Báo cáo thường niên năm 2017 của Tổng công ty hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines cho thấy, tiền lương, thưởng của cán bộ quản lý, chuyên viên, kỹ sư, tiếp viên năm vừa qua đã tăng 10-15% theo chức danh, nhóm chức danh so với năm 2016. Riêng đối với phi công, mức thu nhập từ lương và thưởng đã tăng 5%. Ngoài ra, họ còn được các chế độ đãi ngộ như bảo hiểm hưu trí tự nguyện, miễn giảm cước vé mới, thưởng nếu bay tốt…
Trong khi đó, năm 2016, mức lương bình quân phi công Vietnam Airlines nhận được là 115,3 triệu một tháng (gần 1,4 tỷ một năm). Mức lương này cũng đã tăng 5% so với năm 2015. Theo đó, với mức tăng 5%, năm 2017 thu nhập bình quân của các phi công tại đây vào khoảng 121 triệu đồng một tháng (1,45 tỷ đồng một năm). Tuy nhiên đây là mức bình quân chung. Chia sẻ với VnExpress, một cơ phó Vietnam Airlines cho biết, mức thu nhập của anh chỉ từ 50 -70 triệu đồng, mức tăng giảm tùy vào mức sản phẩm theo chặng. Còn đối với cơ trưởng thì mức lương 110 -150 triệu đồng.
Bảng thu nhập của phi công 3 hãng hàng không Việt
Đvt: triệu đồng
Nhân sự | VietnamAirlines | Jetstar Pacific | Vietjet Air |
Cơ phó | 50 - 70 | 100 -120 | 110 -160 |
Cơ trưởng | 110 -150 | 110 -160 | 180 -240 |
Tính đến hết năm 2017 hãng có tổng cộng 6.708 lao động, trong đó, phi công và tiếp viên chiếm 41% nguồn nhân lực, đạt 2.778 người. Con số này giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết từ 1/6 hãng bắt đầu điều chỉnh lương tăng. Tất cả nhân viên đều được áp dụng chế độ lương mới, trong đó, phi công có người được tăng tới 20%, có thể tăng thêm tới 40 triệu đồng một tháng một người với cá nhân có trình độ cao.
Năm 2017, doanh thu Vietnam Airlines đạt 83.554 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.659 tỷ, tăng 26,3% so với 2016.
Trong khi phi công của tổng công ty nhận mức lương được cho là thấp so với các hãng khác, thì Jetstar Pacific - công ty con của Vietnam Airlines - đang có mức lương hấp dẫn hơn.
Tìm hiểu của VnExpress cho thấy lương cơ phó của Jetstar đang ở mức 100 -120 triệu đồng, cơ trưởng quanh 110 -160 triệu đồng (tùy vào giờ bay và thâm niên).
Với hãng hàng không Vietjet (VJC), tuy có quy mô hoạt động và doanh thu thấp hơn so với Vietnam Airlines, nhưng mức thu nhập mà cán bộ nhân viên, trong đó có phi công đang cao ngất ngưởng.
Cụ thể, báo cáo thường niên 2017 của Vietjet Air cho biết, hiện lương bình quân của nhân viên là 15 triệu đồng, và phi công là 180 triệu đồng một người. Trong đó, mức lương cơ phó của Vietjet đang dao động trong khoảng 120 -140 triệu đồng, còn cơ trưởng 180 - 240 triệu (tùy vào hiệu quả làm việc, thâm niên).
Năm 2017, hãng này có tổng cộng 3.162 nhân viên, tăng 26% so với 2016. Trong đó có 499 phi công, 1.046 tiếp viên và 592 kỹ sư hàng không. Năm ngoái, doanh thu hãng đạt 42.303 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5.074 tỷ, tăng 254,3% so với 2016.
Lý giải về chế đội lương thưởng, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết hãng là doanh nghiệp Nhà nước nên mức lương cũng phải căn cứ theo quy định chung, muốn điều chỉnh phải có lộ trình và được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt. Hiện, trong quá trình xét duyệt lương, mức lương dành cho phi công đang được ưu tiên nhất và được điều chỉnh liên tục.
Trước đó, hàng loạt phi công của Vietnam Airlines đã gửi đơn kiến nghị với 16 chữ ký trực tiếp gửi đến Phó thủ tướng Trương Hòa Bình phản ánh về việc hãng hàng không quốc gia đang vi phạm Luật Lao động. Trong đơn kiến nghị, các phi công đã phân tích những bất cập trong Thông tư 41 của Bộ Giao thông Vận tải vi phạm Luật Lao động, gây khó dễ cho những người muốn xin thôi việc.
Tại buổi gặp mặt phi công với ban lãnh đạo Tổng công ty ngày 30/5 để giải quyết những vướng mắc, vấn đề lương thưởng thấp đã được đại diện các phi công đem ra trao đổi.
Đây không phải là lần đầu tiên Vietnam Airlines gặp phải phản đối của phi công về mức thu nhập thấp. Trước đó, vào 2015, nhiều phi công hãng đã cáo ốm và xin thôi việc. Cuối năm 2017, chính Jetstar Pacific cũng có gần 10 phi công cáo ốm và nghỉ việc, sau đó chuyển sang làm cho hãng khác.
Tại châu Á, cách đây 4 năm, hãng hàng không quốc gia Thái Lan - Thai Airways (THAI) cũng đối mặt với khó khăn tương tự. Trong vòng 5 năm tính đến 2014, họ mất hơn 200 phi công, do các hãng bay đối thủ đề nghị mức thu nhập cao hơn. Khi đó, hãng này có khoảng 1.350 nhân viên.
Phó giám đốc THAI - Montree Jumrieng - cho biết các hãng bay lớn, đặc biệt từ Trung Đông, và các hãng bay giá rẻ trả lương khá hậu hĩnh cho phi công. Japan Airlines được cho là trả tới một triệu baht một tháng. Các hãng bay Trung Đông, như Emirates trả khoảng 700.000 baht. Còn phi công THAI chỉ nhận được khoảng 240.000 baht (khoảng 156 triệu đồng - tỷ giá 2014) chưa tính phụ cấp giờ bay.
Còn đối với Singapore Airlines (SIA), Straits Times trích số liệu cuối năm 2016 cho biết nếu làm tốt, cơ trưởng của hãng này có thể kiếm được 18.000 - 20.000 USD (400 - 450 triệu đồng) một tháng. Dù vậy, mức này vẫn còn thấp so với nhiều hãng bay khác tại châu Á. Trong năm đó, hãng này cũng gặp tình trạng tương tự, khi hơn 20 phi công nghỉ việc để chuyển sang làm cho đối thủ Hainan Airlines với chế độ nghỉ linh hoạt và lương tháng khoảng 25.000 USD (565 triệu đồng).
Vietnam Airlines tính toán mất khoảng 1,7 tỷ đồng để đào tạo nên một phi công cơ bản tại Học viện Hàng không ESMA (Pháp) trong khoảng thời gian 72 tuần. Trong khi đó, rất nhiều phi công của Vietnam Airlines được hãng cho đi học 3 - 4 năm. Ngoài các khoản chi phí đào tạo, giảng dạy thì chi phí ăn uống đi lại của học viên cũng khá tốn kém. Thông thường những chi phí này ít có hóa đơn hợp lệ. Hiện, trong 3 hãng hàng không Việt Nam thì chỉ có duy nhất Vietnam Airlines tốn nhiều chi phí đào tạo cho phi công. Các hãng còn lại đa phần tuyển phi công có trình độ tay nghề sẵn. |
Theo VnExpress