Kể từ năm 2014, chuyện siêu kình ngư dự hay không dự một giải quốc nội lại khiến giới chuyên môn cùng người hâm mộ dậy sóng, thậm chí xảy ra những những cuộc tranh cái nảy lửa. Nguyên nhân khiến Ánh Viên rơi vào tình thế khó là ngành thể thao cùng đơn vị chủ quản không có quan điểm, cách làm thống nhất.
Một tài năng vừa đứng hạng 9 Olympic như Ánh Viên không cần và không nên dự bất cứ một giải quốc nội nào. Với đẳng cấp vượt trội, nếu Viên tham dự một cuộc đấu cũng chỉ là tạo cơ hội phấn đấu, cọ xát cho các đối thủ, mang tới sức hút cho giải, còn bản thân cô chắc chắn không thu hoạch được gì về chuyên môn. Cuộc thi chỉ là những buổi tập nhẹ nhàng, để giữ nhịp, làm nóng, hay cao hơn là kiểm tra kết quả.
Thế nhưng, như một nghịch lý, kình ngư người Cần Thơ vẫn thường xuyên phải thi đấu ở nhiều giải vô thưởng vô phạt về chuyên môn để hoàn thành trách nhiệm giành thành tích tối đa có thể. Năm 2013, Ánh Viên đoạt 8 HC vàng, một HC đồng tại Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á do Việt Nam đăng cai. Năm 2014, cô giành tới 20 HC vàng (17 cá nhân, ba đồng đội), phá 14 kỷ lục tại Đại hội TDTT toàn quốc. Năm 2015, ngôi sao SEA Games cũng giành tới 16 HC vàng (15 cá nhân, một đồng đội) tại giải vô địch quốc gia.
Ở các cuộc này, Ánh Viên đều chỉ cần nhẹ nhàng thể hiện 60-70% khả năng, song không thể nói cô không bị ảnh hưởng đến thể lực, phong độ, khi phải liên tục di chuyển trên những quãng đường dài. Đơn cử năm 2014, cô gái trẻ gồng mình gắng sức thi đấu 8 giải và khó tránh khỏi tình trạng quá tải.
Trong khi đó, chính việc Ánh Viên "gặt" quá nhiều huy chương khiến các đối thủ, đoàn khác nản lòng, phần nào đó làm ảnh hưởng đến chất lượng giải đấu. Có lẽ, sự phản ứng là lý do buộc đơn vị chủ quản, thể thao quân đội, yêu cầu Ánh Viên chỉ tham dự một số nội dung quan trọng tại giải quốc gia 2016. Khúc mắc xảy ra khi HLV Đặng Anh Tuấn kiên quyết đăng ký cho Viên đủ 17 nội dung. Từ đó, thể thao quân đội quyết định rút Ánh Viên khỏi giải và ông Tuấn quyết định cho Viên dự tranh dưới danh nghĩa Trung tâm HLTTQG TP HCM, nơi quản lý đội tuyển bơi. Trước những diến biến mới, ngay trước thềm giải, Tổng cục TDTT phải họp khẩn để chốt lại phương án Ánh Viên sẽ không tham dự giải.
Nhiều chuyên gia cho rằng ngay từ năm 2012, khi VĐV sinh năm 1996 nổi lên như một nhân tố mới có một không hai của bơi Việt Nam, các cơ quan quản lý phải thống nhất không để cô tham dự những giải quốc nội, trừ một cuộc đấu được cả làng thể thao coi trọng bậc nhất là Đại hội TDTT 4 năm mới có một lần. Khi đó, nếu có về nước để làm các thủ tục cho giải vô địch châu Á như lần này, thầy trò Viên cũng không phải tính đến việc "tranh thủ" thi đấu ở giải quốc gia vì các lý do khác nhau.
Vụ lùm xùm liên quan đến Ánh Viên cũng có mặt tốt bởi kể từ bây giờ cô không còn băn khoăn có phải về nước dự giải quốc gia theo kiểu "thực hiện nghĩa vụ" như trước.
Thư Minh