![]() |
Vào thời điểm hiện tại, nhà đầu tư vẫn thích "lướt sóng" hơn. Ảnh: VnExpress. |
Nhiều công ty sau khi tích luỹ lợi nhuận, liền lấn sang sân tài chính bằng cách lập quỹ đầu tư và công ty chứng khoán. "Họ muốn tự tìm lợi nhuận, đến cả doanh nghiệp ngành dệt may cũng muốn lập công ty chứng khoán, thì tìm người góp vốn để mình quản lý không dễ", tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ cho hay. Công ty ông, dù được thành lập từ đầu năm, sau hơn 10 tháng hoạt động, vẫn chưa cho ra được quỹ nào.
Đây không phải trường hợp duy nhất. Trong 12 công ty quản lý quỹ được thành lập khoảng cuối 2006, đến nay số quỹ đầu tư ra đời chỉ đếm trên đầu ngón tay, như Hanoi Fund của công ty quản lý quỹ Hà Nội, Việt Long của công ty cùng tên, Bản Việt của công ty quản lý quỹ Bản Việt...
Đây đều là quỹ thành viên, chứ không phải quỹ công chúng. Trong khoảng 60 quỹ đầu tư quy mô lớn nhỏ, kể cả Manulife vừa hoàn tất huy động, mới có 3 quỹ đầu tư công chúng. Ông Bùi Quốc Huy, Tổng giám đốc công ty Quản lý quỹ Phương Đông, nhận xét, quỹ thành viên chỉ gồm một số tổ chức góp vốn, nên mức độ "phức tạp" không cao như quỹ công chúng.
Không như năm 2004, thời điểm người dân hào hứng đổ vốn vào quỹ công chúng đầu tiên, cuộc huy động vốn mới đây của quỹ Manulife không suôn sẻ. Ông Gilbert Pak, quyền tổng giám đốc MVFM, đơn vị vừa hoàn tất huy động 215 tỷ đồng (đạt 86% kế hoạch) cho quỹ đầu tư tăng trưởng Manulife thừa nhận, 2 tháng huy động của Manulife khá chật vật.
Trong tổng số tiền huy động, nhà đầu tư tổ chức và nước ngoài chiếm hơn 60%. "Tên tuổi như Manulife huy động quỹ công chúng còn khó khăn, thì những công ty quản lý quỹ mới ra đời chưa đủ sức thuyết phục nhà đầu tư cá nhân", một chuyên gia nhận xét.
Giám đốc một quỹ đầu tư kể, bán chứng chỉ quỹ trở thành gánh nặng của các công ty chứng khoán làm đại lý. Mới đây, một công ty chứng khoán có tiếng mời mãi không ai mua chứng chỉ quỹ của một quỹ trong nước. Rồi vì tình bạn với giám đốc công ty này, một đại gia mới bỏ cả trăm tỷ đồng mua giúp. Chính vì chưa lập được quỹ, nhiều công ty quản lý quỹ chuyển qua làm quản lý uỷ thác đầu tư và tự doanh là chính.
Theo các chuyên gia, giới đầu tư "thắt túi" với đợt huy động vốn công chúng một phần do những lình xình từ quỹ đầu tư công chúng đầu tiên VF1. Cách hành xử của VFM, đơn vị quản lý VF1, bỏ qua quyền lợi nhà đầu tư nhỏ lẻ, làm mất niềm tin nơi họ. “Hành xử không chu toàn của VF1 và việc không đạt kỳ vọng lợi nhuận vào quỹ Prudential vô tình "làm khổ" những đợt huy động quỹ công chúng sau này”, một giảng viên Đại học Kinh tế nhận xét.
Ngoài ra, không nhiều nhà đầu tư tha thiết với quỹ công chúng thường có tính bảo toàn vốn, lợi nhuận không cao. Theo ông Nguyễn Thúc Vinh, Tổng giám đốc công ty quản lý quỹ Việt Long, mong muốn tự "lướt sóng" tìm lợi nhuận "đỉnh" của nhà đầu tư cá nhân vẫn còn mạnh. Vì vậy, thời điểm này họ chưa muốn bỏ tiền vào quỹ công chúng.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)