![]() |
Đại gia đình cụ Viên 107 tuổi. |
Nhiều cụ 106, 107 tuổi vẫn sống khỏe mạnh, ăn uống đi lại bình thường, thậm chí có cụ vẫn hàng ngày đi chợ và đi chăn bò cùng con cháu.
Cụ Lưu Vĩnh Viên ở xã Quỳnh Châu, thôn Khả Lang, xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình năm nay 106 tuổi, nếu tính cả tuổi “mụ” đã lên 107. Khi chúng tôi đến, cụ đang ngồi bế chút nội là bé Lưu Thị Phương Anh mới được 6 tháng tuổi.
Bà Trần Thị Nhạn, 69 tuổi, con dâu cụ Viên cho biết, sức khỏe của cụ Viên hiện giờ còn tốt hơn mấy năm trước đây. Cách đây 2 năm, thỉnh thoảng khi trái nắng trở trời cụ còn bị hắt hơi sổ mũi. Nhưng gần một năm nay, cụ khỏe mạnh, chẳng đau ốm gì. Mỗi bữa cụ ăn được khoảng lưng bát cơm. Cụ rất thích ăn cơm rang. “Nhà tôi nghèo nên chỉ có cơm rang mỡ hoặc chỉ với nước mắm không thôi nhưng cụ ăn rất ngon lành”, bà Nhạn nói.
Hiện cụ Viên sống cùng con trai út, cũng là con trai duy nhất, ông Lưu Văn Hạp. Các con ông Hạp đều đã lấy vợ, lấy chồng gần nhà. Cậu con trai cả của ông Hạp giờ cũng đã có cháu. 5 thế hệ sống trong cùng một mái nhà, gia đình cụ Viên tiêu biểu cho gia đình “ngũ đại đồng đường” ở miền quê lúa này.
Họ sống thanh bần nhưng vui vẻ, hạnh phúc. Có lẽ đó là bí quyết trường thọ của gia đình cụ. Con trai, con gái cụ Viên cũng đều đã ở vào bậc thất thập cổ lai hy nhưng đều khỏe mạnh, minh mẫn. Con gái cụ Viên, bà Lưu Thị Niên năm nay 89 tuổi; ông Hạp, con trai út cụ Viên năm nay 72 tuổi... đều khỏe mạnh, nhanh nhẹn và vẫn tham gia công việc đồng áng cũng như việc nhà.
Cụ Viên vẫn còn nhớ rành rẽ ngày xưa cụ đi lấy vợ như thế nào. Năm cụ lên 8 tuổi, bố mẹ cụ cõng cụ đi hỏi vợ. Vợ cụ tên là Nguyễn Thị Đầm năm ấy 16 tuổi. Vợ chồng cụ lấy nhau được 10 năm thì cụ Viên mới đến tuổi “người lớn”. Cũng lúc đó, vợ cụ mang bầu cô con gái đầu lòng.
Cụ bảo: “Tôi giờ vẫn còn làm được việc nhưng con cháu không cho làm vì sợ tôi ngã. Xuống bếp nấu cơm nó cũng không cho. Đi chăn bò nó cũng không cho. Mà suốt ngày chỉ ngồi với nằm thì chán lắm!” Giọng cụ Viên chậm và hơi run, con gái cụ phải “phiên dịch” lại cho chúng tôi nghe.
![]() |
![]() |
Cụ Viên đang bé chút và ngồi nói chuyện với con gái 89 tuổi. |
Bà Nhạn cười hiền lành phân bua: “Nói là khỏe mạnh minh mẫn là ở vào tuổi của cụ thôi. Chúng tôi không muốn cho cụ làm vì nhỡ sểnh ra, cụ ngã thì khổ. Kể cả việc bế cháu cũng vậy, để cụ bế là chiều lòng cụ, để cho cụ vui thôi chứ giờ cụ lấy đâu ra sức hả cô. Cụ đi lại, ăn uống, minh mẫn được thế này là phúc nhà tôi lắm rồi”.
Cách Quỳnh Phụ khoảng 30 km, chúng tôi đến nhà cụ Phí Thị Ngũ, 101 tuổi, ở xóm Hưng Hà, thôn Thái Hòa 2, Đông Hoàng, Đông Hưng, Thái Bình. Hỏi từ đầu xã ai cũng biết: “À, cái cụ 100 tuổi, là mẹ liệt sĩ, hàng ngày vẫn thoăn thoắt ra chợ, thoăn thoắt ra đồng đó phải không. Cô đi đường này... ngõ này...”
Nhà cụ Ngũ ở cuối xã, cạnh cánh đồng lúa đã qua mùa gặt, gốc rạ đang chỏng chơ vì thời tiết hanh khô. Xốc lại ôm rạ gọn gàng mang vào bếp để chuẩn bị bữa chiều, cụ mời chúng tôi vào nhà chơi. Cùng ngồi tiếp chúng tôi là con dâu cụ, bà Tô Thị Duyên, năm nay cũng đã bước vào tuổi 70.
Cả cụ ông, cả chồng bà Duyên đều đã mất. Hiện cụ Ngũ và bà Duyên sống cùng con cháu. Là mẹ chồng, nàng dâu nhưng giữa họ dường như chẳng tồn tại một khoảng cách nào. Bà Duyên xởi lởi kể với chúng tôi: “Cụ nhà tôi còn ham làm lắm cô à. Trời nắng chang chang, chẳng ai bắt tội nhưng vẫn ra đồng phơi rơm phơi rạ để giúp con cháu. Quần áo của cụ, cụ chẳng khiến ai giặt, toàn tự mang ra ao giặt. Nói mãi không được. Nhiều lúc lo cụ ngã xuống ao thì cụ khoát tay: “Tao vẫn còn khỏe, ngã sao được”.
