Việc cúng Rằm tháng Bảy với mâm cơm chay thể hiện lòng kính trọng với người đã khuất. Ngoài ra, theo tín ngưỡng của người Việt, Rằm tháng Bảy cũng là Lễ Vu lan báo hiếu, cơ hội để bày tỏ sự biết ơn đối với sự sinh thành. Dưới đây là hướng dẫn cách nấu một mâm cơm chay đơn giản cho ngày Rằm tháng Bảy.
Chả đậu xanh chay
- Đậu phụ rửa sạch bóp nát.
- Đậu xanh ngâm nở, đồ chín, sau đó nghiền nhuyễn trộn đều cùng bột chiên giòn gia vị, hạt tiêu, đậu phụ. Bạn có thể nặn chả thành hình tròn to hoặc nhỏ rồi chiên vàng cùng với dầu ăn.
Đậu phụ bao bố xốt nấm hạt sen
- Đậu phụ cắt miếng chữ nhật to rán vàng, cắt nhẹ một đầu, moi hết ruột mềm bên trong.
- Nấm hương, mộc nhĩ ngâm cho nở, cắt chân rửa sạch, băm nhỏ. Bạn để lại 5 cái nấm hương để làm nước xốt.
- Ngô ngọt bóc vỏ, dùng dao gọt lấy phần thịt
- Nấm đùi gà rửa sạch thái nhỏ.
- Cà rốt bào sợi thái nhỏ.
- Phi thơm củ hành, cho nấm hương, mộc nhĩ, nấm đùi gà, ngô ngọt vào xào, tiếp đến là cà rốt, thêm hai thìa cà phê bột nêm.
- Trộn ruột đậu phụ với phần nhân vừa xào xong.
- Nhồi tất cả phần nhân vào vỏ đậu phụ đã moi hết ruột, chừa lại một đoạn để buộc. Túm nhẹ "bao bố", dùng lá hẹ đã trần qua nước sôi buộc lại. Xếp tất cả đã nhồi vào hấp 15 phút.
- Phần xốt: Phi thơm hành khô băm nhỏ, hòa chút dầu hào chay, hạt nêm chay với một bát nước đổ vào nồi, thêm nấm hương và hạt sen, 1/2 thìa canh bột năng hòa tan với chút nước, khuấy đều, đun nhỏ lửa, phần xốt hơi sền sệt ,hạt sen bở là được.
- Xếp bao bố đậu phụ ra đĩa, rưới phần nước sốt lên trên, trang trí cho đẹp mắt và thưởng thức.
Xôi cốm hạt sen
- Ngâm đậu xanh và hạt sen trong nước có pha ít muối tầm 2-3 tiếng. Rửa sạch lại lần nữa.
- Đem hấp đậu xanh trong xửng hấp chín cùng chút muối.
- Hạt sen đem luộc khoảng 20 phút sau đó đổ nước đi và xào cùng chút đường cho thấm.
- Trộn đều dừa sợi cùng hai muỗng cà phê đường trộn đều để khoảng 30 phút rồi xào tầm 5 - 10 phút cho dừa trong là được.
- Bắc nồi lên bếp, cho khoảng 150 ml nước cốt dừa và bó lá nếp đã buộc và rửa sạch vào. Đun tầm 10 phút, gấp bó lá nếp ra ngoài và tắt bếp.
- Cho đậu xanh cùng đường vào tô, trộn đều và nghiền nhuyễn. Sau đó, trộn hỗn hợp đậu xanh với cốm tươi và nước cốt dừa đã nấu lại với nhau.
- Hấp hỗn hợp xôi, đậu xanh vừa làm trong khoảng 3-5 phút. Bỏ thêm hạt sen luộc và dừa sợi đã xào vào, trộn đều ngay trên xửng hấp còn nóng.
- Cuối cùng, bạn múc xôi cốm ra lá sen (hoặc gói lại khi chưa dùng ngay) và thưởng thức khi còn nóng. Lá sen sẽ giúp xôi cốm có mùi thơm đặc trưng hơn. Nếu ăn không hết, bạn hãy bảo quản tủ lạnh và hấp lại khi dùng.
Khoai lang que chiên
- Chuẩn bị: 300 gr khoai lang, 100 gr bột nếp, 150 gr bột gạo, 30 gr đường, muối trắng, dầu ăn.
- Dùng dao gọt bỏ phần vỏ khoai lang, rửa sạch và vớt ra rổ để ráo. Cắt khoai thành các miếng mỏng cho vào nồi xửng hấp chín.
