Lệ Quyên thích vào bếp khi có thời gian rảnh. Từ nhỏ, cô đã được mẹ hướng dẫn nữ công gia chánh nên thạo khá nhiều món truyền thống. Với các món mới, cô chỉ cần học qua cũng làm được. Hàng năm, vào dịp Tết, giọng ca bolero thường vào bếp trổ tài nấu một số món, cùng người thân sửa soạn mâm cúng ông Công ông Táo, cơm tất niên ở cả hai căn hộ tại Hà Nội và TP HCM.
Mâm cúng ngày 23 tháng Chạp trong các gia đình Việt không thể thiếu bộ vàng mã, cá chép vàng và mâm ngũ quả. Về đồ ăn, gà luộc, xôi gấc và bánh chưng là những món ăn nhất định phải có ở nhà Lệ Quyên ngày Tết nên cô chuẩn bị cả ở "hai đầu cầu".
Trong Nam, cô chuẩn bị gà luộc nguyên con, được tạo hình đẹp. Đây không phải việc đơn giản bởi luộc được con gà da vàng óng, căng bóng, không bị nứt và "ngồi" ngay ngắn trên đĩa đòi hỏi khá nhiều kinh nghiệm. Bạn nên dùng lạt buộc gập hai chân gà sát vào đùi, dựng đứng cổ gà, hai cánh xòe đẹp. Phần chân có thể cho vào bụng cho gọn. Ở Hà Nội, Lệ Quyên thường chọn đĩa thịt gà luộc nhưng được chặt và bày biện. Nhiều gia đình cũng chọn cách này, không nhất thiết phải có gà luộc nguyên con.
Mâm cúng ở ngoài Bắc được nữ ca sĩ dành nhiều tâm huyết. Cô lựa chọn món quen thuộc với người Hà Nội như chả cốm và canh măng nấu sườn. Chả cốm thường được bán sẵn dưới dạng nguyên liệu, khi mua về chỉ cần chiên lại là xong. Miếng chả dẻo vị cốm, đậm đà, bùi béo, ăn không ngán.
Canh măng tươi nấu sườn cũng là món "kinh điển" ngày Tết đất Bắc, bên cạnh canh bóng nấu mọc hay canh chân giò nấu măng. Măng giòn tươi, nước hầm xương sườn đậm đà, miếng thịt mềm ngọt. Sườn nên ướp trước với hành tím, tỏi, tiêu, đường, bột ngọt trước khi xào săn. Sơ chế măng là khâu rất quan trọng của món này, nên bóc vỏ và lấy phần lõi non bên trong, cắt khúc vừa ăn và luộc vài lần, mỗi lần 20-30 phút để loại bỏ hết những độc tố trong măng trước khi chế biến.
Món mặn là tôm chiên, bò hầm khoai tây và cà rốt. Tôm được ưa chuộng ngày Tết vì màu đỏ mang ý nghĩa may mắn, trường thọ. Loại nguyên liệu này lại có thể chế biến thành nhiều món như chiên, hấp, nấu lẩu đều ngon. Bò hầm mềm, nước xốt đậm đà, thơm mùi tiêu, chấm kèm bánh mì, ăn cho đỡ ngấy. Món cuối cùng là rau củ (súp lơ, cà rốt, su su, su hào) luộc chấm muối vừng, dễ ăn, bổ dưỡng.
Không trực tiếp ở TP HCM nhưng Lệ Quyên cũng lo liệu mâm cỗ chỉn chu gồm bánh chưng, xôi gấc, giò, xôi lạc, chả rán... Đặc biệt, mâm cúng miền Nam không thể thiếu kẹo thèo lèo đậu phộng theo kiểu người Hoa. Tên gọi lạ tai của món này được lý giải là đọc chệch của chữ "trà liệu" trong tiếng Trung, nghĩa là món để ăn khi uống trà. Người Trung Hoa rất ưa chuộng sử dụng lạc và vừng khi nấu ăn, không chỉ đơn giản là vì mùi vị mà còn do quan niệm chúng sẽ mang lại may mắn và sung túc cho năm mới, nhâm nhi cùng tách trà năm mới rất hợp.
Ngoài ra, nữ ca sĩ chuẩn bị thêm món chè trôi nước chay. Đây cũng là món ăn thường thấy ngày 23 tháng Chạp. Món ăn gồm bột nếp và nguyên liệu tạo màu, đường thốt nốt, mè và gừng. Nhiều gia đình còn nấu chè trôi nước bằng bếp củi tượng trưng cho ông Công ông Táo quanh năm cai quản chuyện bếp núc. Món bánh tròn đầy, trơn tru. Dân gian quan niệm món ăn giúp ông Táo về trời thuận lợi, no đủ.