![]() |
Chí Trung - Ngọc Huyền. |
Cầm tinh con con trâu nên Chí Trung ít nhiều chịu áp lực trước hai "con hổ" trong nhà. "Hổ mẹ" còn có thể lấn át, song "hổ-con-gái" thì đừng hòng. Khoảng thời gian ông bố cư ngụ tại nhà không thể coi là dài: từ 11 giờ đêm trước tới 6 giờ sáng hôm sau (ngoài ăn trưa tại nhà). Vì thế nên việc gia đình, Chí Trung giao hẳn cho vợ. Nhiệm vụ của anh là mặc quần áo do vợ chuẩn bị sẵn (mua gì mặc nấy) và "giải quyết" thức ăn trong tủ lạnh, trong mâm cơm. Dù thế Chí Trung vẫn không quên, đôi khi cố ý nghiêm khắc để con cái nhớ vai trò trụ cột trong gia đình của bố: nhăn nhó khi nhà bẩn, thỉnh thoảng mắng lũ trẻ vu vơ đôi ba câu. Ngọc Huyền được chấm điểm 10 (sinh con gái đầu lòng, con trai út) và đảm nhiệm vai trò chăm sóc, bảo ban con cái học hành, quyết định toàn việc nhỏ: ăn gì, ngủ vào giờ nào, học bao nhiêu thì đủ. Chí Trung lo việc lớn: sửa sang nhà cửa, mua sắm đồ đạc. Gánh nặng có vẻ nghiêng về phía bà xã hơn, nhưng Chí Trung bảo: 2 vợ chồng sống 26 năm có lẻ nên quá quen với tính cách của nhau và cũng quá muộn để bà xã phàn nàn.
Chí Trung hiện là trưởng đoàn kịch 2 của Nhà hát Tuổi trẻ, tổ chức đưa đoàn đi diễn 63 tỉnh thành trong cả nước. Mơ ước của anh là ngày nào đó có một sân khấu nhỏ cho riêng đoàn mình để được "thay đổi khẩu vị". Anh mơ đến ngày có những vở kịch hay chỉ để phục vụ công chúng, không bán vé thu tiền. Hai vợ chồng cùng đoàn, một sếp, một nhân viên nên việc thỉnh thoảng căng thẳng với nhau là điều không tránh khỏi. Cả hai đều rất độc lập nên hễ người nào có sai sót thì người bên ngoài chẳng ai nghĩ họ đang là vợ chồng. Cũng bởi thế mà bao nhiêu năm qua, hai anh chị chưa bao giờ đi cùng xe, trừ khi đi diễn xa cùng nhau. Mấy năm trước, hai người phải xa nhà 3 tháng liền, để mặc con cái ở nhà tự chăm sóc nhau, thậm chí cô chị còn đi họp phụ huynh cho em nữa.
Chí Trung đóng hài thì "oách" rồi, nhưng Ngọc Huyền thực ra không biết chọc cười trên sân khấu. Việc chị tham gia tiểu phẩm Gậy ông đập lưng ông cùng chồng là do tiểu phẩm ấy hai người đã có dịp đóng cùng nhau, bản thân Ngọc Huyền thấy thích câu chuyện đó, do cốt truyện không bị cường điệu nên diễn viên hài "tay ngang" này không có cảm giác gượng gạo. Bởi thế, khi tham gia Gala cười, người bỏ sức ra nhiều nhất không phải là "Chu tiên sinh" mà là "y tá Lụa". Bản thân nhân vật và cách nói năng đã tạo nên chất hài. Ngọc Huyền phát hiện thêm những tình tiết mới, nhất là cách thể hiện giọng nói của y tá Lụa. Tuy nhiên, chị vẫn hơi dè dặt khi đóng hài vì con cái lớn cả rồi, mà chúng thì không thích bố mẹ chọc cười khán giả trên sân khấu.