- Chị đang làm album, lấy tên "Sau cơn mưa" kết hợp với nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Nhưng Sơn là người lâu nay vốn chỉ quen "chăm sóc" những giọng hát "quái quái", ưa bung phá, ưa vùng vẫy như Tùng Dương, Ngọc Khuê, Thanh Lam... Còn với chị thì sao?
- Có nhất thiết phải "quái" không khi mà bản thân tôi luôn chỉ coi giọng hát của mình như một công cụ, một nhạc cụ thì đúng hơn, trong tổng thể lớn bao gồm những sáng tạo của nhạc sĩ sáng tác và hòa âm phối khí. Tôi không quá quan trọng giọng hát của mình để mà luôn luôn bắt nó phải trở thành nổi bật nhất trên tổng thể đó.
"Sau cơn mưa, em đang đi trời mưa ướt, kìa em, kìa cá rô rạch ngang...", đấy nhé, nhạc Lê Minh Sơn đâu có "điên", toàn những ca từ và hình ảnh dung dị hết sức nên tôi không thấy mình nhất thiết phải "quái", phải không là chính mình...
![]() |
Ca sĩ Khánh Linh. |
- Chị nói sao khi có ý kiến cho rằng, một trạng thái an toàn luôn là điều chị muốn chủ động?
- Ổn định được trạng thái đó theo tôi đã là một thành công rồi. Hiểu theo một cách khác, cũng có thể coi đó là một cố gắng định hình phong cách. Điều quan trọng là phải biết mình đang đứng ở đâu.
Tôi cho là mình lúc này mới chỉ đặt chân lên đại lộ và do đó việc tôi cần làm nhất là đi thẳng đã, chứ khoan vội nghĩ đến các ngã rẽ. Khi tôi bắt tay vào làm một việc gì đấy, thôi thúc tôi thường không phải là cảm giác mạo hiểm mà ngược lại, phải được an toàn. Giống như khi mình mặc một cái áo mới, mình không muốn làm mọi người phải sốc.
- Vì sao chị hay chọn trang phục diễn có màu đỏ và đen?
- Ừ thì màu đỏ, như người ta vẫn nói là màu rất giỏi bắt sáng, để giúp có được một vẻ rực rỡ trên sân khấu. Còn màu đen thì... Ai béo mà chả thấy màu đen là "màu của an toàn".
- Vậy màu gì thì bị chị cho là "màu của mạo hiểm"?
- Màu sâm-panh (màu vàng đồng). Màu đấy tôi mê lắm nhưng chả bao giờ dám mặc.
- Nhưng một số mẫu phục trang biểu diễn mà chị chọn hình như lại không cho cảm giác được... "an toàn", chị nói sao về điều này?
- Một số mẫu là tôi nhờ nhà tạo mẫu Tiến Lợi thiết kế, số nữa là đi mua sẵn, chứ người tôi rất khó mặc đồ may đo (cũng là một chuyện hơi... "mạo hiểm" vậy!). Chọn đồ biểu diễn, tôi chỉ cốt sao đừng để hở 1/2 hay 3/4 là được, chỉ cần lịch sự, chứ mặc đẹp là điều đương nhiên mình không dám mơ rồi. Nhưng thôi nào, làm ơn đừng nói chuyện sống áo nữa đi. Đừng để ý tôi mặc gì, hãy tập trung nghe tôi hát...
- Có lần, chị nhận lời hát cho chương trình Bài hát Việt, ca khúc "Làng tôi bây giờ". Nhưng nhiều người nói không hợp với chị, chị muốn nói gì?
- Đó là một ca khúc mang hơi hướng dân ca miền Trung, khá đậm đà nhưng rõ ràng không hợp với tông giọng của tôi. Nhưng tôi vẫn cố. Nhiều cuộc điện thoại sau đó nói với tôi rằng lẽ ra tôi không nên. Nhưng có những điều là bất khả kháng và nó luôn nằm ngoài quyền chọn lựa của mình...
- Vì sao?
- Phải nhận lời hát những ca khúc mà trong đó, mình không được là mình, nói thật là nhiều khi tôi cũng buồn ghê lắm. Nhớ hồi mới được biết tại Sao Mai, có lần cũng đã được chú Dương Thụ gọi điện nhắc: "Tại sao cháu lại đi chọn một bài không hợp với mình như thế, đừng bạ gì cũng hát cháu ạ, làm nghề này muốn đi được lâu dài nhiều khi phải kỹ tính một chút, phải biết từ chối"...
"Ghi lòng tạc dạ" lời khuyên đáng giá ấy lắm rồi mà nhiều lúc tôi vẫn cả nể, chỉ để được xuất hiện. Thì rõ ràng bây giờ hầu hết các chương trình ca nhạc lớn đều chủ yếu do "nhà đài" tổ chức, nên nếu mình từ chối thì cũng có nghĩa là phải chấp nhận khán giả sẽ dần lãng quên mình.
- Phụ nữ cả nể thì thường không được an toàn đâu, chị làm thế nào đây?
- Biết thế, nhưng đây là chỉ cả nể nhà đài thôi chứ? Mà gần đây tôi cũng đã bắt đầu nói khó với mọi người là đừng giao cho tôi những bài không hợp nữa...
