Và trong buổi họp báo ngày 25/4 họ đã ra một tuyên bố chung. Sau đây là toàn văn bản tuyên bố:
Mới đây, con số kết hôn với người nước ngoài như một hình thức di cư trong xu thế toàn cầu hóa đã bất ngờ tăng lên một cách nhanh chóng. Theo báo cáo của Cục Thống kê vào tháng 3/2006, tỷ lệ kết hôn với người nước ngoài của HQ chiếm 13,6%, riêng ở vùng nông thôn tỷ lệ này lên đến 35,9%.
![]() |
Lưu học sinh VN đang nghe ông Kim Kyu Hwan (trái) đọc bản tuyên bố chung. |
Nếu là một cơ quan ngôn luận chân chính, thiết nghĩ cơ quan này cần phải biết phân tích sâu sắc những nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi trên cũng như phải đề cập đến những vấn đề đã phát sinh trong quá trình này và nỗ lực nhằm tìm ra phương hướng tích cực, đúng đắn.
Thế nhưng, trong bài báo “Các trinh nữ VN đến HQ - đất nước của hy vọng” trên trang xã hội của tờ nhật báo Chosun xuất bản ngày 21/4 vừa qua đã cho thấy một thái độ bàng quan, một giọng điệu bình thản, không có một ý thức phê phán nào trong việc truyền đạt quá trình kết hôn với người nước ngoài giữa phụ nữ VN và đàn ông HQ được thực hiện thông qua công ty môi giới hôn nhân.
Tuy nhiên, ở VN, những công ty môi giới hôn nhân như thế này đều bị xem là hoàn toàn bất hợp pháp; còn ở HQ, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động xã hội đã liên tục phê phán tính chất thương mại hóa hôn nhân đã nảy sinh trong quá trình này. Cho nên, thái độ bàng quan của bài báo này đáng bị phê phán bởi lý do nó đã bỏ quên nghĩa vụ của một cơ quan ngôn luận chân chính.
![]() |
Theo bạn Vũ Duy Hưng từ Seoul, Che Sung Woo, tác giả bài báo, đã ra gặp những người biểu tình. Anh cho biết đó là lần đầu tiên đến VN, chưa hiểu biết hết về đất nước này nên trong bài viết có thể chưa toàn diện. Che Sung Woo đã đi theo đoàn biểu tình để xin lỗi và đề nghị cho anh cơ hội khác để viết bài tốt hơn về VN. Tuy nhiên những người biểu tình đã đòi hỏi nhật báo Chosun phải có lời xin lỗi chính thức cho những phụ nữ VN, phải vạch rõ lập trường về vấn đề “sản phẩm hóa phụ nữ”, đồng thời phải đưa ra những qui định với nhà báo về vấn đề nhân quyền và quyền lợi phụ nữ... |
Bài báo đã viết: “Ông Kim đã xem mặt trực tiếp 11 người, ngoài ra còn tiến hành gặp mặt trên mạng. Ông chuyển sang phòng bên cạnh, mở đĩa CD có thời gian một tiếng rưỡi, thời gian ghi hình là tháng 4/2006. Trên màn hình lần lượt xuất hiện 150 cô gái đeo số báo danh trên ngực. Ống kính quay từ gương mặt rồi đến toàn thân và cứ lặp lại nhiều lần”. Như vậy, bài báo đã truyền đạt một cách chi tiết quá trình sản phẩm hóa thân thể người phụ nữ trong cuộc gặp mặt nhưng lại không hề tỏ bất cứ thái độ phê phán nào đối với việc xúc phạm nhân quyền như thế này.
