Đầu tháng 11, bà Trần Thị Trinh (Trần Phú, quận 5, TP HCM) khám tại một bệnh viện quận 5. Bác sĩ chẩn đoán bà cảm sốt, kê toa có Anacin. Về nhà, nửa giờ sau khi uống liều đầu tiên, dạ dày bà gò lên từng chập, rất khó chịu. Nghĩ lúc uống đói bụng nên bà không để ý. Triệu chứng này liên tục xuất hiện làm bà đau hơn. Một tuần sau, bà siêu âm được biết dạ dày viêm loét độ nhẹ do uống sai thuốc bác sĩ chỉ định, nếu không ngưng thuốc sớm có thể thủng dạ dày. Thì ra, cái nghéo cuối chữ Anacin của bác sĩ khám lần đầu viết, giờ bác sĩ tái khám mới nói nó là số 3 nên thay vì uống Anacin-3 (một loại biệt dược của Paracetamol), bà mua Anacin (một loại biệt dược của Asparin).
Xếp hàng chờ bác sĩ gọi khám. |
Vài tháng trước đó, BV Gia Định cũng tiếp nhận một ca cấp cứu ngộ độc thuốc tẩy giun. Bệnh nhân này được một bác sĩ phòng mạch tư kê Antemin để kháng viêm. Người bán thuốc đọc nhầm và bán cho anh ta Antelmine (thuốc tẩy giun). Theo đúng chỉ định ''ngày uống 3 lần, 2 viên/lần'' được 5 ngày thì phải cấp cứu.
Theo thống kê của một bác sĩ BV Gia Định (tư vấn qua tổng đài 1080), 30% câu hỏi bà đã trả lời liên quan toa thuốc. Bà cũng chỉ ''can đảm'' trả lời thắc mắc về tác dụng phụ của thuốc, cách uống không gây sốc... còn điều khác dính đến đặc thù chữ bác sĩ bà gợi ý hỏi người trực tiếp kê để ''giải mã''. "Trong nghề có ký hiệu tắt thống nhất dùng chung nhưng nhiều ông, bà cứ bạ đâu viết tắt đó nên phải coi toàn văn toa thuốc mới biết nghĩa là gì", vị bác sĩ này cho biết.
Tại cuộc họp đầu năm của Sở Y tế TP HCM, lãnh đạo các bệnh viện cười ngượng khi dược sĩ Nguyễn Xuân Cẩm, Phó giám đốc Sở đưa ra một số toa thuốc thanh tra ở các bệnh viện: có toa ghi kết quả chẩn đoán chỉ 4 chữ "SMRT" không ai giải được; toa thuốc khác viết ngoáy từ đầu tới cuối, đánh dấu hỏi sau tên thuốc Lisaid; có toa viết nắn nót số điện thoại cá nhân của bác sĩ trên toa thuốc... Ông Cẩm bức xúc: ''Những toa thuốc như vậy cho thấy y đức của người kê đơn rất mỏng. Ngay đồng nghiệp với nhau mà còn phải gọi điện trực tiếp hỏi viết cái gì để khoa dược bệnh viện phát thuốc thì hết biết''.
BS Khánh khẳng định: ''Những toa thuốc kiểu đó là sản phẩm của sự cẩu thả. Nhiều anh em mới vào nghề cố tỉa tót chữ viết của mình nhưng sau một thời gian cũng bắt chước đồng nghiệp''.
Một BS khoa ngoại BV Bình Dân phân trần chữ viết xấu do bệnh viện quá tải, không đủ thời gian khám bệnh thì lấy đâu ra thời gian luyện chữ. ''Thực tế nhiều bác sĩ vẫn có thể viết toa rõ ràng, dễ đọc nhưng họ không làm hoặc làm không thường xuyên'', một bác sĩ ở bệnh viện Gia Định, nói.
Theo Pháp Luật TP HCM, còn có nguyên nhân ngại nói: đồng nghiệp của họ coi chữ xấu như phương tiện kiếm hoa hồng từ các nhà thuốc. Chẳng cần thao tác nhiều như khi ăn hoa hồng của các hãng thuốc, các bác sĩ hoa hồng chỉ cần gợi ý trong toa do họ kê.
BS Phan Quý Nam, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, cho rằng ngoài nỗ lực của bác sĩ, biện pháp hiện đại hóa kê toa thuốc giảm thiểu tai nạn do chữ bác sĩ. Một số BV đã thực hiện vi tính hóa toa thuốc.
Mới đây, Bộ Y tế ra chỉ thị chấn chỉnh tình trạng bác sĩ viết chữ cẩu thả, tùy tiện gây nhầm lẫn trong sử dụng thuốc của người bệnh nhưng việc bác sĩ ngoáy như vẽ bùa vẫn xảy ra. Quá bức xúc, một đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội vừa qua đề nghị đưa trách nhiệm phải viết chữ ''dễ coi'' của bác sĩ vào dự thảo Luật Dược.