- Hà Trần lại từng nói: Đứng trước một bài hát, một người hát chuyên nghiệp nên cần phải biết quên mình đi thì mới "nhập vai" và hóa thân được, chị nghĩ sao về điều này?
- Thì đúng là cũng có lần tôi đã hát đến mức không cần được là mình nữa trong Nhật thực của Ngọc Đại. Nhưng mỗi lần phá cách như thế, tôi thường chỉ coi đó là một cuộc rong chơi nhỏ, không thể biến nó thành một cuộc chơi xuyên suốt được.
Nói thật, nhiều khi nhìn chị Thanh Lam biểu diễn với một sức hút rất mạnh, hay như hai người bạn tôi chơi thân là Tùng Dương, Ngọc Khuê tung tẩy với những thử nghiệm của mình, tôi cũng thấy thèm lắm chứ! Có những thử nghiệm không phải tôi không nghĩ được ra, nhưng tính tôi lại cẩn thận và nhát quá nên thường không dám làm khác đi với những gì mình đã được "mặc định".
- Tại sao chị lại lấy chồng sớm và sinh con ngay khi sự nghiệp mới chỉ bắt đầu, trong khi những ca sĩ khác thì lại hy sinh những tình cảm riêng để phấn đấu cho con đường âm nhạc?
- Nhiều người cũng trêu tôi: "Có người lấy chồng bỏ cuộc chơi", nhưng tôi nói: Cuộc chơi mới chỉ bắt đầu và đã là cuộc chơi thì phải có đông người mới vui. Mà đây tôi có bị "bớt" đâu, tôi được "thêm" đấy chứ, những hai người nữa cơ mà (cười).
Tôi lấy chồng năm tôi 23 tuổi, nhưng chồng tôi lúc đó đã là 31, cưới vợ vào tuổi đấy là vừa và tôi thì lại rất muốn có con sớm. Khoa học đã chứng minh rồi: Sinh con lúc mình còn trẻ và đầy nội lực, sẽ cho con được một sức khoẻ và một cái "gen di truyền" tốt hơn.
Tôi không nghĩ một đám cưới cùng hạnh phúc làm mẹ là điều có thể cản trở sự nghiệp của một người phụ nữ. Nói thật là tôi từng phải chia tay người yêu chỉ vì không có thời gian chăm sóc mối quan hệ ấy. Thế nên khi xác định là sẽ lấy chồng, tự dưng trong người mình hằn lên rất rõ cái ý thức phải cố mà dung hòa đời sống gia đình lẫn sự nghiệp và thế là mình làm được.
Không thuê người giúp việc, tôi tự tay nấu bột cho con, cho con ăn..., làm hết, chỉ cùng lắm khi nào bận quá mới phải nhờ ông bà. Và tần số xuất hiện trước công chúng cũng không vì thế mà giảm đi. Tần số ấy, theo tôi, thế cũng là vừa đủ.
- Rất hiếm người phụ nữ nổi tiếng dám từ chối... ôshin nếu muốn được dồn hết tâm sức vào sự nghiệp, còn chị lại tự tay làm việc nhà. Vậy thời gian đâu để tập trung cho nghệ thuật?
- Tôi trái lại, luôn muốn trực tiếp được chăm con mình để được chứng kiến từng giây con lớn, và muốn những người thân bên tôi cảm thấy được yên lòng về khả năng thu xếp mọi việc của tôi. Sự nổi tiếng không thể biện minh cho sự lơ đễnh của một bà mẹ. Chưa nói, khi chăm sóc và chơi đùa cùng một đứa trẻ, bất kỳ người lớn nào cũng có thể thấy mình trẻ ra và nếu để ý cũng có thể học được từ nó rất nhiều lời khuyên.
- Đó là những lời khuyên thế nào?
- Hãy xem cách một đứa trẻ vòng đi vòng lại "thị sát" rồi tìm cách lật ngửa bằng được cái ô tô nhựa ra để ngó nghiêng... Không ai có thể kiên nhẫn hơn một đứa trẻ khi chinh phục một món đồ chơi mới. Hay như cách con tôi chọn lựa khi tập nói. "Con ngủ có ngon không?", tôi hỏi, và cháu, thay vì nói "có" hoặc "không" để trả lời, lại nói: "Ngon ạ!" Dạy nó đếm "1" thì nó không nói "1" nữa mà đếm tiếp "2". Đấy, tôi nghĩ là cả... một sự sáng tạo.
- Ông xã chị là một người như thế nào?
- Nghề chính là kinh doanh xuất nhập khẩu thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Nghề phụ là... tắm và cho con ăn. Bố của Nguyễn Hữu Anh Khoa thực sự là một người bố "chu đáo, tin cậy 77 Hàng Đào".
- Ngoài yêu chồng con ra thì chị yêu nhất... điều gì ở mình?
- Mọi người thì bảo, nụ cười. Nhưng tôi thì lại ưa đôi mắt cơ. Một đôi mắt có tật hay nhìn thẳng, nhưng không phải xoi mói mà có đủ nghiêm ngắn và hiền dịu.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)