Trước kia, Song chỉ là tay "gay" đứng đường đón khách ở hồ Thiền Quang. Thế mà hai năm sau, Song "tậu" được xe Dylan đời mới, còn bạn tình thì thay như thay áo. Một khách quen của Song thì thầm: "Nhờ lộc của các Thánh đấy! Tay này có tiếng là rất bạo trong đám đồng cô". Hiện tại, cái tên Song "gái" cúng cơm của anh ta đã chết. Thay vào đó là một cái tên hoàn toàn mới: "cô" Phúc.
"Cô" Phúc đang ngả ngớn với mấy cậu trai trẻ. Trên tay trái của bọn họ đều đeo một cái khuyên nhỏ nhắn, dấu hiệu tìm bạn tình. Dân "gay" ở đây nhẵn mặt nhau. Nam được "cô" Phúc mời ngồi "cùng làm vài ly.
Một anh bạn hỏi: "Chị dạo này làm ăn thế nào? Tháng này chị lên đồng được mấy đám hả?". Nhổ toẹt miếng bã trầu trong miệng ra, nhấp ngụm rượu mạnh, "cô" Phúc thong thả đáp: "Dạo này không có khách mấy nên tháng vừa rồi chạy được hơn chục vụ, chỉ kiếm được mấy nghìn đô tiêu vặt".
Một lúc sau, Phúc than vãn, "cô" Ánh, "cô" Bình vừa trúng quả đi mở phủ ở Hà Tây, Ninh Bình, kiếm hàng trăm triệu. Phúc nói: "Ối dào! "Con" ấy giọng thì chua loét, đức độ không có, nghiện ngập, thế mà mấy thằng bóng cứ mê tít, cúng cho nó hàng trăm triệu".
Hôm sau, theo lời giới thiệu của người quen, Nam đến gặp "cô" Lộc ở Giảng Võ, Hà Nội. Vừa gặp Nam, "cô" cất giọng eo éo: "Giời ơi! Em là có căn cơ đấy nhá. Ra hầu đồng, lộc đè chết người".
Thì ra, "cô" Lộc đang xem Nam là "khách". Muốn hầu một giá đồng phải tìm được những "nhà tài trợ". Đó là nhân vật sẽ chi từ A đến Z cho cuộc lên đồng đó.
Thấy Nam ngẩn ngơ chẳng hiểu gì, "cô" cầm tay Nam vuốt vuốt vai, thẽ thọt: "Đầy người "mất sạch sành sanh mà chẳng được manh áo đỏ" đấy! Theo "cô" thì mặt hoa da phấn, ăn sung mặc sướng. Nếu không theo, sẽ gặp vận hạn cả đời đó".
Những lời của các "cô" sao mà ngọt ngào chí lý đến vậy. Nam ngồi nghe mà mê mẩm cả tâm thần. Thế mới biết không ít người hiểu biết, từng trải, có học hẳn hoi mà vẫn bị các "cô" vần vào bẫy. Khi con mồi đã say đòn cũng là lúc đến công đoạn các "cô" luộc gà.
Theo Tiếp Thị & Gia Đình, thủ tục trước nhất là sắm áo, khăn, đai, hài. Những bộ quần áo xanh xanh, đỏ đỏ dành cho giới lên đồng chỉ có bán ở một chợ duy nhất, phố Hàng Nón. Các "cô" và những tay chủ này đã nhấm nháy với nhau từ trước. Một bộ áo xống gồm áo, khăn, quần đai giá thật chỉ 1-2 triệu đồng. Thế nhưng khi các "cô" dắt đi mua, giá của nó lên tới 8-10 triệu đồng. Riêng đai có những cái rất đắt, lên tới 5 triệu đồng.
Số tiền chênh lệch đó "cô" "xơi" đến 2/3, khách tỏ ý chê đắt hoặc tiếc của, "cô" tru tréo: "Gớm cái nhà này. Đừng tiếc tiền. Bỏ ra 1 thánh thưởng cho 10, tha hồ mà hưởng. Hôm trước, "cô" dẫn cái Hồng ở Thuỵ Khuê lên đây, nó sắm bộ áo xống những 15 triệu đồng cơ".
