Bác sĩ Nguyễn Thị Hải Hà, Phó khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế Hoàn Kiếm (Hà Nội), cho biết, phần lớn trong số các chị em đến khám bệnh, nạo hút thai ở trung tâm ít nhiều đều mắc các bệnh phụ khoa, tuy mức độ có khác nhau. Khi hỏi, nhiều người trong số họ không hề biết mình đang mắc bệnh, cũng không hiểu do đâu mà mắc.
Theo các bác sĩ sản khoa, các bệnh phụ khoa thường bùng phát vào tiết đông - xuân và hè - thu. Điều này chứng tỏ, thời tiết lạnh ẩm hay nóng ẩm, cộng thêm sự làm việc căng thẳng đã làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể chị em. Các bệnh thường gặp nhất là viêm âm đạo, viêm nội mạc tử cung, viêm buồng trứng, viêm ống dẫn trứng tạo thành các vết tổn thương ở cổ tử cung, các u nang mà phổ biến nhất là tình trạng viêm nhiễm âm đạo do loạn khuẩn.
Viêm âm đạo do loạn khuẩn có triệu chứng đặc trưng là ra khí hư nhiều và hôi, có màu xám nhạt do sự phát triển quá mức dẫn đến mất cân bằng của nhiều loại vi khuẩn bình thường vẫn sống ở âm đạo. Bệnh không lây truyền do quan hệ tình dục và không nguy hiểm nhưng gây nhiều phiền phức cho phụ nữ. Chị em cần đi kiểm tra ngay để loại trừ các bệnh nguy hiểm khác có triệu chứng tương tự như bệnh do chlamydia và bệnh lậu.
“Tuy khó xác định chính xác nguyên nhân loạn khuẩn nhưng hình như có vai trò phối hợp của nhiều loại vi khuẩn ở âm đạo. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này là do vùng kín của chị em không được vệ sinh đúng cách và không đủ độ “thông thoáng” cần thiết”, bác sĩ Hà cho biết.
Thói quen ăn mặc với những loại quần lót làm bằng chất liệu quá nhiều nilon, hoặc mặc các loại quần quá bó sát, quá dày có thể khiến cho tình trạng viêm nhiễm gia tăng vốn đã được khuyến cáo từ rất lâu.
“Vậy mà thời gian gần đây, rất nhiều chị em, đặc biệt là những người đã bị viêm nhiễm lại sử dụng các loại băng vệ sinh hằng ngày, nhiều khi chỉ nhằm mục đích là để ngăn mùi mà thôi. Họ không hề biết rằng, môi trường ẩm ướt, thiếu thông thoáng chính là nơi để vi khuẩn sinh sôi, nảy nở và lan truyền”, bà nói.
Thông thường, vi khuẩn nằm chủ yếu ở hậu môn. Lâu nay, những người làm công tác y tế vẫn khuyến cáo người dân từ bỏ những thói quen vệ sinh khiến cho vi khuẩn có thể từ hậu môn đi tới vùng âm đạo. “Thói quen sử dụng băng vệ sinh thường xuyên, liên tục chính là con đường ngắn nhất khiến các loại vi khuẩn khu trú ở hậu môn có thể di chuyển lên âm đạo một cách nhanh chóng và thuận lợi”, bà Hà lo ngại.
Còn bác sĩ Phó Đức Nhuận, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, giải thích, đường sinh dục của phụ nữ bao giờ cũng có sự tiết dịch cả bên trong (cổ tử cung, tử cung) và bên ngoài (âm hộ), vì thế âm đạo phụ nữ đang trong tuổi sinh đẻ ít nhiều luôn ẩm ướt là chuyện thường. Chỉ cần năng thay rửa hàng ngày để giữ vệ sinh là đủ. Việc “bưng bít” bằng băng vệ sinh đó là chưa kể nhiều người còn sử dụng các loại băng vệ sinh không đạt chất lượng là hoàn toàn không cần thiết.
“Kể cả trong chu kỳ kinh nguyệt, việc lựa chọn loại băng vệ sinh cũng như tuân thủ cách sử dụng đúng cũng cần được chị em chú ý”, bà Hà nhấn mạnh. Băng vệ sinh giúp chị em giữ sạch trang phục, tạo thuận tiện trong lao động và sinh hoạt thường ngày. Tuy không tiện lợi, nhưng sử dụng vải xô trong những ngày này với điều kiện là phải được giặt sạch và được bảo quản trong điều kiện khô ráo, sạch sẽ vẫn là lựa chọn an toàn nhất.
Giờ đây, với sự phát triển của công nghệ hóa học, các loại băng vệ sinh tiện lợi, thậm chí có loại còn được thêm chất khử trùng đã xuất hiện ngày một nhiều. Tuy nhiên, nếu không biết cách lựa chọn, chị em vẫn có thể chuốc thêm nhiều bệnh cho mình. Các bác sĩ sản khoa khuyến cáo, vào những ngày này, chúng ta nên dựa theo diễn biến chu kỳ kinh nguyệt để chọn lựa loại băng vệ sinh có độ thấm thích hợp. Đồng thời, cần lựa chọn các sản phẩm đã được đăng ký chất lượng. Cần nhớ, một băng vệ sinh nên được thay trong vòng 4-6 tiếng, bởi các vi trùng có trong âm đạo hay trong môi trường không khí, quần áo có khả năng phát triển nhanh và gây tình trạng viêm nhiễm sinh dục.
(Theo Gia Đình Xã Hội)