Video quay cảnh một bé gái khoảng 1 tuổi được mẹ rửa mũi với biểu cảm đáng yêu đang được lan truyền nhiều trên mạng xã hội. Trái ngược hoàn toàn với cảnh khóc lóc, la hét thường thấy của trẻ nhỏ khi được bố mẹ rửa mũi, em bé trong video rất hợp tác với mẹ. Đoạn đầu video, bé đã tươi cười chào mọi người bằng cách chắp tay theo cách đặc trưng của người Thái Lan. Tiếp đó, người mẹ dùng xi lanh nhựa nhiều lần bơm, xịt nước muối vào mũi nhưng bé vẫn cười đùa vui vẻ.
Sau vài ngày đăng tải, video thu hút hơn 20 triệu lượt xem và hàng trăm nghìn lượt chia sẻ. Dưới bình luận, nhiều người dành những lời khen có cánh cho bé. "Con dễ thương quá. Tôi không ngờ bé lại có thể vui vẻ để mẹ rửa mũi như thế. Mọi chuyện diễn ra rất nhẹ nhàng", Facebook Chelsea Murphy bình luận. Facebook Clare Pearce khen ngợi: "Ôi thiên thần bé nhỏ. Tôi chưa bao giờ thấy em bé nào cho mẹ rửa mũi mà lại thích thú như thế. Mỗi lần bị bệnh phải rửa mũi tôi còn sợ hãi, thế nhưng sau lần này tôi phải học tập tính can đảm của cô bé này".
Bên cạnh đó, nhiều người tranh luận về phương pháp rửa mũi của mẹ bé. Không ít mẹ bỉm sữa quan tâm đến cách rửa mũi trong video. "Có lẽ bé đã quen với việc rửa mũi hàng ngày nên không sợ hãi. Tuy nhiên tôi thấy cách làm này không an toàn. Ngay cả người lớn dùng thử còn có cảm giác buốt lên tận óc nên với trẻ em sẽ càng nguy hiểm. Rửa mũi thế này nhiều lần trong ngày sẽ làm mất chất nhầy và tổn thương niêm mạc mũi của trẻ". Facebook Jen Pumpkin nhận định.
"Thực ra phương pháp rửa mũi này là an toàn. Tôi từng áp dụng cho con mình. Bé bị tắc mũi và không thể nào ngủ được suốt nhiều đêm. Tôi đã cho bé uống thuốc nhưng vẫn không hiệu quả. Cuối cùng tôi dùng đến dụng cụ rửa mũi, và bé đã ngủ ngon, sau đó khỏi bệnh. Tôi cũng đã tìm hiểu ý kiến của các chuyên gia. Hiệu quả này chỉ đạt được khi thực hiện với dụng cụ đạt chuẩn và thao tác chuyên nghiệp. Nếu muốn rửa mũi, phụ huynh chỉ nên dùng bình rửa mũi chuyên dụng với áp lực chuẩn để tránh làm hỏng niêm mạc mũi của trẻ. Không nên dùng các loại xi lanh rẻ tiền mua tại các cửa hàng hoặc hiệu thuốc. Nhiều loại xi lanh đầu nhọn, sắc sẽ làm chảy máu mũi, viêm, xước nghiêm trọng ở trẻ. Ngoài ra, nếu không cẩn thận, nước còn ngược xuống hệ hô hấp, gây sặc vào phổi", Facebook Debbie Kieffer chia sẻ kinh nghiệm.