- Là một nhiếp ảnh gia kỳ cựu và ông bố của hai đứa con xinh xắn, thông minh, tại sao anh không khoe con lên mạng để các bé nổi tiếng như nhiều ông bố, bà mẹ hiện nay?
- Đối với tôi, con cái là niềm tự hào và là tài sản vô giá, không gì so sánh được. Tôi cũng thích khoe con lắm chứ nhưng tôi chỉ làm thế khi các bé đạt được một thành tích nào đó. Tôi khoe với mọi người vừa là muốn mọi người chia sẻ niềm vui với mình, vừa là cách khích lệ con tiếp tục phấn đấu.
Trên trang cá nhân, thi thoảng tôi vẫn đăng những bức ảnh chụp cả gia đình và ảnh của các bé. Tôi muốn vợ, các con nhìn thấy và hiểu rằng dù tôi có bận rộn với công việc đến đâu thì vẫn luôn hướng về gia đình. Sau mỗi ngày làm việc trở về, dù đêm đã khuya, tôi vẫn không quên ghé qua phòng xem các bé ngủ có ngon không, nói chuyện với vợ để nắm được tình hình học tập, tâm tư của các bé. Cách quan tâm của một người cha không giống như người mẹ. Tôi phải nghĩ nhiều cho chặng đường dài phía trước của gia đình, trong đó có tương lai của các con.
Tôi không gửi đăng báo liên tục những bộ ảnh đẹp để các con nhanh nổi tiếng vì tôi muốn các bé tập trung vào việc học hành và phát triển năng khiếu. Hiện giờ, ở tuổi của các con tôi, việc học vẫn là chính và ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, tôi và vợ cũng đầu tư cho cả hai bé đi học năng khiếu từ rất sớm. Chúng tôi tạo nền tảng để các bé tự chứng minh khả năng của mình.
- Nói như vậy nghĩa là anh đang 'ném đá' việc nhiều bố mẹ biến các bé trở thành 'hiện tượng mạng' với tủ đồ thời trang hàng hiệu?
- Không, tôi chỉ bày tỏ suy nghĩ cá nhân về những đứa con của mình thôi. Tôi không chỉ trích hay "ném đá" ai cả. Ngược lại, tôi thấy việc bố mẹ cho bé mặc hàng hiệu là tốt. Điều đó giúp các bé sớm có định hướng phong cách và gu thẩm mỹ mà ở thế hệ của các bé, việc này rất cần thiết. Hơn nữa, hàng hiệu không phải lúc nào cũng là tiền tỷ đồng, trăm triệu đồng. Tôi định nghĩa hàng hiệu ở đây là những thương hiệu uy tín, chất lượng tốt. Hàng Việt Nam chất lượng cao cũng là hàng hiệu mà. Còn xét về phương diện cha mẹ, nếu họ có điều kiện kinh tế tốt, họ có quyền được sắm sửa cho con cái. Họ kiếm được 100 đồng mà mua cho con 1-2 đồng là điều hết sức bình thường.
Ở nước ngoài, trẻ con mặc đồ hiệu đắt tiền là chuyện bình thường. Còn ở Việt Nam, đứa bé đó bị nói ra nói vào. Con nít rất hồn nhiên, bé không phân biệt cái này bao nhiêu tiền, cái kia của nhãn hiệu nào đâu. Bé mặc cái váy đó, cái áo đó hay đi đôi giày đó… vì bé yêu thích. Vậy thôi!
- Các bé hiện nay có nhiều cơ hội để nổi tiếng qua các game show truyền hình, mạng xã hội, báo điện tử... Anh thấy các bé được và mất gì khi sớm nổi tiếng như vậy?
- Theo tôi, tài năng vượt trội của các bé được thể hiện và ghi nhận - đó là mặt tích cực. Có những bé chỉ bằng độ tuổi của con tôi thôi nhưng đã thể hiện được khả năng thiên bẩm và chúng ta cần phải trân trọng, vun đắp cho những tài năng đó. Nhưng nuôi dưỡng năng khiếu của bé như thế nào để bé không quên mất nhiệm vụ chính - học tập, lại là một chuyện khác. Cái khó là giữ cho tài năng đó phát triển lâu dài chứ cũng có nhiều bé bị thui chột sau một thời gian.
Còn mặt tiêu cực thì cũng không ít. Các bé nổi tiếng khi còn nhỏ nên chưa nhận thức được đầy đủ, dễ sinh tính tự cao tự đại, thích chứng minh mình là ngôi sao và già trước tuổi. Không còn sự ngây thơ, trong sáng là điều thiệt thòi nhất của các bé khi nổi tiếng sớm.
- Trở lại với cuộc sống của chính gia đình mình, anh nuôi dưỡng năng khiếu của các bé như thế nào?
