Sự đưa tin tiêu cực của truyền thông được cho là góp phần gây ra những vấn đề về sức khỏe tinh thần cho một số phụ nữ hoàng thất.
Báo chí Nhật Bản ban đầu có sự đối xử tích cực với mẹ của Nhật hoàng Naruhito - Shōda Michiko (hiện là Hoàng thái hậu Emeria Michiko) - khi bà là thường dân đầu tiên trở thành người hoàng gia sau đám cưới với Thái tử Akihito (hiện là Thượng hoàng Emeritus Akihito) vào năm 1959.
Tuy nhiên, áp lực dần tăng lên khi Thái tử Akihito lên ngôi vào năm 1989. Một trang báo nổi tiếng đã đưa những câu chuyện mang tính chỉ trích hoàng hậu vì những vấn đề nhỏ nhặt, chẳng hạn việc bà yêu cầu dùng bữa lúc 2h sáng, hay được cho là có thái độ thô lỗ với nhân viên. Mọi chuyện lên đến đỉnh điểm khi Hoàng hậu Michiko bị ngất xỉu vào ngày sinh nhật, và không nói gì trong suốt hai tháng. Các bác sĩ nhận định việc bà im lặng là do "nỗi buồn sâu sắc" gây ra bởi sự tiêu cực của báo chí. Hoàng hậu Michiko từng mô tả bà "rất buồn và hoang mang" trước "những thông tin sai sự thực".
Hoàng hậu Masako, vợ của Nhật hoàng Naruhito, cũng không thoát khỏi sự soi mói của báo chí Nhật Bản vì không sinh được con trai. Đây cũng là lý do bà không xuất hiện trước công chúng. Masako Owada là thường dân thứ ba kết hôn với người hoàng gia, từng tốt nghiệp Đại học Harvard, có sự nghiệp triển vọng ở Bộ Ngoại giao trước khi quen Naruhito, lúc đó là Thái tử, vào năm 1986. Sử gia Christopher Harding, giảng viên Đại học Edinburgh, giải thích trong cuốn The Japanese của mình rằng Masako từng lo sợ về việc kết hôn với Thái tử Naruhito nhưng cuối cùng cũng nhận lời vào năm 1993, chấm dứt những hoài bão trong sự nghiệp ngoại giao của mình.
"Hoàng hậu Masako từng thấy nhiệm vụ chính của mình là sinh người nối dõi. Ngoài ra, những quy tắc nghiêm ngặt của thể chế hoàng gia đồng nghĩa với việc bà không được phép chia sẻ các suy nghĩ của mình về bất cứ điều gì được cho là mang tính chính trị trong các cuộc họp báo", Harding nói.
Sau 8 năm kết hôn, Masako sinh được con gái và cũng là con duy nhất - Công chúa Aiko. Cơ quan Nội chính Hoàng gia từng cho rằng việc bà vắng mặt khỏi các nhiệm vụ của hoàng thất trong thời gian dài là do mắc chứng rối loạn thích nghi, một tình trạng liên quan đến căng thẳng tâm lý.
Đối với Shihoko Goto, chuyên gia về Nhật Bản và cộng sự cấp cao về Đông Bắc Á tại Trung tâm Wilson ở Washington, những gì đã xảy ra với Mako không còn là sự chỉ trích mà là bắt nạt công khai. Goto cho rằng lẽ ra không có gì phải bàn cãi về cuộc hôn nhân của cô với Kei Komuro. "Điều đáng chú ý nhất về Komuro là thực sự anh ấy đã lọt vào mắt xanh của cựu công chúa", ông nói.
Mako là công chúa thứ 9 thời hậu chiến rời khỏi hoàng gia sau khi kết hôn với một thường dân. Cô sẽ cùng chồng bay đến New York, Mỹ, với hy vọng sẽ bắt đầu một cuộc sống mới yên tĩnh hơn, ít bị soi mói hơn. Tuy nhiên, những gì cựu công chúa đã trải qua cũng giống như lời cảnh báo đối với bất cứ cô gái nào đang nghĩ đến việc bước chân vào hoàng gia Nhật Bản, khi cháu trai 15 tuổi của Nhật hoàng - Hoàng tử Hisahito - đến tuổi kết hôn.
Đối với nhà tâm lý học Kayama Rika, sức nặng của những kỳ vọng là quá sức chịu đựng. "Tôi nghĩ hệ thống hoàng gia khiến cho con người ta sống không hạnh phúc", bà nói.
Theo Time, Nhật hoàng và các thành viên trong gia đình - những người được gọi là hậu duệ của nữ thần mặt trời Shinto - được người Nhật xem như biểu tượng quốc gia. Phụ nữ hoàng gia được kỳ vọng sẽ tiếp tục đảm nhận những vai trò cứng nhắc, khắt khe, đại diện cho thái độ đầy gia trưởng tại đất nước xếp thứ 120 trong số 156 quốc gia về Chỉ số Khoảng cách Giới toàn cầu. Vì thế, không có gì đáng kinh ngạc khi họ luôn gặp phải các vấn đề về sức khỏe tinh thần.
"Tuy hiến pháp thời hậu chiến quy định bình đẳng giới ở Nhật Bản, phụ nữ hoàng gia vẫn được kỳ vọng là hiện thân của các giá trị bảo thủ", Kayama Rika, giáo sư và bác sĩ tâm thần tại Đại học Rikkyo ở Tokyo, nói. Bà giải thích bất kỳ sự sai lệch nào so với truyền thống - chẳng hạn như mặc quần áo quá thời trang hoặc đi đến cửa hàng tiện lợi - đều có thể khiến họ phải nhận sự chỉ trích.
"Hoàng gia là gia tộc lâu đời nhất ở Nhật Bản, vì thế nhiều người dân xem họ như những hình mẫu đại diện cho truyền thống Nhật", bà Kayama nói với Time.
Phụ nữ hoàng gia cũng được kỳ vọng sẽ duy trì dòng dõi kế vị bằng cách sinh được con trai. Luật hoàng gia Nhật Bản quy định phụ nữ không được thừa kế ngai vàng, và một thành viên nữ nếu kết hôn với thường dân sẽ mất đi tước vị cao quý, giống trường hợp của Mako.
"Nếu bạn cộng dồn việc phụ nữ hoàng gia phải chịu sự thiệt thòi đó, cùng sự soi mói liên tục của truyền thông và mức độ kiểm soát mà họ phải nhận từ một chính quyền già cỗi, bảo thủ, tôi nghĩ họ đang gánh chịu những áp lực mà hầu hết người dân Nhật hay ngoài Nhật đều thấy không thể tưởng tượng nổi", Kristin Roebuck, giáo sư trợ giảng môn lịch sử tại Đại học Cornell ở New York, nhận định.
Hướng Dương (Theo Time)