![]() |
Một resort "xí đất" rồi bỏ hoang, chỉ xây bờ rào bít đường ngư dân ra biển. |
Lão ngư Lê Văn Giỏi đen nhẻm và già sọm đi so với tuổi 51. Ông giải thích: "Khổ tâm lắm chú ơi. Chuyện sóng gió biển khơi đã vất vả rồi, mấy năm nay lại rối bời chuyện trên bờ. Chỗ ở của dân bất ổn, ngay cái lối đi ra biển của ngư dân vùng này cũng bị bít luôn, làm sao mà sống nổi".
Gia đình ông Giỏi nhiều đời gắn với biển ở đất Điện Dương, huyện Điện Bàn này, nhưng cái nghèo vẫn luôn đeo đẳng chỉ vì đi biển bằng thúng chai, vất vưởng đánh bắt tôm cá vụn ven bờ. Bốn cha con ông đi biển từ những năm 70 đến nay, dành dụm mua được chiếc thuyền công suất 30CV để vươn khơi. Tài sản hàng trăm triệu đồng ky cóp bấy lâu chừ neo ngoài biển ngang, bởi giờ muốn ra bãi biển, vốn sát mép làng trước đây, giờ phải đi vòng qua khu resort gần 3 cây số.
Không riêng gì nhà ông Giỏi mà hàng nghìn gia đình ngư dân vùng biển xã Điện Dương đều lâm cảnh như vậy. Kể từ năm 2001 đến nay, cùng với Hội An, Đà Nẵng, vùng quê nghèo bao đời vùi chân trong cát này bỗng có đường du lịch ven biển đi ngang, rồi hàng chục nhà đầu tư tầm cỡ trong và ngoài nước ào ạt về chọn đất, đầu tư cả trăm triệu USD để xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Lễ động thổ diễn ra liên tục nhưng đến nay chỉ vài resort xây dựng thực sự. Dù quy hoạch treo hoặc "xí phần" (đất) đầu cơ hay "bỏ của chạy lấy người", song các khu đất chọn xây resort đã được các chủ đầu tư giăng lưới sắt, xây tường kiên cố rào quanh. Thế là ngư dân tiệt đường ra biển.
Bà Phạm Thị Gạc bức xúc: "Tàu thuyền vào bãi 3 giờ sáng thì chúng tôi phải xuất phát từ 1-2 giờ mới đón kịp. Không thể cứ đập bờ rào resort, xô xát, chửi nhau mãi được với bảo vệ, chúng tôi đành phải đi quanh để ra biển. Đem được con cá, con tôm về đến chợ đã trưa trờ, ương ình bán đổ bán tháo".
Đó là chưa kể lúc trái gió trở trời, sóng nước thình lình xô bờ, ngư dân trở tay không kịp. Tàu thuyền, thúng chai neo đậu bãi ngang bị sóng gió đánh vỡ tan, hoặc đứt dây neo, trôi mất ra biển. Anh Phan Diện cho biết: "Kể từ ngày làng tôi bị bít đường ra biển, tôi không dám neo tàu ở bãi ngang mà lại dắt vào tận Cửa Đại, sông Thu Bồn ở Hội An để neo đậu, vừa tốn người canh giữ, tốn kém xăng xe đi lại".
Sóng cả trên bờ
Phó Chủ tịch UBND xã Điện Dương - ông Lê Văn Khuê - liệt kê hàng loạt tên các công ty là chủ đầu tư các khu resort ở địa phương như Trường Sơn, Quyết Thắng, Kim Vinh, Indochina, Sài Thành, Việt Thương, Dinhtrees, Việt Long... Khu ít nhất cũng rộng 7 ha, nhiều lên đến 30-50 ha. Mức đầu tư trung bình 1 ha lên đến chục triệu USD. Nói chung, 7 km bờ biển của xã đã bị bít kín bởi liền kề các khu resort này.
Tuy nhiên ngoài việc treo bản vẽ quy hoạch, giăng lưới, xây rào, đến nay chỉ có 2 dự án của công ty Indochina và Kim Vinh mới thực sự xây dựng nghiêm túc. Nếu tính cả số hộ dân thuộc diện giải toả, di dời để xây dựng tuyến đường du lịch ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc và các hộ dân nằm trong khuôn viên các resort phải di dời, số hộ dân lên đến 1.300, thuộc xã Điện Dương.
Thế nhưng từ năm 2001 đến nay, nhiều nhà đã bị thu hồi đất, giải toả, thậm chí bị cưỡng chế di dời, song đến nay chưa hoàn chỉnh một khu tái định cư nào để đưa dân vào ổn định cuộc sống.
Cũng ông Khuê cho biết, trên 4.500 ngư dân xã Điện Dương từ năm 2001 đến nay khốn đốn cảnh quy hoạch treo. Tất cả nhà dân không được mua bán, sang nhượng, cơi nới, xây dựng, thậm chí không được tách hộ, nhập khẩu... Nhiều gia đình ngư dân đông con, đất rộng, khi dựng vợ gả chồng, muốn tách hộ, xây nhà cho con cũng không được.
Xã đã nhiều lần kiến nghị cho các cấp. Song bao nhiêu đơn thư, các cuộc họp tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân... vẫn không được trả lời. Đặc biệt, tình trạng cả làng chài bị bít đường ra biển đang là bức xúc của dân, song ngoài tầm giải quyết của chính quyền xã. Trước mắt, xã Điện Dương mở 2 con đường nhỏ đi tạm ngoài các resort để ngư dân đi quanh ra biển.
Nhưng đáng lo ngại hơn là trong khi bị thu hồi hết đất ven biển để phát triển du lịch, tỉnh Quảng Nam chỉ quy hoạch 2 làng ngư dân để tái bố trí cho người làm nghề biển. Nhưng với số lượng gần 5.000 ngư dân, 2 làng chài với quy mô 30 ha sẽ không đủ tái bố trí. Mặt khác, đến nay dự án làng chài chỉ mới nằm trên giấy, trong khi ngư dân phần bị giải toả, phần bị bít đường ra biển khó khăn chưa biết giải quyết như thế nào.
(Theo Lao Động)