![]() |
Khách đến rút tiền đã giảm so với buổi sáng. |
Bà Sương đã đích thân đến từng chi nhánh của Phương Nam trên địa bàn Hà Nội để giải thích cho người gửi tiền hiểu sự việc và khẳng định quyền lợi của khách hàng vẫn được đảm bảo ngay trong trường hợp rủi ro xảy ra. "Sau những lời giải thích của Ngân hàng Nhà nước Hà Nội cũng như của chính Ngân hàng Phương Nam, một số người đã bỏ ý định rút tiền trước hạn. Tất nhiên vẫn có người đến rút bởi số tiết kiệm của họ đã đến hạn rút, hoặc thậm chí có người chưa tin tưởng nên vẫn rút ra để bảo toàn tài sản", bà Sương nói. Bà cho biết thêm, Ngân hàng Phương Nam ở hai đầu Bắc và Nam hôm nay đã rút từ tài khoản của mình tại Ngân hàng Nhà nước khoản tiền trên dưới 100 tỷ đồng, chuẩn bị đáp ứng nhu cầu của khách. Tuy nhiên, đến cuối ngày, lượng tiền chi ra trong toàn hệ thống Phương Nam vào khoảng 40 tỷ đồng, riêng chi nhánh Hà Nội chi ra nhiều nhất là 20 tỷ đồng, bao gồm cả những khoản giao dịch bình thường.
Bà Sương một lần nữa nhấn mạnh tình hình tài chính của Phương Nam vẫn rất ổn định, và luôn luôn nhận được trợ giúp kịp thời từ Ngân hàng Trung ương. Phương Nam hiện có số vốn điều lệ 326 tỷ đồng, trong đó quỹ dự phòng rủi ro chiếm gần 10%. Khoản lãi trong nửa đầu năm đạt 37 tỷ đồng.
Khảo sát thực tế, đến cuối giờ giao dịch buổi sáng và chiều nay, lượng người đến ngân hàng đã giảm hẳn. Ông Trần Văn Giải, một khách hàng của Phương Nam, sau hàng giờ lưỡng lự đã quyết định ra về và vẫn để nguyên tiền trong tài khoản ngân hàng. Đa số khách đến ngân hàng chiều qua chủ yếu để tìm hiểu thêm thông tin và tham khảo tư vấn của các chuyên gia xem có nên rút tiền trước hạn hay không.
![]() |
Hiệu trưởng Đào Lan Phương. |
Hiện Ngân hàng Nhà nước Thành phố Hà Nội đang cử 6 thanh tra viên xuống làm việc với Công an Sóc Sơn để làm rõ sự việc. Qua tìm hiểu, chính bà Đào Lan Phương, Hiệu trưởng trường tiểu học Xuân Giang đã ký vào danh sách gồm 47 người vay vốn của Phương Nam và xác nhận đây là cán bộ nhân viên của trường. Tư vấn cho bà Phương là một cán bộ cấp dưới, bà Đỗ Thị Hồng, tổ trưởng chuyên môn, ban chấp hành công đoàn trường tiểu học Xuân Giang.
Tiếp phóng viên trong tâm trạng mất bình tĩnh, bà Đỗ Thị Hồng cho biết, Đỗ Thị Yến (nhân vật chính trong vụ việc này) chính là chị gái của mình. Cuối năm 2003, bà Yến có đặt vấn đề mượn tên một số giáo viên của trường để đứng khế ước vay tiền. Tin lời chị, bà Hồng đã đặt vấn đề với bà Đào Lan Phương, hiệu trưởng nhà trường và sau đó bà Phương đã lần lượt ký khống vào gần 20 tờ khai xin vay vốn của ngân hàng Phương Nam do bà Yến đưa. "Do tin vào chị Yến nên tôi đã ký khống vào các hồ sơ này. Hơn nữa tôi nghĩ rằng, để được ngân hàng cho vay, thì ngân hàng phải đến làm việc với nhà trường. Tuy nhiên, trong suốt thời gian 2 năm tôi không thấy ngân hàng đến làm việc nên nghĩ những hồ sơ mình ký không có giá trị", bà Phương lý giải.
Tuy nhiên theo nguồn tin của VnExpress, ngoài gần 20 hồ sơ bà Phương ký khống cho bà Yến để vay vốn ngân hàng, khoảng đầu năm 2005, bà Phương còn ký vào danh sách 47 người vay vốn của ngân hàng Phương Nam, xác nhận cả 47 người này đều là cán bộ giáo viên của nhà trường. Trong khi đó, toàn trường chỉ có 42 cán bộ, giáo viên.
Trả lời về việc này, bà Phương thừa nhận có ký xác nhận cho 47 người vay vốn là người của nhà trường. Và thực tế cả 47 người này không một ai là cán bộ, giáo viên của trường. Tuy nhiên, bà cho rằng, việc ký tá này chỉ là giúp bà Yến hoàn tất thủ tục kiểm tra của ngân hàng. "Cán bộ ngân hàng, trong đó có bà Trần Thị Gái đến làm việc với tôi và đề nghị xác nhận danh sách 47 người này là người của nhà trường. Họ nói đây chỉ là thủ tục còn số người mượn tên vay vẫn trả lãi hàng tháng đầy đủ cho ngân hàng", bà Phương nói.
Lý giải cho việc liên tục ký các xác nhận sai sự thật này, bà Phương chỉ một mực khẳng định do quá tin mối quan hệ của bà Yến nên biết sai vẫn ký. "Trách nhiệm của tôi đến đâu tôi sẽ chịu đến đó, nhưng một mình chữ ký xác nhận của tôi thì không thể vay được tiền của ngân hàng nếu như không có sự tiếp tay của chính cán bộ ngân hàng" bà Phương khẳng định.
Chiều nay, bà Trần Thị Gái, Giám đốc chi nhánh cấp II Thanh Xuân (thuộc Ngân hàng Phương Nam) khẳng định, đầu năm nay đã cùng hai cán bộ khác của ngân hàng đến trường Xuân Giang thực thi công tác kiểm soát sau quá trình vay vốn. "Hôm đó đã vào cuối giờ làm việc, chúng tôi chỉ gặp bà hiệu trưởng. Chính bà Phương một lần nữa khẳng định danh sách đó là cán bộ nhân viên trong trường và cam kết sẽ cùng bà chủ tịch công đoàn đứng ra trả nợ thay nếu những người trong danh sách không đủ khả năng hoàn trả. Điều này đã được ghi rõ vào biên bản làm việc giữa tôi và bà Phương", bà Gái xác nhận. Bà cho biết thêm, thực tế số người vay vốn trong danh sách chỉ là 43.
Thông tin mới nhất từ Ngân hàng Phương Nam cũng cho hay, con số chính xác là 43 khách hàng ở trường Xuân Giang vay trả góp chứ không phải là 47. Dư nợ ban đầu với những khách hàng này là hơn 700 triệu đồng, đến nay chỉ còn hơn 400 triệu vì các khoản vay đã được trả dần cho ngân hàng.