Một 'tay chơi' ở Hà Nội. Ảnh: Blog D7 |
Buổi tối thành phố gió mát lồng lộng, nhưng ánh đèn đường từ trên cao hắt xuống vẫn soi rõ khuôn mặt ròng ròng mồ hôi...
Không dành cho người yếu tim
Thủy là thành viên nữ duy nhất trong đám bạn trẻ đang miệt mài tập chơi với chiếc ván trượt - còn gọi là skateboard - thường chọn vỉa hè Bưu điện thành phố làm nơi “luyện chân”. Phút nghỉ lấy lại sức giữa buổi tập, Thủy chỉ cho tôi xem đầu gối và cùi chỏ chi chít vết thâm tím, những vết còn mới đè lên vết chưa kịp lành. Khi tập, Thủy thường mặc quần jeans và quấn băng-đô quanh cùi chỏ tay để giảm trầy xước, nhưng vẫn không tránh khỏi những cú ngã điếng người. Cô bé đang học cấp 3 này cho biết: “Với dân chơi ván trượt, những tai nạn kiểu này chỉ là chuyện nhỏ...”. Thủy là một trong rất nhiều bạn trẻ ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... đang ngày ngày miệt mài luyện tập vì đã trót “phải lòng” skateboard.
Vào Việt Nam từ khoảng năm 2000, đến giờ skateboard vẫn cuốn hút giới trẻ bởi tính phóng khoáng, mạo hiểm trong những cú trượt, lộn đẹp mắt. Lính mới thì tập giữ thăng bằng và đi trên ván (walking), rồi tập nhảy kéo theo ván (ollie). Để thạo được hai “ngón nghề” đầu tiên này cũng phải mất tới vài tháng. Tiếp theo là nhiều kỹ thuật phức tạp hơn như: trượt bằng trục trước ván (nose grind), trượt bằng đuôi ván (tail slide). Khó nhất là mấy kỹ thuật vừa đập đuôi ván, xoay 180 độ và dùng chân bắt ván. Đến bước vừa xoay người vừa xoay vòng và lật ván ai làm được thì đã được phong “cao thủ”!
Có người nói skateboard không dành cho “con nhà nghèo”, có lẽ cũng đúng. Một chiếc ván trượt xịn - loại dành cho các cao thủ rành rẽ nhiều kỹ thuật - có giá từ 1 triệu rưỡi đến 3 triệu thì mới bền và đảm bảo được độ an toàn khi thực hiện những bước nhảy khó. Những phụ kiện mà các skater (từ gọi tắt chỉ người chơi skateboard) thường trang bị là giày thể thao, quần cạp trễ, áo thể thao... theo phong cách hiphop. Tuy nhiên, những “lính mới” mới làm quen với skateboard thường chọn cách mua ván rẻ (loại của Trung Quốc), hoặc ván cũ nhượng lại, giá mềm hơn nhiều, khoảng 100 - 300.000 đồng để tập tành cho đỡ... xót ruột. Với mức giá này, ván xịn mà cũ thì còn tập khá tốt, nhưng ván “ẹ” quá thì rất dễ bị rạn ván, mòn ván, long bánh xe...
Vất vả tìm chỗ chơi
Skateboard cuốn hút giới trẻ bởi tính phóng khoáng, mạo hiểm trong những cú trượt, lộn đẹp mắt. Ảnh: D7 |
Mặc dù có mặt tại Việt Nam đã lâu, số lượng các bạn trẻ chơi skateboard ngày càng đông và lác đác đã có một vài ngày hội của các skater được tổ chức. Thế nhưng họ vẫn khá lận đận trong việc tìm kiếm cho mình một sân chơi chính thức. Skater vẫn mướt mồ hôi trong vòng: tập - bảo vệ đuổi - chạy tìm chỗ khác - tập tiếp.
Có thời gian ở Đà Nẵng, đoạn vỉa hè đối diện Cổ viện Chàm cứ chiều chiều là dân skater tụ tập luyện chân. Sài Gòn thì có đoạn vỉa hè khá rộng trước cửa Bưu điện thành phố, Công viên 23.9, Sân vận động Phú Thọ vài ngày trong tuần có mặt các skater. Ở Hà Nội, hai nơi mà skater hay lui tới là Công viên Thống Nhất và Công viên Lênin, họ thường tập từ chiều muộn tới tối. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, họ bị bảo vệ đuổi vì sợ skater gây nguy hiểm cho những người khác tập thể dục, đi dạo, chạy bộ trong công viên. Dù phải né bảo vệ, nhưng có một khoảng trống đủ rộng và bằng phẳng để tập đã là may mắn rồi, còn nếu tập ngoài vỉa hè, ngoài đường thì sẽ nơm nớp lo bị tai nạn.
Không có chỗ tập và cũng không có “huấn luyện viên” chính thức, chủ yếu họ tự mày mò và học lẫn nhau. Bạn trẻ nào mê ván trượt thì tùy vào túi tiền của mình sắm lấy đồ nghề hoặc nhờ bạn bè nhượng lại, rồi tìm đến địa điểm dân skater hay tụ tập mà học theo, nhờ đàn anh chỉ dẫn. Một số nhóm đã khá có tiếng trong giới skater như Lênin team, SGS... Ngoài hai nơi mà skateboard có mặt từ khá sớm là Hà Nội, Sài Gòn, một số thành phố khác như Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ... phong trào chơi ván trượt đã bắt đầu phát triển. Nhu cầu về sân chơi “hợp lệ”, an toàn và đủ điều kiện của các skater Việt Nam là hoàn toàn chính đáng!
(Theo Thanh Niên)