Thứ sáu, 20/1/2023, 00:04 (GMT+7)

Mang Tết vào tổ ấm nhờ trang trí

Nhiều gia đình mang sắc xuân vào nhà với cành đào, hoa thược dược, bộ câu đối.

Cuối tháng 12/2022, gia đình Bảo Linh (33 tuổi, Hà Nội) đã hoàn tất khâu trang trí để đón Tết 2023. Cô cho biết cả hai vợ chồng đều làm ngân hàng nên dịp cận Tết sẽ rất bận. Do đó, cả nhà cùng bắt tay dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa đón Tết sớm. Đồng thời, vợ chồng cô cũng muốn tạo cho các con có cảm nhận rõ rệt về ngày Tết truyền thống của gia đình.

Nhà có hai con nhỏ nên Bảo Linh chọn phương án trang trí an toàn, đơn giản bằng các đồ màu đỏ, các loại cây, hoa đặc trưng của Tết như đào, quất, thược dược... Sự truyền thống từ các vật phẩm trang trí Tết xen lẫn phong cách nội thất hiện đại tạo nên sự thú vị.

"Khi được trang trí cùng bố mẹ, các bé rất thích. Việc này vừa tạo cho các con có cảm nhận rõ hơn về ngày Tết, vừa giúp gắn kết các thành viên trong gia đình", chị nói. Nhờ trang trí từ sớm mà cả nhà có thời gian chơi Tết lâu hơn, trải nghiệm các khoảnh khắc đáng nhớ.

Căn hộ của streamer Chim sẻ đi nắng (tên thật: Nguyễn Đức Bình) cũng trở nên sinh động hơn vào ngày Tết. Với căn hộ mang tông be trắng, vợ chồng anh nhấn nhá màu sắc Tết thông qua các bình hoa đào, thược dược ở từng khu vực chức năng.

Khu vực bàn ăn ngày Tết với các món truyền thống tiễn năm cũ và phía xa là hệ kệ tủ để bình đào, thược dược.

Vợ của nam streamer trổ tài cắm hoa dịp Tết. Với gia đình Chim sẻ đi nắng, cùng điểm tô sắc xuân vào nhà giúp cả nhà trải qua thời khắc ý nghĩa bên nhau.

Ở Mỹ không có ngày Tết Nguyên đán nhưng gia đình Kim Hiếu, sống tại Seattle, bang Washington đã quen với việc cùng nhau ăn Tết không sót năm nào. Nữ chủ nhân của gia đình cho hay: "Tôi sang Mỹ đến nay đã được 8 năm. Ngày Tết ở Mỹ không sôi nổi, náo nhiệt như ở Việt Nam. Đó chỉ là ngày Tết truyền thống của người Việt chứ không phải là ngày nghỉ chính thức của nước sở tại, nên nếu rơi vào ngày thường, mọi người vẫn phải đi làm, trẻ con vẫn đi học. Chỉ có những khu sinh hoạt cộng đồng có tổ chức ca nhạc, múa lân, đốt pháo… như một cách lưu giữ văn hoá cho cộng đồng người Việt Nam nhưng cũng chỉ tổ chức vào cuối tuần. Riêng đối với cá nhân tôi, cái Tết rất thiêng liêng, vì nó mang đậm tính truyền thống. Do vậy, tôi muốn lưu giữ để dạy lại cho thế hệ con cháu sau này". Còn chồng Kim Hiếu hiểu, tôn trọng vợ, yêu nét đẹp văn hóa Việt.

Ngày Tết cũng là ngày giỗ của ba mẹ Kim Hiếu nên chị vừa cúng giỗ tưởng nhớ, vừa đón Tết. Chị trang trí nhà cửa với những vật phẩm đặc trưng của người miền Nam như hoa mai, câu đối, pháo, bánh tét… Năm nào chị cũng gói bánh tét để con trai 7 tuổi tên Tim Nguyễn Murray hiểu. "Tôi muốn truyền lại những ký ức tuổi thơ về Tết của mình cho con trai một cách tự nhiên nhất trong việc chuẩn bị hàng năm", chị nói.

Chị không cảm thấy trang trí Tết khó. Cách của Kim Hiếu là nhìn không gian nơi muốn bài trí rồi tạo bố cục cho thích hợp. "Bạn chỉ cần làm đơn giản, không cố đưa vào quá nhiều thứ khiến tổng thể bị rối, nhất là bàn thờ chỉ cần trang nghiêm là được", chị cho hay.

Kim Hiếu cho biết việc chuẩn bị không tốn kém nhiều khi sắm được nhiều món từ chợ Việt tại địa phương, chỉ trừ một số món chị mua từ Việt Nam gửi sang thì mất công hơn đôi chút. Chị còn tự tay kết vòng hoa bằng hoa mai, mày mò tự viết các câu đối thư pháp bằng cách học theo YouTube.

"Vừa làm, tôi vừa giải thích cho bạn nhỏ tham gia với mẹ nên bạn rất hào hứng. Chúng tôi tranh thủ làm khoảng một - hai ngày đã xong. Tết này, ở nhà mới, tôi chọn một góc trang nghiêm để làm nơi thờ phụng cha mẹ. Tôi buồn thương vì mất mát khi mẹ mới mất nhưng ấm lòng vì dù xa quê, quê hương vẫn rất gần trong tâm tưởng, trong chính tổ ấm của mình", chị nói.

Chồng Kim Hiếu biết thắp nhang, biết tục lì xì, chúc Tết, cùng chị đi lễ chùa đầu năm. Anh cũng tham gia những buổi tiệc Tết với nhóm bạn Việt Nam thân thiết của vợ. "Tôi rất vui khi có thể truyền những năng lượng tích cực đó cho gia đình và gìn giữ những giá trị văn hoá truyền thống cho thế hệ sau này. Năm nào chúng tôi cũng chụp một bộ ảnh, in thành album, viết lời nhắn gửi vào đó để dành tặng con. Tôi chỉ mong sau này con lớn, những kỷ niệm này vẫn theo con. Để dù con lớn nhưng không quên cội nguồn của quê mẹ", chị nói.

Hằng Trần

Đánh giá phiên bản mới