Anh là một cán bộ cao cấp còn chị là một doanh nhân thành đạt. Cậu con trai cưng của họ đã 15 tuổi, ngoan ngoãn và giỏi giang. Nếu nhìn từ ngoài vào, ai cũng nghĩ gia đình ấy phải đầm ấm, hạnh phúc lắm bởi họ có tất cả mọi thứ mà những người khác mơ ước. Nhưng...
Cuộc sống hạnh phúc tưởng như là trong mơ ấy chỉ là cái vỏ để che đậy những cơn sóng ngầm bên trong. Chỉ hai người trong cuộc mới biết họ đang cùng nhau thực hiện một phép thử hôn nhân - một cuộc ly thân. Vì sao cuộc hôn nhân tưởng như hoàn hảo của họ lại đi đến những lối cụt? Lỗi tại ai?
Tất nhiên là họ sẽ đổ lỗi cho nhau. Anh là người sống không thật, chỉ giỏi "ba hoa chích chèo theo lối ngoại giao chả được cái tích sự gì", đã thế lại còn thêm cái vẻ hào hoa dễ gây nên những hiểu lầm thú vị từ những cô gái xung quanh. Chị lại là người sống chung đầy ấm ức cứ thế diễn ra cho đến một ngày anh đề nghị chia tay. Chị lại ngần ngừ. Chẳng tiếc rẻ gì đâu nhưng lại thương cậu con trai rồi sẽ thiếu vắng tình cảm của cha, của mẹ. Bố mẹ ly dị thì chỉ khổ con cái thôi. Thế là chị đề nghị giải pháp ly thân. Vẫn sống một nhà, ăn một mâm, ngủ một giường nhưng mỗi người đều theo đuổi công việc riêng, hoài bão riêng và cả những giấc mơ tình yêu riêng. Cứ thế, ngày qua ngày, trước mặt con cái, họ hàng, hàng xóm thì họ vẫn tỏ ra vui vẻ nhưng khi đã rút về thế giới riêng, họ lại quay ra hầm hè, móc máy nhau.
Cho đến một ngày, chị vợ tuyên bố không thể chịu đựng được cái cảnh sống giả dối này. Nhưng lúc này anh chồng lại đang được đề bạt vào một chức vụ mới, không thể để những rắc rối của gia đình ảnh hưởng đến đường công danh nên việc ly dị vẫn không thể diễn ra. Chị vợ ôm con ra ở riêng nhưng họ vẫn là vợ là chồng trên danh nghĩa. Cuộc ly thân xa mặt cách lòng lần này hứa hẹn một khả năng nhìn nhận lại cuộc hôn nhân một cách tỉnh táo hơn. Có thể họ sẽ thấy thiếu vắng nhau. Nhưng dù nói gì thì nói, cái "án" ly hôn vẫn đang treo lơ lửng trên đầu.
Ly thân - giải pháp tích cực?
Khi mâu thuẫn vợ chồng đi đến căng thẳng, mọi nỗ lực hoà giải hầu như bế tắc thì ý định ly hôn xuất hiện. Đa phần những cặp vợ chồng ở trong hoàn cảnh này đều có tâm lý muốn giải quyết càng nhanh càng tốt, không muốn kéo dài tình trạng căng thẳng. Tuy nhiên, sau cuộc ly hôn chóng vánh, nhiều người lại thấy ngỡ ngàng hụt hẫng và cho rằng cuộc chia tay của họ diễn ra quá vội vàng, họ còn chưa có thời gian để kiểm nghiệm xem quyết định của mình là đúng hay sai.
Lẽ ra tình thế đã có thể được cứu vãn và hạnh phúc đã không bị vứt bỏ một cách không thương tiếc như thế. Và họ tặc lưỡi, lẽ ra phải nên thử ly thân để tỉnh táo nhìn nhận lại mọi chuyện trước đã. Biết đâu... Những người tỉnh táo chọn giải pháp ly thân thường là do những vướng mắc như con cái, tài sản, danh tiếng... không cho họ đủ can đảm đi đến một kết cục đổ vỡ nhanh chóng.
Xu hướng chọn một cuộc sống ly thân đang có xu hướng xuất hiện ngày một nhiều tại khu vực thành thị. Và có một điều đáng lưu ý là càng những người có trình độ học vấn, có chức vụ cao thì càng hay chọn giải pháp ly thân khi gặp những trục trặc trong hôn nhân. Lý do đôi khi chỉ là vì... sĩ diện.
Chọn giải pháp ly thân, hai vợ chồng có thể ở riêng hai người hai nơi, có thể vẫn chung nhà, thậm chí là chung phòng. Ly thân sẽ giúp vợ chồng không tiếp xúc với nhau một thời gian. Đó là khoảng thời gian để hai người bình tĩnh nhìn nhận lại vấn đề một cách toàn diện và nghiêm túc. Khi đã tính đến giải pháp ly hôn tức là những mâu thuẫn đã lên đến đỉnh điểm. Cả 2 vợ chồng đều rơi vào trạng thái căng thẳng, rất khó đối thoại bình tĩnh. Không ai nhận mình là người có lỗi và điều tai hại là họ giữ ánh nhìn không còn thiện cảm về nhau. Vì thế giai đoạn ly thân sẽ giúp hai bên bình tĩnh lại, có đủ thời gian để cân nhắc.
