Theo đó, trước mắt thành phố sẽ triển khai thí điểm lệch ca đối với các trường thuộc cụm đại học Sài Gòn - Sư phạm - Khoa học Tự nhiên và THPT Lê Hồng Phong; cụm trường Chu Văn An - Đại học Y Dược; THPT Telơman - THCS Nguyễn Thái Học - THCS Minh Đức...
Thời gian nhập và tan học buổi sáng, chiều sẽ được bố trí chênh lệch với mốc chuẩn tối thiểu là 30 phút. Thậm chí, trong một trường cũng sẽ bố trí lệch giờ vào lớp và tan học đối với các khối lớp.
Người đi bộ phải ôm đầu vì không thể lách chân được vào dòng xe cộ kẹt cứng để sang đường. Ảnh: K.C. |
Lãnh đạo UBND các quận 3, 5, 8, cho rằng thực trạng các cây cầu chính và tạm bị quá tải hoặc hư hỏng... là nguyên nhân gây ùn tắc bùng phát hiện nay. Các quận đề nghị TP HCM có kinh phí sửa chữa và xây thêm cầu mới để giải tỏa áp lực ùn tắc trên các cây cầu yếu, kém chất lượng. Quận Phú Nhuận, Gò Vấp kiến nghị mở rộng các trục ngã tư lớn như: Phan Đăng Lưu - Phan Đình Phùng nối dài Nguyễn Kiệm, Phan Đăng Lưu. Tiến độ thi công các công trình giao thông "rùa" cũng bị phản ứng gay gắt. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Giao thông công chính cho biết, hiện nay, nguồn vốn sử dụng cho các hoạt động an toàn giao thông đô thị đã cạn kiệt nên khó thể triển khai chống tắc đường. |
Trong cuộc họp sáng 22/9 của UBND TP HCM với toàn bộ cơ quan liên quan về chống ùn tắc đường, đại diện Sở Lao động thương binh xã hội cho rằng, cách đây 2 năm, thành phố đã từng nghiên cứu kế hoạch trên nhưng vẫn chưa được sự thống nhất của các Sở ngành nên không áp dụng. Đợt bùng nổ kẹt xe trên diện rộng hiện nay là lúc cần xem xét và bổ sung thêm đề án này, chậm nhất là trong tuần sau sẽ trình UBND thành phố phê duyệt.
Giám đốc Sở Giao thông công chính TP HCM Trần Quang Phượng "tiện thể" đề nghị thường trực Ban An toàn giao thông thành phố phối hợp, hỗ trợ Sở Giáo dục đào tạo, UBND các quận huyện, cùng thực hiện tổ chức lệch giờ đối với các cụm trường học có vị trí gần nhau hoặc ở khu vực thường xuyên kẹt xe.
Công an thành phố cũng kiến nghị lắp thêm thiết bị camera và tăng cường xử phạt vi phạm lưu thông qua ghi hình ở những ngã tư lớn không có cảnh sát giao thông giám sát. Hiện nay thành phố có 18 camera. Từ tháng 10 sẽ lắp đặt thêm để thực hiện xử phạt vi phạm qua hình ảnh camera.
Ngoài ra, các giải pháp cấp bách khác như kiên quyết chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng lề đường; quy hoạch lại mạng lưới xe buýt; nghiên cứu thu phí xe cá nhân; tăng cường cưỡng chế xử phạt, bắt buộc các điểm kinh doanh nhà hàng, quán ăn, quán nhậu phải bố trí được chỗ để xe... cũng được nhiều quận và Sở ngành đồng tình sẽ triển khai nhanh.
Đủ loại phương tiện dồn về gây nghẽn mạch giao thông. |
Chưa thu phí ôtô, xe 2 bánh
Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân ngay sau cuộc họp yêu cầu tất cả đề xuất như tăng mức xử phạt hành chính, triển khai quy hoạch giao thông, đề xuất vốn và kinh phí, điều động thêm cán bộ... đều phải lập dự án thực hiện càng nhanh càng tốt.
Theo ông Quân, về lâu dài thành phố sẽ cân nhắc việc áp dụng các kiến nghị, giải pháp mở rộng đường, ngã tư, quy hoạch lại mạng lưới giao thông.
"Riêng việc thu phí ôtô và xe gắn máy cần nghiên cứu thêm, đề xuất và chờ Quốc hội thông qua. Từ nay đến cuối năm, giải quyết ùn tắc sẽ là nhiệm vụ hàng đầu của thành phố và 2008 không còn kẹt xe", ông Quân khẳng định.
Bí thư thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải cũng nhấn mạnh, thành phố cần đặt vấn đề ùn tắc và kẹt xe đang ở mức cực kỳ nghiêm trọng, phải gấp rút đẩy lùi từ nay đến cuối năm 2007 và dần tiến tới chặn đứng trong năm 2008.
Thiệt hại hữu hình và vô hình do kẹt xe, ùn tắc, tai nạn giao thông, theo ông Hải, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, đầu tư, du lịch và làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trong tương lai.
Ông Hải nhắc nhở TP HCM cần xây dựng những trạm thông tin tại nhiều quận huyện, nhằm kịp thời báo cáo tình hình giao thông đô thị mỗi ngày để dễ dàng hỗ trợ khi cần thiết. Riêng các quận huyện, ngoài việc ưu tiên quản lý tốt giao thông trên địa bàn mình, cũng phải hiến kế chống ùn tắc, giúp thành phố hạn chế nạn kẹt xe.
(Theo VnExpress)