Câu cá ở đầm Trị. |
Miền Bắc nói đến cá lớn thường nhắc đến trắm đen, loại cá ăn ốc, có những con nặng đến 40 kg, dân câu gọi loại này là... “khủng long”. Câu được “khủng long” là một chiến tích vang lừng của dân câu giải trí. Thường thì chỉ những tay câu “có số” mới đủ tài, đủ gan, đủ kiên nhẫn vồ “khủng long".
Câu cá có từ nghìn đời, được xếp vào hàng tứ ẩn (ngư, tiều, canh, độc). Với người này, câu là phương tiện kiếm cơm, với người kia, câu là sự thong thả thư giãn, với ai đó lại là nơi gửi gắm những nhẫn nại để chờ thời. Song trên hết đây là một niềm đam mê đến ngây ngất. Cái đam mê cứ giằng tâm tưởng con người ta về thời bé thơ.
Nếu như trước đây, người đi câu từng vùng, miền câu theo truyền thống và những đặc thù tự nhiên của sông, hồ, thác, biển... thì bây giờ câu đã khác xưa. Kinh tế thị trường mở ra cho lĩnh vực câu muôn hình vạn trạng. Những hồ câu bán thiên nhiên được quy hoạch, thả cá, dựng chòi, ngăn bờ, bán vé và mở hàng loạt dịch vụ phục vụ “thượng đế” câu. Chỉ cần nhìn vào các cửa hàng bán đồ câu cũng thấy. Cách đây 20 năm, TP HCM chỉ lác đác vài tiệm đồ câu nhỏ lẻ bên mạn cầu Nhị Thiên Đường, Bình Chánh, Cầu Sơn... Nay tính sơ sơ có tới hàng trăm cửa hiệu và trung tâm bán đồ câu bề thế. Có cửa hàng đã trở thành Công ty TNHH với hàng nghìn cần câu, máy câu, máy tầm ngư, cả máy định vị... chỉ dùng cho việc câu kéo.
Cách câu cá ở Việt Nam có lẽ đa dạng nhất thế giới. Đa dạng bởi từ trước tới giờ chẳng có luật, có lệ gì về câu kéo cả. Cứ câu là câu. Câu ngày, câu đêm, câu mùa, câu năm... với cái cách nghĩ “con to bùi, con bé mềm” (ở nước ngoài, nhất là các nước phát triển, câu có luật lệ rõ ràng, giấy phép câu quy định thời gian câu, kích cỡ, số cá được bắt... chứ không như ở Việt Nam).
Ở Hà Nội mấy chục năm qua, dân câu nặng lòng với một loại hình câu vô cùng vi diệu, đó là câu lục. Lục là bộ lưỡi tập hợp 6 nhánh theo từng cỡ số và lưỡi câu không gắn mồi. Chính vì thế nên từ dây link, máy, cần, phao, đèn... đều phải tuyển chọn đặc thù. Người câu lục phải rành về các công đoạn ngâm mồi, ủ mồi, làm ổ, ben thính và có khi còn phải tạo cả thói quen cho những con cá lớn và khó tính nghiện mồi.
Câu con cá lớn kiểu này cái khó khăn, éo le thật vô cùng. Éo le ở chỗ phải dùng dây link thật nhỏ, lục thật bé mới mong đánh lừa được những con cá ấy. Rồi, bắt con cá cũng là một kỳ công, chỉ khoảng 5% là thành công. Cần thủ Quách Lê Phương nổi tiếng với con cá 37 kg ở Hồ Tây. Lê Phương đã dùng ốc và thóc mầm rải dụ cả tuần lễ, dùng camera ghi lại từng đám tim (tăm cá) xì lên về phóng to phân tích. Cả tay chuyên gia (bạn câu của Phương) cũng xác định đích thị có “khủng long” rồi.
Lập tức, một bộ lục được thửa riêng đặc biệt từ loại dây đàn piano mà đích danh quái kiệt Hà “gầy" ở phố Nguyễn Thượng Hiền trau chuốt. Ngoài các thiết bị câu, Phương còn chuẩn bị một xuồng cao su trên chứa nước suối và bánh mì khô.