Khoản sắm lễ cúng cũng là một nguồn thu bất tận cho các "cô". Những người hay đi hầu chủ yếu là dân buôn bán lớn, nhà giàu, vợ con các đại gia... ngại ra Hàng Mã mua đồ lễ nên khoán trắng cho các "cô".
Vấn đồng lớn chỉ khoảng 2-3 triệu đồng, thầy "tố" lên 7-8 triệu đồng, ung dung nhét túi 5-6 triệu đồng mà chẳng mất tý công sức nào.
Một kiểu làm tiền khác của các "cô" là khi chuẩn bị đi hầu ở một nơi nào đó, các "cô" gọi điện cho các con nhang: "Này! vài ngày nữa là "cô" đi hầu ông Hoàng Bẩy đấy! Có đi cùng để "cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc, cầu bình an đắc bình an" không?".
Nếu đệ tử đó bận không đi được thì: "Thôi gửi cô chút ít lễ gọi là nhờ cô cầu cho vài câu để con ở nhà được mát lòng, hởi dạ".
"Một ít" của họ có khi là dăm bảy trăm nghìn đồng, có khi là vài triệu bạc. Tất cả đều "chui" gọn vào túi các "cô".
Dân mê đồng bóng con nhớ chuyện "cô" Giang ở Phủ Giầy, Nam Định. Cứ gặp con nhang nào, "cô" cũng chỉ tay vào đôi hoa tai bằng bạc nói: "Cô thắt lưng buộc bụng, nhịn ăn, nhịn uống hòng sắm đôi hoa tai hơn 3 triệu đồng này để thờ Mẫu đấy! Bây giờ nợ nần còn chưa trả xong, khổ quá!". Thế là ai cũng móc túi ra, người thì dăm bảy chục nghìn đồng, người vài trăm nghìn đồng an ủi đưa "cô".
Mãi sau này, một bà nghe chuyện bực mình quá mới nói: "Thôi xin "cô". Cái vòng đó là của ông Hàm ở Hàng Bạc tháng trước đi kính Mẫu. Thế mà "cô" đưa ra dùng nó để moi tiền thiên hạ còn ra thể thống nào nữa?"
Có trường hợp người đến hầu chỉ đủ hầu một giá khoảng 2-3 triệu đồng. Họ xúm lại ép người ta vay mượn cho được giá 15 triệu. Thế là người đó phải đi vay nặng lãi gần 20 triệu đồng. Đến giờ chưa trả được nợ, gia đình lục đục, vợ chồng chửi mắng nhau suốt ngày.
Một bà giàu có ở Hàng Bông mê mẩm nghe lời các "cô" giấu chồng con hiến hẳn một mảnh đất bên Gia Lâm để "lập phủ". Biết chuyện, mấy cậu con kéo đến đập phá ầm ĩ.
Chị Thanh Bình, buôn bán nhỏ ở chợ Đồng Xuân là một con nhang tích cực suốt 10 năm nay, chán nản nói: "Nghe dụ ngon, dụ ngọt đi cầu được giàu sang phú quý, lên xe xuống ngựa, người hầu kẻ hạ. Thế mà tôi nghèo vẫn hoàn nghèo, mất bao nhiêu tiền của, thời gian, giờ mới tỉnh ngộ".
Thế nhưng, "hậu vận" của nhiều "cô" cũng chẳng sáng sủa gì. Kẻ kiếm tiền về cống nạp cho mấy tay trai tơ ăn chơi hết, tên thì nghiện ngập, cờ bạc. Không ít người bị gia đình, xã hôi ruồng bỏ, trở thành những kẻ nằm ngoài vòng pháp luật.
Ở Hà Nội, hiện tại có đến 70% những người đứng giá hầu đồng là dân gay. Cũng cạnh tranh khốc liệt, mánh khoé ranh ma để moi tiền như các hoạt động mê tín khác.