Đám cưới của thủ môn Văn Lâm và cô dâu Yến Xuân diễn ra chiều 7/7 tại một resort cao cấp trên Bãi Dài - Top 10 bãi biển đẹp nhất hành tinh do Tạp chí du lịch National Geographic (Mỹ) xếp hạng. Buổi lễ ấm cúng, thân mật với quy mô nhỏ gồm các thành viên trong gia đình và hơn 10 khách. Bên cạnh các nghi lễ đơn giản, tiệc cưới của thủ môn đội tuyển Việt Nam còn có một số nghi lễ truyền thống Nga - quê hương mẹ Văn Lâm.
Trong buổi lễ, bà Olga Zhukova mang đến trước mặt con dâu và con trai một ổ bánh mì đặc biệt. Cô dâu chú rể dùng tay bẻ bánh mì, ăn kèm một chút muối. Sau đó, chiếc bánh được chia cho khách mời thưởng thức. Đây không phải lần đầu bà mang bánh mì và muối tới cho con trai. Năm 2019, sau hai năm xa gia đình về Việt Nam thi đấu, Văn Lâm trở về nhà và được gia đình ra sân bay đón. Bà Olga cũng bưng theo khay bánh như một nghi thức chào đón con về nhà bình an.
Truyền thống này có tên Khleb-sol, trong đó Khleb nghĩa là "bánh mì" còn "sol" là "muối". Đây là một tục lệ lâu đời trong ngày cưới nói riêng và đời sống hàng ngày nói chung của người Nga. Chiếc bánh mì được gọi là Karavai. Theo truyền thống, bánh Karavai hình tròn tượng trưng cho mặt trời và trên bề mặt được trang trí họa tiết bông hoa, con vật đẹp mắt. Tuy nhiên sau này, chiếc bánh dần được thay đổi hình dáng bên ngoài đơn giản hơn.
Trong đám cưới của người Nga, sau khi kết thúc các nghi lễ chính thức, cô dâu chú rể trở về nhà và được cha mẹ chào đón, trên tay bưng chiếc bánh mì và hũ muối nhỏ. Hai người sẽ cùng nhau xé bánh, chấm muối và đưa cho nhau ăn. Hình ảnh này mang ý nghĩa từ nay, cả hai sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn trong cuộc sống, hứa cùng nhau vượt qua mọi chông gai. Ngày nay, nhiều gia đình người Nga vẫn giữ tục lệ này như một truyền thống tốt đẹp.
Khleb-sol không chỉ được dùng trong đám cưới, còn rất phổ biến khi chào đón khách tới nhà, thể hiện thịnh tình tiếp đón của gia chủ. Sự kết hợp của bánh mì và muối mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Bánh mì biểu trưng cho giàu có và sung túc, còn muối được xem là có khả năng giúp con người tránh khỏi vận xui rủi, không may mắn. Khi vị khách ăn bánh mì, điều này cũng đồng nghĩa hai bên bắt đầu mối quan hệ hữu hảo, cùng nhau chia sẻ mọi khó khăn lẫn may mắn.
Theo văn hóa dân gian của người Nga, bánh mì là biểu tượng thiêng liêng, trong bếp còn bánh mì nghĩa là cuộc sống vẫn đủ đầy. Muối lại là thứ quý hiếm, xa xỉ thời xưa, chỉ người giàu mới đủ tiền mua. Do đó, chỉ khi đón tiếp khách quý, người ta mới mang ra để mời. Vị khách cũng không được từ chối bởi đây sẽ được xem là hành động khiếm nhã, coi thường chủ nhà. Tục ngữ Nga có câu: "Ngay cả nhà vua cũng không từ chối bánh mì và muối" hay khi muốn trách móc ai đó vô ơn, quên tình xưa nghĩa cũ, người ta thường nói người đó "đã quên bánh mì và muối".
Trong ngoại giao, Khleb-sol cũng được coi là một nghi thức trang trọng khi tiếp đón các nguyên thủ quốc gia. Nhiều vị lãnh đạo cao cấp trên thế giới như Chủ tịch Kim Jong Un khi đến Nga đều được phục vụ món ăn này. Những cô gái mặc trang phục truyền thống, mang bánh mì và muối đặt trên chiếc khăn thêu kiểu rushnyk truyền thống, bưng khay bánh bằng cả hai tay, thể hiện sự trân trọng. Ngoài ra, tất cả các đoàn thể thao tham dự vòng chung kết World Cup 2018 tại Nga cũng được chào đón bằng món ăn độc đáo này.
Không chỉ ở Nga, nhiều quốc gia Bắc Âu, Đông Nam Âu, Tây Á và Trung Đông cũng sử dụng bánh mì và muối trong một số nghi thức như đón khách, mừng tân gia, thôi nôi trẻ sơ sinh.
Nguyên Chi