- Anh lập công ty và phát hành nhiều sản phẩm mang "thương hiệu" Phú Quang. Đã đến lúc anh "mài" cái danh của mình để kiếm sống?
- Lấy tên danh nghĩa của mình để kinh doanh thì có gì sai. Làm mãi mới tạo được thương hiệu để bán chứ không phải để chơi. Bán cái của mình, bán lao động chính đáng nên tôi chẳng có gì phải xấu hổ, chẳng có gì phải lấn cấn. Đấy là cách kiếm tiền lương thiện. Ai mà chẳng phải sống, phải chi tiêu.
- Làm kinh doanh luôn phải tính toán lỗ lãi. Anh lo đầu ra cho sản phẩm của mình thế nào?
- Tôi không lo gì cả. Ai thích mua thì mua, không mua thì thôi. Cũng may là chưa bao giờ tôi bị lỗ cả. Thế là yên tâm rồi.
- Nếu như không có "cái mác" Phú Quang thì những sản phẩm của anh sẽ không đắt khách như vậy. Anh nghĩ sao về điều này?
- Tôi không bao giờ nghĩ như thế. Với tất cả mọi việc, tôi đều làm hết mình, nghiêm túc. Tôi chỉ nghĩ là nếu những sản phẩm của tôi không đẹp, không có giá trị thì nó sẽ không đắt khách như thế.
|
Nhạc sĩ Phú Quang. |
- Trong quản lý thương hiệu, người ta thường dựa vào các chuyên gia PR. Anh làm sao để PR cho chính mình?
- Tôi là người kinh doanh nửa mùa nên chẳng cần PR hay event gì cả. Tôi không dốc toàn tâm, toàn ý vào kinh doanh. Tôi làm không phải để giàu mà chỉ cần ngày đủ 3 gói mì tôm và có quần áo mặc 24 giờ là được.
- Anh từng nói ca khúc của anh nếu bỏ thơ đi thì còn lại những bản nhạc không lời và cũng có nhiều người mua. Tại sao anh cứ phải lấy việc mua bán, tiền bạc làm thước đo cho sản phẩm của mình?
- Tiền không phải là tất cả, không phản ánh được nghệ thuật. Nhưng tiền cũng là một cách để thẩm định giá trị. Tôi không phải là người điệu bộ và sĩ diện trước đồng tiền. Nếu như tác phẩm của anh bán được với giá cao thì nghĩa là nó có giá trị. Tiền là thước đo chính xác đấy chứ.
- Kinh doanh thường làm "mòn" cảm xúc của nghệ sĩ. Anh thì sao?
- Kinh doanh có cái hấp dẫn riêng của nó. Thực tế nhiều doanh nhân có tâm hồn hơn cả những người đang làm nghệ sĩ. Với tôi thì nó chẳng thể bào mòn được tâm hồn.
- Vừa làm kinh tế, vừa sáng tác. Anh nghĩ sao về câu "một nghề cho chín còn hơn chín nghề"?
- Đừng bao giờ quá quan trọng một cái gì. Tôi quan niệm trên đời này chỉ có một nghề, đó là nghề kiếm sống. Làm nghệ thuật hay làm kinh tế cũng chỉ để kiếm sống mà thôi.
- Những người làm kinh doanh luôn "làm dầy" thương hiệu của mình bằng cách đưa ra những sản phẩm mới, còn anh thì ngược lại. Phải chăng anh không tự tin với những sáng tác mới của mình?
- Tôi chẳng có gì là không tự tin cả. Tôi vẫn thường xuyên sáng tác nhưng không muốn đưa ra ồ ạt, xô bồ. Nghệ thuật không có khái niệm cũ - mới mà chỉ có dở - hay. Nghệ thuật không phải là bàn chải đánh răng mà hôm nay thẳng, ngày mai méo. Nếu tác phẩm có giá trị đích thực sẽ không bao giờ cũ cả. Khi nào khán giả còn thích nghe, còn muốn thưởng thức thì khi đó nó vẫn còn giá trị.
![]() |
Bộ lịch của nhạc sĩ Phú Quang. |
- Dính đến mua bán có làm anh thấy đau đầu?
- Với tôi, cái gì cũng quan trọng mà cái gì cũng không quan trọng. Tôi không bao giờ quá lo lắng hay huyễn hoặc điều gì. Vì thế nên tôi ít khi bị căng thẳng. Đến một tuổi nào đó rồi người ta thấy cuộc đời cũng giống như chuyện Tái ông mất ngựa vậy. Không biết thế nào là rủi thế nào là may. Nếu như sản phẩm của tôi không bán được thì tôi lại nghĩ "À, may quá, mình lại có cái để cho". Còn nếu cho người ta không nhận thì nghĩa là tôi lại có cái để bán. Nhiều khi mình đành phải AQ với đời sống.
- Phú Quang là người gặp nhiều may mắn. Anh nghĩ sao về nhận xét này?
- Trước giờ, chẳng có ai cho không tôi cái gì cả. Tôi luôn phải tự làm hết mình để có được một chút gì đó như hôm nay. Thậm chí nhiều khi phải thò tay ra đòi lại, giành giật lại cho xứng đáng với điều mình đã làm ra. Nhưng có thể từ nay trở đi, tôi sẽ may mắn. Khi mình già rồi, người ta hay thương mình.
- Anh thấy mình đánh mất điều gì từ khi đem "bán" tên tuổi?
- Chẳng mất gì cả. Việc tôi tự lập bán, tự lập xuất bản các tác phẩm của mình là vì tôi thích. Nếu như không còn thích nữa thì ngay ngày mai tôi có thế giải tán. Kinh doanh, mua bán chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích. Vì thế nếu không dùng phương tiện này thì sẽ thay phương tiện khác.
- Anh làm thế nào khi gặp những sự cố với thương hiệu của mình?
- Tôi chưa bao giờ nghĩ đến hay lường trước cái gọi là sự cố đó. Ngày nào còn đủ 3 gói mì tôm, quần áo mặc 24 giờ thì tôi còn làm.
Mỹ Dung thực hiện