- Như đã chia sẻ ở trên, vợ chồng tôi dành phần lớn sự quan tâm cho vấn đề học tập kiến thức của các bé, rồi sau đó mới đến phát hiện và phát triển năng khiếu. Tôi cho hai bé đi học năng khiếu từ khá sớm nhưng mỗi giai đoạn sẽ định hướng khác nhau. Khi các bé 3-4 tuổi, tôi cho bé đi học các môn năng khiếu cơ bản như đàn, vẽ, thể dục nhịp điệu... nhưng lúc này chủ yếu để bé làm quen là chính. Đến giai đoạn bé 5-10 tuổi, khi tôi đã nhận ra được năng khiếu nổi bật của bé cũng như bé thể hiện sự yêu thích với một bộ môn cụ thể nào đó, tôi sẽ tập trung cho bé phát triển nhiều hơn.
Nói về việc cho bé đi học năng khiếu này, tôi có nhiều kỷ niệm lắm. Như hồi trước, tôi cho con trai lớn đi học đàn, ban đầu, bé không thích đâu. Các bé trai tuổi đó chỉ mê trò chơi điện tử, ipad thôi nhưng tôi cứ đưa đến lớp và bắt cu cậu phải học. Tôi nói với thầy giáo rằng mục đích chính của tôi khi cho bé đi học đàn là để bé cảm thụ âm nhạc chứ không phải học để lấy thành tích nên kể cả học 10 buổi bé mới đàn được một chút cũng không sao. Thế mà dần dần bé đã yêu thích đàn hơn và bây giờ có thể tự tin biểu diễn trước trường.
- Anh áp dụng quy tắc thưởng - phạt như thế nào để khuyến khích và bảo ban các bé?
- Tôi có một con trai và một con gái. Khi bé trai bắt đầu bước vào cấp 2, tôi thường khuyến khích học tập cho bé trai bằng cách thưởng tiền. Chẳng hạn, bé được 10 điểm thì thường 100.000 đồng, 9 điểm thì thường 90.000 đồng, 8 điểm thì thưởng 80.000 đồng.
Tôi không phạt con trong học tập vì như vậy sẽ tạo áp lực rất lớn cho bé. Nếu con bị điểm chưa tốt, hai vợ chồng tôi nói chuyện với con để tìm hiểu lý do vì sao con học yếu môn đó hay hổng kiến thức ở đâu. Từ đó, hai vợ chồng tôi sẽ tìm cách giúp con khắc phục, tìm lớp học thêm cho con hoặc nhờ cô giáo kèm cặp con. Bản thân bị điểm xấu, con đã buồn rồi, mình còn mắng mỏ thì bé ảnh hưởng nhiều đến tinh thần của bé. Nếu bố mẹ mắng bé nhiều, làm bé sợ thì có thể sẽ khiến bé nói dối, giấu dốt.
Tại sao tôi lại thưởng tiền? Tôi thưởng tiền nhưng không cho bé tiêu ngay mà yêu cầu bé tiết kiệm bỏ ống heo. Đến cuối năm, bé thích món đồ gì thì sẽ dùng chính số tiền bỏ ống heo để mua. Lúc đó bé sẽ rất vui vì đây là thành quả từ sự cố gắng học tập tốt của mình trong một năm để có được phần thưởng xứng đáng.
Còn với con gái, bé chưa có sở thích gì vượt quá giới hạn nên tôi thường chiều theo ý con, khi thì con búp bê, lúc món đồ chơi đồ hàng... Nếu bé chọn mua món đồ quá đắt tiền, tôi sẽ giải thích cho con để bé cân nhắc quyết định phù hợp hơn. Hoặc tôi giới hạn số tiền sẽ dành để mua phần thưởng là bao nhiêu. Các con bây giờ nhanh lắm, chúng có thể lên mạng tự tìm quà và mức giá.
- Anh và vợ thống nhất việc dạy con như thế nào để không bị xung đột ý kiến?
- Chúng tôi cùng nhau bàn bạc về cách dạy con. Mẹ thường sẽ tâm sự với con hàng ngày, chỉ cho con những cái cụ thể, chẳng hạn như những thay đổi khi con bước vào tuổi dậy thì. Còn tôi quan tâm nhiều tới sự phát triển đường dài của con, chú ý tới đạo đức của con hơn. Nếu ngay từ nhỏ mà bé không được bố mẹ chú ý sát sao thì lên cấp 2, cấp 3 sẽ rất khó giáo dục.
Ở thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, việc giáo dục các con càng trở nên phức tạp. Bố mẹ không thể bắt ép con làm theo cách của mình nhưng cũng không được buông thả con phát triển tự do. Vì thế, chúng tôi có quy tắc xiết - thả linh hoạt khi dạy con. Tôi cho bé được sử dụng ti vi, ipad nhưng giới hạn khoảng 2 tiếng/ngày, nghỉ hè có thể nhiều hơn nhưng không quá 4 tiếng. Tôi cũng thường xuyên theo dõi các nội dung con xem để định hướng cho bé lựa chọn thông tin phù hợp.
Dịp nghỉ hè, tôi cho các con về quê dưới Sóc Trăng một thời gian để thăm ông bà nội, hưởng không khí thôn quê trong lành và tìm hiểu về thiên nhiên. Tôi muốn các con có một mùa hè đúng nghĩa, được chơi thỏa thích nhưng không quên ôn tập bài vở để chuẩn bị kiến thức cho năm học mới. Nếu có học năng khiếu trong hè thì tôi cũng chủ trường cho bé vừa học vừa chơi thôi.
Song Giang thực hiện