Cuộc đấu trí kéo dài gần trọn ngày. Mặc kệ người ngồi ôm cứng cần trên bờ, da dẻ cứ nhuột ra vì nắng gió, con cá phía dưới như trêu ngươi, lúc thì giăng tim vòng, lúc rải hình bán nguyệt và lúc thì ùng ục tựa cơm sôi. Tới 18 giờ, Phương vẫn ngồi trơ thổ địa và chỉ còn đôi mắt tỉnh như dán vào đuôi phao. Rồi, kìa: Cái đuôi phao đỏ hồng điềm đạm lịm xuống và... Phụ...t! Lục đóng rồi! con cá vùng chạy, bộ phận autoretour của máy câu xả dây kêu è è vội vã! Chiếc xuồng cao su được đẩy ra và gã thợ câu nhanh nhẹn nhảy phóc lên rồi từ đó con cá kéo cái xuồng có người bên trên dạy dọc, chạy ngang phá rối toàn bộ cảnh chiều buông vốn rất đẹp của Tây Hồ... Cho đến đúng nửa đêm thì con cá to như gốc cây chuối hột mới chịu thua. Chụp xong cây vợt chuyên dùng ôm trọn con cá, Lê Phương buông cần ngã dài trên lòng xuồng bên cạnh chai nước rỗng không và bịch bánh khô chỉ còn lại vài vụn nhỏ...
Nếu miền Bắc, cần thủ phần lớn câu cá thả, nuôi sẵn trong hồ đầm, thì miền Nam có xu hướng câu gần với tự nhiên hơn. Vào mùa cá bông lau, những tay câu giải trí thường thuê thuyền ra tít cửa Tiểu, Hàm Luông, Ba Gia, Bình Đại... mà câu những con cá dài đến cả thước tây. Người đi câu không dễ gì quên được những kỷ niệm và cảm xúc khi cá dính câu. Ông lão Chính, người câu con cá chẽm kỷ lục của sông Lòng Tàu, kể chuyện chiều tháng chạp năm ấy, ông câu quãng Nhà máy 30/4 bây giờ. Con tôm lóng móc ngang cái lưỡi câu đơn cứ như vui tay ném ra vùng nước xoáy ngầu nghệ rồi lại kéo vào. Bất ngờ, ông có cảm tưởng như bị mắc cái gốc khiến cho tay quay khựng lại và cước câu cà từng cà từng căng như dây đàn. Trời đất ạ! Cái lon câu bằng vỏ hộp sữa Guygô đầy dây xả hết mà con cá còn đòi. Ông già vứt cần câu, ôm cứng cái lon Guygô vào bụng rồi nâng quần lội theo.
Nước đến gối, đến thắt lưng, đến cổ rồi thì a-lê-hấp... ông già tóc bạc phơ bị con cá kéo xuống sông. Cả chục người trên bờ hét. Nhưng may sao kìa, từ mé bờ phía dưới, có hai chị em chèo thuyền phăng phăng đón đầu. Ông già được vực lên thuyền, thở đi một nhẽ, nôn oẹ đi một nhẽ nhưng tay còn nắm chắc dây câu. Cô chị nhắc: “Cụ buông dây bỏ đi ạ! Máu kìa!...”. Tức thì ông lão mắt trợn tròn xoe: “Mi nói thế mà cũng nói. Buông dây ra thì còn ra cái giống gì? Mà sao tụi bây tóm lấy tao làm chi cho rách việc. Để mặc ta thử sức với con cá có hay hơn không! Có gì mà nhìn ta như thế, ta là Tám Chỉnh đây, đặc công Rừng Sác năm xưa từng bơi 2 vòng sông Lòng Tàu đây!”.
Con cá nó giằng mạnh đến nỗi cái dây cước khía đứt ngón trỏ của ông sát tới tận xương. Máu nhòe nhoẹt. Nước mắt ông lão thì ứa ra nhưng nụ cười già thì lại nở... Rồi ông lão xuống tấn, vác con chẽm lên vai đi liêu xiêu dưới tím rịm hoàng hôn. Hôm sau hỏi thăm, ông già cười khơ khơ: “Hai mươi chín ký lô! Cả chợ chê cá to chả ai thèm mua; bắt thằng cháu ôm chạy lên chợ Cũ Sài Gòn mới bán được đấy!”.
Sông nước tự nhiên Nam Bộ còn cho tôm càng xanh. Những con tôm cực kỳ ấn tượng là loại đặc sản giá trị trong tiệc tùng và xuất khẩu. Tôm càng xanh trong thiên nhiên ngon và hấp dẫn nhiều lần so với những con tôm nuôi. Câu tôm càng xanh là một nghệ thuật; đồng thời cũng là môn câu dễ đưa người thợ câu đến mê đắm hồn nhiên dẫu rằng tay cầm cần kia bao nhiêu tuổi đời đi chăng nữa.