Hơn nữa, nhật báo Chosun đã đưa lên khắp trang báo những tấm ảnh chụp rất rõ nét gương mặt các phụ nữ VN mà có thể xúc phạm đến quyền chân dung của họ. Dưới tấm ảnh là dòng chú thích: “Các hoàng tử HQ, xin hãy đưa em về” đã nhấn mạnh tính tự nguyện, sự thiết tha của các phụ nữ VN và làm mờ đi bản chất của vấn đề. Xuyên suốt bài báo, phóng viên đã nhiều lần đề cập đến động cơ của việc phụ nữ VN lấy chồng HQ chỉ là nhằm “thoát khỏi đói nghèo”. Điều này đã làm đơn giản hóa và xuyên tạc những nguyện vọng, lý do rất đa dạng của phụ nữ khi lấy chồng nước ngoài. Trên thực tế, rất nhiều phụ nữ đã kết hôn và di cư sang HQ đang chịu đau đớn bởi quan niệm của xã hội xem họ là “những người kết hôn với mục đích kinh tế”. Trong khi đó, bài báo của Chosun lại làm nặng thêm cái nhìn phiến diện này và gây xúc phạm hơn nữa đến nhân quyền của họ.
Hiện nay ở HQ, đặc biệt ở vùng nông thôn, trên khắp các đường phố, người ta dễ dàng tìm thấy những quảng cáo “Hãy kết hôn với trinh nữ VN” bao hàm nội dung: “hoan nghênh những người già, những người muốn tái hôn, những người có con, những người bị tàn tật”. Thêm vào đó, những quảng cáo trên báo chí hoặc trên mạng cũng đã “sản phẩm hóa” hình ảnh phụ nữ VN là những con người dễ phục tùng chế độ gia trưởng phong kiến.
Đây chính là một vấn đề xã hội rất nghiêm trọng, đáng bị phê phán và cần phải được cải thiện. Nhật báo Chosun tự cho mình là “cơ quan ngôn luận chân chính” nhưng đã không dẫn dắt vấn đề theo hướng đúng đắn mà lại còn đăng những bài báo không khác gì với nội dung quảng cáo của các công ty môi giới hôn nhân và gây phát triển thêm tệ nạn xã hội.
![]() |
Nguyễn Thị Minh Lan, nghiên cứu sinh ĐH Quốc dân Hàn Quốc, đang bày tỏ sự phẫn nộ khi trả lời phỏng vấn báo chí Hàn Quốc. |
Chúng tôi đứng ra phê phán bài báo “Những trinh nữ VN đến HQ - đất nước của hy vọng” đăng trên trang xã hội của nhật báo Chosun vì lý do bài báo đã bỏ quên trách nhiệm của ngôn luận, làm vững chắc hơn nữa cái nhìn phiến diện trong xã hội, xúc phạm đến nhân quyền nói chung và quyền chân dung nói riêng của phụ nữ VN. Vì thế, chúng tôi yêu cầu như sau:
- Nhật báo Chosun phải gửi lời xin lỗi chính thức cho những phụ nữ VN trong tấm ảnh đã bị xúc phạm đến quyền chân dung.
- Vạch rõ lập trường của nhật báo Chosun về vấn đề “sản phẩm hóa phụ nữ” đã diễn ra trong quá trình kết hôn thông qua các công ty môi giới hôn nhân.
- Nhật báo Chosun hãy thành tâm hối cải cho thái độ bàng quan và hành động thúc đẩy thương mại hóa phụ nữ của mình.
- Nhật báo Chosun phải đưa ra những qui định đối với bài báo và nhà báo về vấn đề nhân quyền và quyền lợi của phụ nữ.
