Luật sư Phạm Hồng Hải (áo xanh, thứ hai từ phải sang) cùng 2 luật sư khác bỏ về. |
Phiên tòa không còn tuân theo sự điều khiển của chủ tọa khi hành động của luật sư Hải (bào chữa cho Vũ Mạnh Tiên) kéo theo sự ra về của các luật sư: Nguyễn Hồng Bách, Hằng Nga, Ngô Ngọc Thủy, Phạm Hưng Thạch, Trần Anh Tuấn, Trần Đình Triển, Tôn Nữ Thu Hà… Những người dự khán cũng nhốn nháo rời tòa, chủ tọa phải đề nghị mọi người ở lại. Sau đó, trừ luật sư Phạm Hồng Hải, Nguyễn Hồng Bách, Tôn Nữ Thu Hà về hẳn, các luật sư khác đã trở lại phòng xử.
Sự căng thẳng này xuất phát do chủ tọa đã khống chế thời gian tranh luận của luật sư. Tòa dành thời gian cho phần tranh tụng giữa luật sư và đại diện Viện kiểm sát. Phần tổ chức đánh bạc và đánh bạc, các luật sư không phản bác gì. Riêng phần tội danh "đưa hối lộ" đã gây rất nhiều tranh cãi. Sáng qua, các luật sư đều đưa ra các luận cứ chứng minh việc các bị cáo bị truy tố về tội danh đưa hối lộ là chưa thỏa đáng vì thiếu chứng cứ. Vì vậy, họ đề nghị đại diện Viện kiểm sát phải chứng minh được hành vi đưa hối lộ của các bị cáo, đưa cho ai, bao nhiêu tiền như cáo trạng đã truy tố.
Trái với mong đợi của các luật sư, đại diện Viện kiểm sát không có ý kiến tranh luận với tất cả các vấn đề luật sư đưa ra. Bức xúc với sự im lặng, các luật sư lại tiếp tục đặt ra các câu hỏi, đề nghị công tố viên phải trả lời. Thay bằng sự trả lời của các công tố viên, chủ tọa phiên tòa Ngô Thị Yến lại đề nghị các luật sư không được nhắc lại những điều đã nói và hạn chế mỗi người chỉ được nói 10 phút. Luật sư Hồng Hải đứng dậy cho rằng: "Theo quy định, chủ tọa không được hạn chế thời gian tranh luận của các luật sư. Còn nếu tình trạng này tiếp tục, chúng tôi sẽ không tham dự tiếp...". Luật sư Hải cùng đồng sự ra về, phiên tòa trở nên hỗn loạn. Lực lượng cảnh sát cùng chủ tọa kêu gọi mọi người ở lại. Sau khoảng 15 phút tạm dừng, phiên xử lại tiếp tục.
Sau rất nhiều câu hỏi và đề nghị chủ tọa buộc các công tố viên phải trả lời, đại diện Viện kiểm sát nói: "Căn cứ vào các lần thẩm vấn có tại cơ quan điều tra và thẩm vấn công khai tại phiên tòa, khẳng định Dũng "Tổng" là bị cáo cầm đầu trong trong việc đưa tiền để hối lộ. Các bị cáo Dũng "Huế", Tiên, Thôn, Hoa, Toản là đồng phạm đã tiếp nhận ý chí của Dũng "Tổng". Các bị cáo đều nhận tiền và nắm được thông tin về vụ án ở các góc độ khác nhau".
Ngay lập tức, luật sư Hằng Nga đối đáp lại: "Nếu chỉ nói ý chí của các bị cáo thì đó là hành vi chưa hoàn thành, nên không đủ cơ sở để cấu thành tội danh đưa hối lộ và truy tố các bị cáo khác với vai trò đồng phạm lại càng không thể. Cứ cho rằng các bị cáo cầm tiền để đi tìm hiểu thông tin về vụ án như cáo trạng truy tố thì hành vi đó cũng không thể bị quy kết là đi hối lộ được".
Sau rất nhiều câu hỏi đặt ra với Viện kiểm sát nhưng không được trả lời lại như mong muốn, các luật sư không tranh luận. Tòa chuyển sang phần các bị cáo được nói lời cuối cùng
Bùi Tiến Dũng trong phiên tòa. |
Dũng "Huế" xin lỗi tướng Oánh
Trong phần nói lời sau cùng, Dũng "Huế" đã bật khóc. Sau vài phút, Dũng "Huế" nói: "Cho tôi gửi lời xin lỗi tới anh Cao Ngọc Oánh. Đó là một người anh rất tốt, chỉ vì một suy nghĩ nhất thời, một động cơ cá nhân của tôi đã làm anh ấy bị hiểu lầm trong một thời gian dài. Suốt quá trình điều tra, tôi có nhiều đơn kêu oan về việc nhận 30.000 USD của Dũng "Tổng". Nay con tôi cũng đã mất, gia đình nợ nhiều, nếu phải cách ly một thời gian dài sẽ rất khó khăn. Số tiền đề nghị phạt gấp ba lần 30.000 USD (90.000 USD), bị cáo thấy không thể nào có khả năng chấp hành".
Còn Dũng "Tổng" tỏ vẻ rất ăn năn, hối hận về hành vi đánh bạc và xin tòa xem xét lại tội danh đưa hối lộ để sớm được trở về với xã hội và có cơ hội chăm sóc người bố đã già.
Trong khi đó, các bị cáo khác nhất loạt xin Hội đồng xét xử xem xét lại tội danh đưa hối lộ vì cho rằng mình không phạm tội này.
9h thứ 3 tuần tới (7/8), tòa tuyên án.
Luật sư Phạm Hồng Hải: Tôi bỏ ra về là để phản ứng lại thái độ thiếu tế nhị và coi thường luật sư của Hội đồng xét xử. Luật sư bị hạn chế thời gian nói, nói chưa xong đã bị ngắt lời giữa chừng. Như vậy là Hội đồng xét xử vi phạm quy định về việc đối đáp, trong đó có quy định "chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận". Theo tôi, TAND thành phố Hà Nội cần rút kinh nghiệm về việc này. Nếu luật sư vi phạm quy định của phiên tòa thì chủ tọa có quyền mời luật sư ra ngoài. Còn ở đây, chủ tọa phiên tòa vi phạm quy định hạn chế thời gian nói của luật sư. Không có biện pháp gì để phản ứng lại nên chúng tôi buộc phải bỏ ra ngoài. Chủ tọa Ngô Thị Yến: Chủ tọa có quyền cắt những ý kiến không liên quan đến vụ án. Tại phiên tòa này, Hội đồng xét xử luôn chú ý tạo điều kiện cho những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến nhưng có quyền cắt những ý kiến bị lặp lại nhiều lần, không có nội dung gì mới, không liên quan đến vụ án. Ngay từ đầu giờ sáng tranh luận, Hội đồng xét xử đã để cho các luật sư trình bày thoải mái các ý kiến của mình. Sau đó, Viện kiểm sát đối đáp lại và luật sư lại nhắc lại ý kiến lần hai phản bác lập luận của Viện kiểm sát. Vì vậy, ý kiến lần hai này có nhiều nội dung trùng hợp với ý kiến lần đầu. Về sau, Hội đồng xét xử vẫn tạo điều kiện thời gian thoải mái cho các luật sư trình bày quan điểm của mình. |
Khánh Ngọc