- Khoai lang sau khi hấp chín thì cho ra tô rồi dùng muỗng tán nhuyễn.
- Trộn thật đều hỗn hợp với đường, chút muối cùng khoai đến khi đường tan hết thì cho bột nếp và tẻ vào từ từ, vừa cho vừa trộn đều tay.
- Sau khi đã cho toàn bộ phần bột nếp vào tô thì dùng tay nhồi bột thành khối bột mịn sao cho bột không còn dính tay nữa là được. Nếu bột khô bạn có thể cho thêm chút nước, bột ướt bạn thêm bột. Dùng miếng vải mỏng hoặc khăn khô đậy lại và để bột nghỉ trong vòng 15 phút.
- Dùng tay chia bột thành các miếng vừa ăn sau đó lăn bột hình que hoặc ép dẹp tùy ý thích.
- Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào chảo và bật lửa vừa. Đợi dầu nóng, dùng đũa cắm vào chảo thấy có bọt khí nổi lên thì cho bánh vào.
- Mỗi mặt bánh chiên khoảng 3 - 5 phút đến khi thấy vàng đều thì trở mặt bánh và chiên vàng mặt còn lại. Bánh sau khi đã chiên vàng thì gắp ra đĩa để cho ráo bớt dầu.
- Bạn thưởng thức những que khoai chiên khi còn nóng và chấm cùng tương ớt sẽ ngon.
Bí ngòi xào tỏi
- Bí ngòi đi rửa sạch, cắt bỏ phần đầu cuối. Tiếp đến cắt đôi phần bí theo chiều dọc và cắt xéo thành các miếng mỏng vừa ăn. Tỏi đập dập cắt nhuyễn, hành lá cắt nhỏ.
- Bắc chảo lên bếp đợi nóng rồi cho vào 2 muỗng dầu ăn, cho hành khô và tỏi đã cắt nhỏ vào phi thơm. Tiếp đến cho bí vào xào, lưu ý là không xào quá kỹ vì bí sẽ bị bởi, mất ngon.
- Nêm nếm nước tương, hạt nêm chay cuối cùng là cho hành lá vào xào đến khi chín thì tắt bếp.
Canh chua nấm thập cẩm
- Nấm hương ngâm nở, cắt bỏ chân. Dọc mùng tước vỏ rồi ngâm với giấm và muối 30 phút sau đó vắt mạnh tay cho hết nước ở dọc mùng, đổ nước nóng vào chần thêm 2 lần nữa rồi lại vắt thật kiệt nước.
- Nấm kim châm tước nhỏ ngâm vào nước muối, sau đó đem chần sơ. Vắt hết nước ở nấm rồi cho vào chảo đảo cho nấm vàng lên. Đậu bắp rửa sạch thái vát mỏng.
- Đậu phụ rửa sạch thái miếng vừa ăn.
- Làm nóng chút dầu ăn trong nồi rồi phi hành khô cho cà chua và chút bột canh vào đảo đều để tạo nước màu. Khi cà chua mềm thì đổ một bát tô nước vào, thả 2 quả sấu, cho hạt nêm chay vừa ăn.
- Đun đến khi sấu mềm bạn cho dọc mùng, nấm hương, nấm kim châm vào đun thêm một lúc nữa thì cho đậu bắp, đậu phụ, đun sôi rồi tắt bếp, rắc hành, mùi tàu thái nhỏ vào là xong.
Nem thính chay
- Miến ngâm nước cho mềm sau đó trần qua nước sôi vớt ra rổ để ráo.
- Sau khi miến nguội thì bạn dùng kéo vớt ra và cắt đôi ra.
- Ớt cắt lát nhỏ, rau ngò rửa sạch cắt thành khúc ngắn.
- Lá chanh rửa sạch thái chỉ
- Chuẩn bị một cái tô, lần lượt cho miến, hạt nêm chay, nước cốt chanh, ớt tươi, lá chanh. Sau đó trộn đều để miến và nấm ngấm gia vị.
- Tiếp theo cho thính vào trộn đều. Nếu thấy miến còn dính thì bạn có thể cho thêm thính vào để giúp sợi miến rời ra.
- Cuối cùng, cho rau mùi vào rồi trộn thêm khoảng một phút và trình bày ra đĩa, ăn nem thính cùng lá sung và lá đinh lăng chấm nước mắm chay chua ngọt.
Quýt đèn lồng tráng miệng
- Quýt bóc vỏ tách làm đôi
- Dùng vỏ quýt trang trí thành đèn lồng
Nghĩa Nguyễn