Tôi nổi giận Tôi là một cô gái VN đang sinh sống và học tập tại Hàn Quốc. Cũng như nhiều người nước ngoài ở đây, tôi thích nghi khá tốt và yêu mến đất nước này vì nhiều nét văn hóa độc đáo và truyền thống mến khách của người Hàn. Nhưng chẳng biết tự bao giờ tôi đã bắt đầu thấy khó chịu vì thường xuyên gặp phải câu hỏi: “Sang HQ để lấy chồng à?”. Vì điều này mà tôi đã trở nên im lặng khi đi taxi hay đến những nơi có đông người HQ. Bởi vì đơn giản, tôi chỉ muốn tránh cái câu hỏi đó mà khi họ gặp tôi, không phải, khi họ gặp những cô gái VN như tôi để rồi quy ra một điều chúng tôi đến HQ là chỉ để lấy chồng Hàn. Cách đây vài hôm, tôi nhận được một thư điện tử từ sáng sớm. Đó là một bác người Hàn rất quý tôi, bác ấy gửi cho tôi nội dung một bài viết có tựa đề là “Các trinh nữ VN đến HQ, đất nước của hy vọng” đăng trên báo điện tử Chosun. Chắc bác ấy cũng đoán được rằng tôi sẽ bực bội với nội dung bài báo nên có viết thêm mấy dòng: “Tôi sợ cháu xấu hổ, định thôi nhưng rồi lại gửi. Không có gì phải xấu hổ vì cách đây 20-30 năm phụ nữ HQ cũng đổ xô đi lấy chồng Mỹ với giấc mơ đổi đời ở Mỹ. Nghèo khó không là điều xấu hổ mà là điều cần khắc phục”. Với người VN, chuyện kết hôn với người nước ngoài cũng đã có từ rất lâu trước khi trào lưu lấy chồng HQ nổi lên. Nhưng dù sao thì tôi cũng cảm ơn những dòng chữ bác ấy để lại, và một chút tò mò, tôi đọc bài báo. Nhưng rồi tôi bắt đầu cảm thấy bực tức, không phải vì cái sự thật rằng nhiều cô gái VN muốn thoát khỏi đói nghèo nên lấy chồng HQ, mà vì cái cách viết xem thường của bài báo ấy. Cảm giác từ bài báo cứ y như là nỗi bực dọc mà tôi từng có khi đọc các băng rôn quảng cáo dọc đường. Tiếc thay nó lại được đăng tải trên nhật báo Chosun, một tờ báo có tiếng với tỷ lệ người đọc cao nhất ở HQ. Rồi xung quanh tôi có nhiều cú điện thoại, ai cũng hỏi “Có đọc bài báo đó chưa?”, “Đọc rồi", và bực bội đến mức không muốn nói tới chuyện đó, tôi đáp, phải xem báo giấy kìa, có cả hình ảnh minh họa hẳn hoi”. Và minh họa cho bài báo là tấm ảnh chụp cảnh hai người đàn ông HQ với khoảng hơn mười cô gái VN rụt rè ngồi chờ xem mắt. Và thật buồn cười khi chú thích cho tấm ảnh đó là “Các hoàng tử HQ, xin hãy đưa em về”. Quả thật, cách viết của tờ báo này mà cụ thể là của phóng viên Che Sung Woo là một hình thức quảng cáo. Họ bất chấp sự thật rằng có rất nhiều cô dâu nước ngoài đang sống trong tủi nhục cũng chỉ vì dại dột đi về vùng đất hứa này. Cái cách gọi “những hoàng tử Hàn” thì chắc hẳn ai cũng biết rằng đó là những người đàn ông (qua các dịch vụ môi giới kết hôn) đa số là những người ở vùng nông thôn tuổi đã ngoài 40, nếu không kể đến những cụ già đã đến lục tuần (được giấu biệt năm sinh cho đến khi “ván đã đóng thuyền”) mà ở HQ họ rất khó có thể kiếm được cho mình một người vợ như ý. Không ít những người trong số họ đã kết hôn trên hai lần, bị dị tật hay đang thất nghiệp. Những “hoàng tử Hàn” là như thế! Tôi thật sự nổi giận, tôi muốn xé nát bài báo vì sự hạ thấp phẩm cách con gái VN của bài báo đó. Tôi muốn hét lên rằng bài báo cần phải đưa thông tin một cách khách quan với cái nhìn đừng phiến diện. Rằng người viết có biết được là có bao nhiêu người con gái đã đánh đổi cuộc đời mình đến vùng đất này rồi ngậm đắng nuốt cay vì cái trò kinh doanh hôn nhân như thế. Rằng là một phóng viên của một tờ báo uy tín thì cần phải viết bài phản ánh sự thật bằng hiểu biết và lương tâm mình chứ không phải một kiểu quảng cáo rẻ tiền như vậy. Ngọc Lan (Trường Sư phạm, ĐH Quốc gia Seoul, Hàn Quốc) |
(Theo Tuổi Trẻ)