Dịp Tết luôn là thời điểm Ngô Thanh Vân hướng về gia đình. Sau khi kết hôn, cô và ông xã Huy Trần thường tham gia các buổi tụ tập, quây quần bên họ hàng và người thân. Dịp Tết năm nay, gia đình hai bên hội ngộ, cùng nhau nấu ăn các món ăn truyền thống, hàn huyên câu chuyện trong năm cũ và đón chào năm mới Giáp Thìn. Người đẹp chia sẻ mâm cơm thịnh soạn ngày Tết của gia đình do mỗi thành viên phụ giúp một tay một chân. Đây đều là những món ăn bình dị, đặc trưng của Tết phương Nam.
Mâm cơm dành cho khoảng 10 người ăn, gồm 6-7 món chính và một số món tráng miệng. Thành phần không thể thiếu luôn là bánh tét được cắt sẵn thành nhiều khoanh đẹp mắt. Bánh tét giống bánh chưng, chỉ khác hình dáng bên ngoài. Bánh tét có hình trụ tròn còn bánh chưng vuông dày. Nhân bánh chưng nhiều thịt mỡ hơn, trong khi bánh tét đậm vị bùi béo của đậu xanh. Gia đình chuẩn bị thêm một đĩa củ kiệu, tôm khô ăn kèm cho đỡ ngấy. Củ kiệu muối chua, hơi cay cay, tôm khô mặn, ăn kèm với bánh tét rất hợp vị. Đây là "combo thần thánh" vốn quen thuộc ở miền Nam.
Trước Tết vài ngày, gia đình Ngô Thanh Vân đã kho một nồi thịt kho hột vịt để ăn kèm cơm trắng. Nếu như ở ngoài Bắc, thịt kho trứng hay thịt kho tàu cũng khổ biến nhưng không được bày trên bàn thờ ngày Tết thì ở miền Nam, hầu như gia đình nào cũng phải kho một nồi mới "yên tâm đón năm mới". Lý do là trước đây, chợ truyền thống đóng cửa sớm và mở hàng khá muộn. Do đó, mọi nhà thường kho một nồi thịt lớn, ăn dần trong nhiều ngày, chờ tới khi hàng quán mở cửa trở lại. Thịt kho để được lâu, đẹp mắt, có miếng thịt vuông, quả trứng tròn, phù hợp để đặt lên mâm cơm ngày Tết cúng ông bà tổ tiên, thể hiện sự đủ đầy, no ấm.
Yếu tố chính giúp nồi thịt ngon không chỉ là chọn loại thịt nạc mỡ vừa phải, trứng chất lượng, còn là phần nước dừa tươi đặc sản của vùng đất phương Nam. Nước dừa giúp thịt đậm vị ngọt béo. Phần mỡ beo béo, thịt nạc ngọt, trứng bùi béo, nước xốt nâu sánh, hơi keo keo, chan với cơm nóng, dưa hành muối thì "nhức nách".
Một món ăn khác khá quen thuộc cũng xuất hiện trên mâm cơm nhà Ngô Thanh Vân ngày Tết là khổ qua nhồi thịt. Bên cạnh thịt kho hột vị, khổ qua (mướp đắng) cũng luôn góp mặt trong các bữa cơm tất niên, tân niên mừng năm mới. Người xưa quan niệm, ăn một miếng khổ qua, mọi buồn khổ, xui xẻo cũng năm cũ sẽ chóng qua, đón nhận những điều may mắn trong năm mới. Trong các cách nấu, khổ qua nhồi thịt được ưa chuộng hơn cả bởi hương vị thanh mát, dễ ăn, không quá đắng do có phần thịt béo bùi bên trong.
Ngoài ra, theo Đông y, khổ qua có tác dụng thanh nhiệt, thải độc, nhiều chất xơ, vitamin. Vào những ngày Tết, trời miền Nam thường nắng nóng. Ăn nhiều các món thịt, cá, giàu đạm dễ bị nóng trong người nên ăn canh khổ qua có thể giúp cơ thể điều hòa, khổ qua có vị đắng nhẹ, hậu ngọt, vỏ mềm, nếu biết chế biến sẽ không còn đắng nhiều, thậm chí ăn quen còn dễ "nghiện".
Mâm cơm nhà Ngô Thanh Vân - Huy Trần có thêm một món rau củ xào, salad, nem chua và tráng miệng bằng dưa hấu và kẹo me. Bên cạnh các món truyền thống ngày Tết, nhà Ngô Thanh Vân còn bày biện một món tráng miệng đậm chất miền Tây là bánh gừng. Bánh gừng là đặc sản của người Khmer Sóc Trăng, được ăn trong các dịp lễ quan trọng của người Khmer, đám cưới, đám giỗ đám hỏi và được ưa chuộng trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam. Quê của nữ đạo diễn ở Trà Vinh, rất gần Sóc Trăng nên không lạ với món ăn này.
Trong quan niệm người xưa, củ gừng có rất nhiều nhánh đại diện cho sự gắn bó bền chặt và sinh sôi nảy nở. Đây là lời chúc phúc cho gia đình, con cháu được sung túc, ấm êm và phát triển giống như củ gừng đẻ nhiều nhánh. Tuy nhiên, dù tên là bánh gừng, nguyên liệu không hề có gừng. Bánh được làm bằng bột nếp, trứng, đường, rượu. Nếp vo sạch, xay nhuyễn, trộn trứng gà, men rượu rồi nhào tới khi bột nở, không dính tay thì tạo hình như củ gừng nhiều nhánh rồi đem chiên ngập dầu. Bánh chiên vàng ươm thì vớt ra, áo một lớp đường rồi để ráo, phơi nắng. Nhìn từ xa, bánh như một củ gừng thật sự, có độ giòn của bột, vị béo của trứng, ngọt của đường, thoang thoảng hương rượu, dùng làm món ăn vặt trong ngày Tết.