Lại còn cái tật ra nắng đầu trần, chẳng đội mũ nón gì. Ai bảo cũng chẳng nghe. Mùa này thì không sao nhưng mùa hè, vào giữa trưa nắng tháng 5, cụ cứ xông ra nắng trở rơm, trở thóc cho khô. Mà cũng thật lạ, nắng thế mà cụ không việc gì. Chỉ mỗi đôi mắt của cụ là kém nhất nhưng vẫn nhìn tốt. Thỉnh thoảng cụ còn bảo các cháu xâu kim để tự vá quần áo”.
Chuyện ăn uống của cụ Ngũ khá ổn, nhiều người trẻ tuổi thèm cũng chẳng được như cụ. Mỗi bữa cụ ăn một bát cơm, cụ đặc biệt thích ăn cơm nấu từ gạo Lục Nồi (loại gạo chỉ để nấu rượu). Cụ bảo ăn cơm đó chắc dạ. Thỉnh thoảng, cụ lại ra chợ “làm” bát bún canh cá để thay đổi khẩu vị. Các thứ hoa quả, bánh kẹo cụ đều dùng được mà bụng dạ không hề hấn gì. Tuy người “nhỏ nhắn” nhưng cụ đi khỏe lắm. Trăm tuổi vậy mà vẫn đi bộ vượt qua hai cánh đồng để đi thăm con gái ở tận Đông Vinh, một xã nằm kề xã Đông Hoàng. Con gái cụ năm nay cũng đã ngoài 60 hết cả rồi...
![]() |
Cụ Tý 109 tuổi. |
Giọng sang sảng, cụ Ngũ kể: “Tôi có ba người con, hai gái, 1 trai. Ông nhà tôi mất năm 1973. Năm 1976, gia đình chúng tôi lại phải chịu nỗi đau mất đứa con trai duy nhất khi giấy báo tử gửi về từ chiến trường Campuchia. Cũng may vợ chồng nó có hai đứa con trai, một đứa con gái, giờ các cháu cũng đều cũng đã lập gia đình riêng, con cái cũng lớn hết rồi. Giờ tôi sống vui khỏe như thế này là nhờ vào con cháu hết cả đấy. Chúng nó ngoan và hiếu thảo. Gia đình tuy nghèo nhưng được thế này là tôi mãn nguyện lắm rồi”.
Người cao tuổi nhất của Thái Bình là cụ Trần Thị Tý ở thôn Thọ Bi, xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư năm nay tròn 109 tuổi. Cụ không có con, hiện đang sống cùng gia đình người con của anh trai. 109 tuổi nhưng da cụ vẫn còn trắng hồng và chẳng có mấy nếp nhăn. Lúc tôi đến, chỉ có một mình cụ ở nhà. Mắt cụ gần năm nay không còn nhìn thấy gì nhưng tai vẫn còn tỏ tường.
![]() |
Cụ Ngũ 101 tuổi và con dâu. |
Cụ kể với chúng tôi, thời con gái, cụ đẹp lắm khiến bao nhiêu trai làng mê mẩn. Nhưng rồi duyên phận cụ hẩm hiu lại lấy phải một người chồng vũ phu. Chưa kịp có con, không chịu nổi đòn chồng, cụ đã bỏ quê xuống Tiền Hải làm thuê làm mướn. Một gia đình làm chiếu ở Tiền Hải nhận cụ vào việc. Thấy cụ chịu thương chịu khó nên họ nhận làm con cháu trong nhà luôn. Cụ sống ở đó cho tới lúc... 100 tuổi, các cháu nhà cụ mới tìm thấy và đưa cụ về quê. Lang bạt gần trăm năm, 9 năm nay cụ mới được sống ở nơi chôn rau cắt rốn, gần bên ruột thịt của mình. Cụ cho biết, giờ cụ vẫn ăn được cơm, mỗi bữa lưng bát. Thức ăn thường chỉ ăn rau, cá. Nếu ăn thịt thì các cháu phải băm nhỏ cụ mới ăn được.
Chị Lương Thị Mỹ, Phó ban đại diện Người cao tuổi, Ủy ban Mặt trận trận Tổ quốc tỉnh Thái Bình, cho biết: "Chỉ riêng số cụ 105 tuổi đến 109 tuổi ở Thái Bình đã có khoảng 20 cụ. Hiện chưa có con số thống kê nào từ các tỉnh nhưng chị Mỹ cho biết, khoảng vào tháng 10/2007 vừa qua, công ty kỷ lục ở Sài Gòn đã liên hệ với Ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh xin được cung cấp số người sống trên 100 tuổi của Thái Bình để làm số liệu công bố".
Một điều kỳ lạ là hầu hết những cụ sống trên 100 tuổi ở Thái Bình đều có hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả. Đặc biệt những cụ sống cao tuổi nhất như cụ Tý, cụ Viên... là những người sống độc thân hoặc mất chồng, mất vợ từ rất sớm. Đời sống tinh thần thoải mái, tiết dục, ăn uống thanh tịnh... phải chăng là bí quyết sống lâu của các cụ ông, cụ bà nơi đây?
(Theo Giadinh.net)