Ông xã là kỹ sư làm việc tại Iraq nên Nguyễn Ngọc Huyền (quê Bắc Ninh) theo chồng sang đây sinh sống từ tháng 5/2018. Tới tháng 10/2018, Huyền về Việt Nam sinh bé và sau dịp Tết nguyên đán 2019, gia đình cô đã ổn định cuộc sống ở Iraq. Sau thời gian ban đầu bỡ ngỡ, hiện tại Huyền đã quen thuộc với công việc của một bà nội trợ ở xứ người. Cô tìm thấy niềm vui trong việc sáng tạo những mâm cơm vị Việt đủ dinh dưỡng dù nguồn thực phẩm không dễ tìm mua. Ngọc Huyền biết nấu ăn từ khi học cấp 3. Cô chia sẻ rằng bố là người dạy cô cách nấu nướng vì ông nấu ăn rất ngon và là "đầu bếp chính" trong gia đình. Tuy nhiên, chỉ đến khi kết hôn, Huyền mới thực sự đam mê và chăm chỉ nấu nướng. Bắt đầu từ những món cơ bản như rau luộc, trứng cuộn, bà nội trợ 9X bây giờ tự tin với sở trường là các món xào và canh chua cá. Tuy vậy, bà mẹ một con vẫn không thể nào quên được bữa cơm mình nấu đầu tiên khi vừa đặt chân đến Iraq. "Cơm hạt dài giống như gạo của Ấn Độ - khô, rời rạc và hơi hôi ăn cùng trứng cuộn. Đó là những thứ duy nhất tôi tìm thấy trong tủ lạnh và tủ bếp nhà mình. Một bữa cơm khá khó ăn", Ngọc Huyền bật cười khi nhớ lại. Phải nửa tháng sau đó, vợ chồng Huyền mới tìm thấy gạo Thái Lan bán ở siêu thị với giá khoảng 200.000 đồng một túi 5 kg. Rồi tìm được gạo nếp Thái Lan, bột nếp Trung Quốc, thịt bò, cá chép nuôi, gà công nghiệp, dê, cừu... Huyền lại mày mò chế biến đủ món ăn hấp dẫn. Cô làm bánh chưng không cần lá gói, làm bánh trôi, giò, nem... Vì tính chất công việc, ông xã của Huyền đi làm 2 ngày, 2 đêm và được nghỉ 2 ngày nên trong 4 ngày đó, vợ chồng cô chỉ ăn cùng nhau một bữa trưa hoặc tối. Những lúc ở nhà cùng con và con tự chơi ngoan, cô lại tranh thủ sơ chế thực phẩm trước. Đó cách để bà nội trợ 9X không mất nhiều thời gian nấu nướng. Cô bảo: "Nếu buổi tối định xào thịt bò hay kho cá thì tôi sẽ thái và ướp thịt từ chiều. Đến tối, tôi chỉ cần nấu cơm, nhặt rau rồi nấu là xong". Những ngày ông xã Huyền được nghỉ, anh sẽ trông con cho cô nấu nướng hoặc đổi lại, anh dọn dẹp nhà cửa khi Huyền chơi cùng con. Vì thực phẩm đã được chế biến sẵn nên Ngọc Huyền chỉ mất khoảng 30 phút để nấu một bữa ăn thường ngày. Riêng món cháo cho con trai 9 tháng tuổi, Huyền nấu một lần rồi cấp đông để sử dụng trong vài ngày. Ngọc Huyền thay đổi đa dạng thực đơn, có khi cô làm cả món Nhật - Hàn để đổi khẩu vị. Tuy vậy, phần lớn vẫn là những bữa cơm đậm vị Việt. Mỗi bữa cơm của Ngọc Huyền đều có đủ món canh, mặn, món ăn kèm và tráng miệng. Thỉnh thoảng, vợ chồng Ngọc Huyền lại có những vị khách người Thái Lan, Philippines đến chơi nhà. Họ rất thích những món ăn Việt do Ngọc Huyền nấu và hỏi cách chế biến. Việc bếp núc với Ngọc Huyền không chỉ là sở thích cá nhân mà nó còn góp phần giữ lửa hôn nhân. "Tôi hay đọc các bài báo về ẩm thực, thấy có nhiều người chia sẻ hình ảnh mâm cơm và nói rằng chồng họ chê cơm vợ nấu (một phần vì họ chưa biết cách sắp xếp gọn gàng và nghĩ có người nấu ăn cho là may). Theo tôi, người đàn ông đi làm hay phụ nữ ở nhà trông con, nội trợ thì cũng đều là công việc chứ không phải 'ở nhà ăn bám chồng'. Chồng tôi đi làm 12 tiếng một ngày rất vất vả, anh cũng hiểu tôi ở nhà trông con mệt như thế nào, nhưng tôi luôn muốn khi chồng trở về, nhìn thấy mâm cơm tươm tất, gọn gàng sẽ đỡ mệt hơn, ăn ngon miệng hơn", mẹ Việt tại Iraq nói. Cô gái quê Bắc Ninh cũng cho biết thêm rằng với gia đình cô, những mâm cơm Việt là một điều gì đó rất đáng trân trọng. Dù nguyên liệu hạn chế nhưng cũng giúp vợ chồng Ngọc Huyền vơi nỗi nhớ hương vị quê nhà. Ảnh: NVCC Hà Nhi