Thu Thảo, nhân viên văn phòng tại TP HCM, chia sẻ với Ngoisao.net, Trung thu năm nay phải ở nhà vì dịch Covid-19 nên cô làm bánh cho đỡ buồn. Thay vì làm bánh nướng, bánh dẻo truyền thống, lần này Thảo thử sức với nerikiri - một loại bánh wagashi nổi tiếng của xứ sở mặt trời mọc.
Nerikiri thường được dùng để làm quà tặng những ngày lễ, Tết. Hình dạng phổ biến nhất là hoa anh đào, gọi là sakura nerikiri và chỉ có thể mua vào mùa xuân (ở Nhật). Ngoài ra nó còn nhiều kiểu khác nhau như hoa lá, chim... mang ý nghĩa đủ đầy, sum vầy, hạnh phúc. Vì thế, nerikiri tuy không phải bánh Trung thu nhưng là lựa chọn lý tưởng cho mùa trăng này. Hơn nữa, bố Thảo thích uống trà nên cô nghĩ bánh làm từ đậu sẽ vô cùng hợp lý.
Lần đầu làm nerikiri nên Thảo gặp không ít khó khăn, nhất là sau khi nhào bột, cô tưởng rằng mình đã thất bại vì không tạo hình được. Thảo dành cả buổi đọc cách xử lý bột trên mạng rồi kiên nhẫn thì cũng thành công. Cách tạo hình bánh cô học từ YouTube, xem các nghệ nhân Nhật Bản làm. Bánh không dùng khuôn, tất cả đều làm bằng tay và bộ dụng cụ wagashi nên người làm bánh có thể linh động tạo hình theo kiểu mình thích, thoải mái sáng tạo đa dạng.
Vỏ bánh được làm từ bột đậu trắng. Ban đầu, sợ sên bột không thành nên Thảo vừa tập sên bột đậu trắng, vừa tìm mua bằng được bột đậu trắng bán sẵn dù những ngày này mua bột bánh rất khó. May sao mẻ bột tự sên của cô thành công ngay lần đầu. Cô dùng nhân hạt sen theo sở thích gia đình thay vì đậu đỏ (loại nhân truyền thống của bánh nerikiri). Bạn có thể biến tấu các kiểu nhân đậu yêu thích, miễn sao đảm bảo phần bột bánh phải đạt để tạo hình đẹp.
Để làm vỏ bánh, Thảo ngâm đậu trắng qua đêm cho mềm, nở gấp đôi, đem đi luộc chín. Vớt đậu ra, rửa qua nước lạnh, bóc sạch vỏ rồi luộc lần hai. Hầm đậu thật kĩ tới khi cạn nước, vớt ra tán nhuyễn qua rây sẽ thu được phần bột đậu trắng loãng. Thêm đường và bột nếp đã pha với nước vào, bắt đầu sên đến khi bột khô hoàn toàn là xong.
Mùa dịch không mua được cân nên Thảo phải tự ước lượng nguyên liệu. Do đó mẻ bánh to, nhỏ không đều, chất bột cũng chưa chuẩn lắm. Lúc dùng dụng cụ tạo hình hoa đào, bánh dễ bị vỡ trên mặt. Ban đầu cô nghĩ vì bột khô nên cho thêm nước thì lại bị dính tay, càng khó tạo hình. Thảo kể vui, cô định vo bánh thành viên tròn như chè trôi nước cho gọn, nhưng sau đó lại cố gắng nhồi, nặn một lúc cũng ra được hình bông hoa. Tuy nhiên soi kĩ thì bánh sẽ không mịn màng. Còn đậu trắng cô tự sên thì màu không trắng như tinh bột đậu trắng cô mua bên ngoài, dù rửa đậu khá kĩ.
Làm bánh cho gia đình ăn, lại theo "team healthy" nên cô không sử dụng màu thực phẩm mà tự làm màu từ cà rốt, bí đỏ, củ dền, hoa đậu biếc và lá dứa, sau đó trộn các màu với bột đậu trắng lúc đang nấu trên bếp, sên đến khi bột khô lại thì vo viên, cán thành miếng mỏng, cho nhân vào giữa rồi dùng dụng cụ tạo hình. Nếu bạn sử dụng tinh bột đậu trắng bán sẵn thì có thể trộn cùng bột như cách pha màu thông thường, không cần bắc lên bếp sên cùng bột.
Khâu tạo hình chính là công đoạn quan trọng nhất khi làm nerikiri, đòi hỏi bạn phải có chút khéo léo. Thế nhưng theo Thảo, ai biết nặn đất sét thì chắc sẽ tạo hình món này ổn, thậm chí còn cảm thấy rất vui khi bánh thành hình. Những mẫu bánh của Thảo đa số đều là kiểu tạo hình cơ bản, khá đơn giản nhưng mang lại cảm giác mới mẻ khi thưởng trà ngắm trăng. Lần sau cô sẽ thử những mẫu phức tạp hơn, đồng thời cân nhắc chọn các loại màu thực phẩm an toàn vì tự làm màu rau củ khá nhọc công, tốn thời gian.
Vi Yến
Ảnh: NVCC