Ở những bến cảng, cầu cảng như Cần Thơ, Vũng Tàu, Nhà Bè, Sài Gòn, Thị Vải... đều có tôm càng xanh tự nhiên. Vào những con nước kém, nước lửng là cần thủ câu tôm càng xuất hiện.
Câu tôm không cần cầu kỳ. Người câu có thể câu bằng máy hoặc chỉ bằng lon sữa bò với khoảng 30 m dây nhỏ. Cần câu ngắn nhưng đọt phải thật dịu để nhận biết khi tôm càng ăn mồi. Tôm ăn mồi chỉ nhíp nhíp nhẹ cái dọt cần. Tôm càng to, cái nhíp nhíp càng chững chạc và lịch sự. Người câu chỉ cần vừa nhấc cần, vừa cuộn dây nhẹ nhàng. Nghe nằng nặng tay và bất ngờ chú tôm kia níu chúi khiến cái cần câu cong vòng. Đây là lúc nhịp tim trong lồng ngực gã thợ câu tăng tốc đập rộn ràng. Con tôm dính lưỡi không giằng ngang như cá mà chúi ngược mới là ép phê. Hầu hết những tay câu tôm càng khi mê rồi đều khẳng định rằng: những lúc tay đôi với con tôm lớn thì trong đầu quên hết những buồn phiền, vất vả, ưu tư, lo nghĩ.
Theo An Ninh Thế Giới, thú câu ở Việt Nam đang viết nên những trang lành mạnh và đầy văn hóa. Ở Hà Nội, những cần thủ của nhiều nhóm đã ngồi lại với nhau, hiệp thương thành một CLB câu cá có nội quy, tôn chỉ, điều lệ thẻ hoạt động gọi tắt là SFC (Câu lạc bộ Câu cá Thể thao Hà Nội) do ông Bùi Hữu Cư, Giám đốc Công ty TNHH Hạ Long, làm chủ tịch. Ở phía Nam, nhóm câu cá Nguyễn Anh là tiền thân của Hội Câu cá Sài Gòn. Những người ham câu có hẳn một trang web sống động và hữu ích. Nhờ trang web này, những người mới biết câu, ham giải trí bằng môn thể thao lành mạnh này có thể dễ dàng tiếp cận “ngân hàng” mồi câu, thư viện hình ảnh, tư vấn thiết bị, đàm đạo trao đổi, cập nhật địa chỉ câu cá, tham khảo các bài viết, bản dịch và những liên kết của các trang câu, hãng đồ câu trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Mới chỉ 2 năm hoạt động, những người sáng lập hội câu cá đã tổ chức được gần 20 chuyến câu dã ngoại từ hồ rồi ra sông, biển... với con số tham gia câu không nhỏ. Có những chuyến câu biển của hội dài tới 3 ngày với hơn 200 cần thủ tham gia. Trong tương lai, những người câu cá giải trí tính đến tổ chức hiệp hội câu cá 3 miền và tiêu chí của họ không chỉ là câu thể thao, giải trí lành mạnh mà còn có những đề án về môi sinh, môi trường, bảo vệ sinh thái, phát triển nguồn cá một cách thiết thực và hữu ích. Quốc kế dân sinh hơn, những người sáng lập còn tham vọng xây dựng được cho xứ sở một bộ luật câu cá để nhằm ngăn chặn những đánh bắt vô tổ chức, vô trách nhiệm với thiên nhiên, bảo vệ cá nhỏ, cá bột, cá ngược nguồn, mùa cá đẻ... để một ngày không xa, nguồn thủy sản tự nhiên của chúng ta trở lại như ngày xưa...
Câu cá dễ gần, dễ tạo những quan hệ lãng mạn rất thật. Thế mà, có một dạo, những gã “Lã Bất Vi thời hiện đại” rắp tâm “đồi trụy hóa” bộ môn này bằng những màn dựng lều, quây chòi, thả những “mỹ nhân ngư”, làm hoen ố bộ môn thể thao, giải trí vốn dĩ rất lành mạnh và bổ ích này. Có những cuộc câu xe hơi giăng dài, đệ tử lăng xăng tiền trạm, thư ký chặn hậu, ông sếp lươi bươi, chân vuông chành chạch oai vệ xuất hiện với phong thái chí tôn. Cần câu, máy câu đã xịn mà mồi câu từ trứng, sữa, thịt bò cao cấp dòm nhức mắt con nhà nghèo. Song, thực tế đã chứng minh câu cá không phải và không thể biến tướng như những con buôn sự vụ kia vẫn nghĩ.
Đó là văn hóa câu!