Tuy nhiên, có một câu hỏi được đặt ra là: Với những mâu thuẫn đã và đang tồn tại, hoặc công khai hoặc âm ỉ như thế, liệu người ta có thể tỉnh táo nhìn nhận lại cuộc hôn nhân khi mỗi ngày vẫn nhìn thấy đối phương với đầy đủ những nét đáng ghét nhiều hơn là đáng yêu?
Một câu hỏi khác: Thời gian ly thân nên kéo dài bao nhiêu lâu là đủ? Và nếu trong thời gian ly hôn, những người trong cuộc có được phép thiết lập một mối quan hệ khác hay vẫn phải giữ phận sự là vợ, là chồng, là cha, là mẹ của mình. Một câu hỏi khác nữa: Ai được lợi trong cuộc ly hôn này? Những người đã quá ngán ngẩm nhau? Những đứa trẻ ngây thơ vô tội? Hay là họ hàng và những người dưng xung quanh?
Chính xác là sự tự đày đoạ?
Nếu ngày mai trời có bão thì hôm nay bạn sẽ cảm thấy thế nào? Trời trước bão thường rất phẳng lặng, bình yên nhưng lại ngột ngạt và cực kỳ khó chịu. Đôi khi ta thầm ước thà bão cứ ập đến đi, mưa to gió lớn qua rồi thì thời tiết mới dịu lại. Ly thân càng kéo dài thì tình thế càng trở nên phức tạp. Những cuộc ly thân vô thời hạn thực sự là sự tự đầy đoạ không hơn.
Xét cho cùng, chọn giải pháp ly thân là chọn một lối sống hai mặt giả dối chứ không phải là sống thật. Người trong cuộc luôn sống trong tâm trạng dè chừng, đối phó với nhau và đối phó với mọi người xung quanh. Cuộc sống cực kỳ ngột ngạt và những quả bom mâu thuẫn đã được hẹn giờ vẫn đe doạ sẽ "nổ" bất kỳ lúc nào nếu không ai chịu là người xuống nước, tháo ngòi nổ. Nhưng một mâu thuẫn nữa (lại mâu thuẫn) là đã chọn giải pháp ly thân tức là cả hai đều kiêu hãnh như nhau, xuống nước tức là nhìn nhận mình sai lầm.
Con cái thường là lý do được viện ra để hai người trong cuộc níu giữ cuộc hôn nhân đã có nhiều sứt mẻ. Đành rằng khi bố mẹ ly dị, những đứa con sẽ gặp nhiều thiệt thòi, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, thậm chí là sẽ gặp phải những vấn đề về tâm lý. Thế nhưng sống trong một không khí gia đình lúc nào cũng căng như dây đàn như thế, liệu tình cảm của chúng có tốt đẹp gì hơn. Ly thân được coi là một giải pháp "che mắt con cái" nhưng đừng tưởng con trẻ không có đủ nhạy cảm để cảm nhận rằng bố mẹ đang có chuyện. Ấy là chưa kể có đôi khi bố mẹ không chịu được mà xỉa xói nhau trước mặt con cái, thậm chí trút cả mọi sự bực mình lên đầu con cái hoặc lấy chúng ra làm bung xung thì mọi chuyện còn tệ hại hơn nhiều. Chẳng khác gì một cảnh khủng bố tinh thần mà mọi hậu quả cuối cùng vẫn là giáng xuống đầu những đứa con vô tội.
Có bao nhiêu tỷ lệ phần trăm các cuộc ly thân sẽ đưa cuộc hôn nhân trở lại bến bờ hạnh phúc? Rất khó nói. Bởi lẽ đã ly thân rồi thì lại càng phải cần có một sự chuyển biến nào đó, những con người ở "hai bên bờ chiến tuyến" mới lại có thể đối thoại với nhau. Nếu vẽ ra một cảnh thường thấy trong văn chương thì sẽ là: Một người ốm thập tử nhất sinh để người kia suy ngẫm lại tình cảm thực của mình. Hoặc giả một sự cố nào đó với đứa con sẽ là một liều thuốc thử mức độ trách nhiệm và tình cảm của bố mẹ chúng.
Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà nhiều người coi ly thân chỉ là một bước đệm của ly hôn. Đó chính là bởi sự bất ổn trong tiền đề của chọn lựa này. Nền tảng của hạnh phúc gia đình chính là tình yêu. Đã chọn giải pháp ly thân tức là tình yêu không còn, hoặc đã phai nhạt nhiều lắm. Một thoả thuận ly thân đôi khi chỉ là một sự níu kéo lẫn nhau.
(Theo Tư Vấn Tiêu Dùng)