuổi hoặc chất lượng "trên trời", nếu đồng ý mua có nghĩa là đã bị "lừa đẹp". Bị lừa về chất lượng, lừa về giá và lừa luôn cả uy tín. Có khách hàng sau khi bị lừa mới phát hiện mình còn mua đắt từ 2 đến 3 triệu đồng.
Vì sao nhiều đại lý lớn nhỏ kinh doanh đồ điện lạnh lại hốt ra bạc, họ có công nghệ gì chăng? Nếu biết được công nghệ kinh doanh của họ, có lẽ nhiều khách hàng phải giật mình.
Phố Cầu Gỗ lâu nay là địa điểm để giới kinh doanh đồ điện lạnh "dựa dẫm" trong việc tạo nhãn mác giả hoặc nhái nhãn mác sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng. Con phố này có gần 10 cửa hàng in.
PV Công An Nhân Dân chọn thử một cửa hàng có diện tích hơi chật hẹp để đặt vấn đề in tem máy lạnh. Người thanh niên hồ hởi hỏi ngay in loại nào, số lượng bao nhiêu.
Khi hỏi anh ta có makét sẵn không, anh ta lắc đầu bảo in xong lần nào là hủy ngay, làm sao dám để lại. Đưa ra hai loại tem một cục nóng, một cục lạnh của thương hiệu National, anh ta nói ngay, loại này hay in cho ông chủở phố Thụy Khuê và ông chủ ở phố Tôn Đức Thắng. Anh ta không tiết lộ nhưng hai cửa hàng này mỗi lần đặt số lượng đều rất lớn.
Anh ta còn khoe, trước đây, nhiều cửa hàng thường đặt in tem của thương hiệu Mitshubisi, nay chuyển sang loại máy lạnh mới xuất hiện, thương hiệu còn lạ lẫm. Giá thành để in bộ tem của thương hiệu National rẻ đến khó ngờ: 10 nghìn đồng/bộ, nếu in nhiều, giá còn giảm xuống nữa.
Không chỉ ở phố Cầu Gỗ mà rất nhiều hàng in ở Hà Nội đều làm giả được nhãn mác. Nếu phân biệt hai loại tem có gì khác nhau, chắc chắn người mua sẽ chịu vì mẫu mã, mầu sắc, kích thước hoàn toàn được dập khung như thật. Chỉ có con mắt tinh ý của chính nhà sản xuất ra nó mới phân biệt được.
Những chiếc tem giả này chủ yếu được dán vào hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng giả. Những ngày đầu bước vào công nghệ in này, nhiều chủ cơ sở in đã phải "mầy mò" chán để đưa ra được makét có các "chỉ số" phù hợp với yêu cầu của khách hàng. Còn có loại tem, nhãn chế bằng kim loại, nhựa trông như hàng "xịn". Làm tem giả quá dễ, mua tem giả lại còn dễ hơn, giá lại rẻ đến không ngờ.
Mùa hè năm 2004, thị trường máy lạnh luôn trong tình trạng "cháy" hàng. Dự báo năm nay cũng nằm trong tình trạng như năm 2004, thậm chí còn "khát" hơn. Người ta cho rằng, chủ đầu nậu được lãi nhiều hơn, nhưng kỳ thực siêu lợi nhuận lại chảy hết vào túi của người kinh doanh nhỏ lẻ. Họ căn cứ vào giá do mặt bằng của các hãng, các văn phòng đại diện hoặc tổng đại lý đặt sàn để "phát" giá.
Hàng lậu được bám theo giá đó và người bán dùng chiêu thức giảm giá 20 USD/chiếc, thậm chí 30 USD để hút khách. Toàn bộ trị giá nhập khẩu (tiền trốn lậu thuế) đối với đơn hàng này đều chảy vào túi người bán lẻ, mỗi bộ điều hòa họ thu lãi từ 1 đến 2 triệu đồng, chưa kể là hàng nhái, hàng giả thì lợi nhuận cao không biết đâu mà kể.
Một chủ kinh doanh cho biết, có đến 60% cửa hàng nhỏ phải sống vào nguồn hàng ngoài. Chẳng hạn, một chiếc máy lạnh chính hãng Panasonic bán 410USD, hàng nhập lậu về chỉ bán 4,5 triệu (chênh nhau 2 triệu đồng).