![]() |
Công ty và nơi ở của phó giám đốc Hồng Nụ. |
Công ty không có chức năng xuất khẩu lao động nhưng Chiến cùng anh trai mình là Bùi Văn Thỉnh, 29 tuổi vẫn "vô tư" tiếp nhận hồ sơ và thu tiền của nhiều người. Người đến nộp hồ sơ được anh em Chiến hứa sẽ đưa sang Hàn Quốc lao động từ 2 đến 5 năm với mức lương hấp dẫn. Chiêu bài của Chiến khiến nhiều người tin tưởng và không ngần ngại rút "hầu bao".
Hơn 20 tuổi nhưng Chiến đã "lãnh đạo" cả người anh giúp sức cho quá trình lừa đảo, chiếm đoạt tiền của mọi người. Chiến khai tại cơ quan điều tra đã nhận 286 hồ sơ từ các địa phương, với tổng số tiền là 308.000 USD. Nhưng trên thực tế, tổng số tiền chiếm đoạt đã lên tới 500.000 USD.
Khi khám xét nơi ở đã thu được một sổ tiết kiệm mang tên Bùi Quang Chiến với số tiền 137.000 USD cùng nhiều giấy tờ liên quan khác.
Để công việc được trôi chảy, Chiến đã thiết lập một đội ngũ chân rết ở khắp các tỉnh thành. Tại Hà Nội, "trợ thủ" đắc lực cho kẻ này là bà Hồng Nụ, trú ở 155 Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội. Bà Nụ đã thu 14 bộ hồ sơ với 11.500 USD/bộ, trong đó có chị Nguyễn Thị Thi, và chị Bùi Thị Mai ở Phương Trạch, Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội.
Chị Mai kể, hồi tháng 9 chị làm thuê ở khu Thanh Xuân và biết công ty của bà Nụ quảng cáo nhận hồ sơ xuất khẩu lao động. Vốn không hiểu biết nhiều nên sau khi hỏi xung quanh được biết công ty này đã đưa nhiều người đi lao động bên Hàn Quốc, chị Mai khấp khởi mừng thầm.
Nghe bà Nụ nói là có chỉ tiêu trên Cục (chị không biết Cục gì) thì nếu muốn đi trong tháng 10 mỗi người phải nộp 11.500 USD, còn đi vào tháng 12 sẽ chỉ nộp từ 9.000 USD đến 10.000 USD. Bàn với chồng xong, chị cùng chồng đi "chạy" tiền, lo lót. Chị mượn sổ đỏ nhà bố chồng cùng với sổ đỏ nhà mình đem vay ngân hàng 200 triệu đồng.
Chị Mai tâm sự: "Bọn em cưới nhau, rồi vay tiền xây nhà nợ gần 40 triệu đồng nên khi nghĩ có điều kiện đi xuất khẩu lao động thì em sướng lắm. Hiện bố mẹ chồng thì già, em đi làm thuê, cộng với 4 sào ruộng, chồng làm lao động phổ thông. Trong khi đó, chúng em có hai cháu nhỏ nên với thu nhập như hiện tại chắc công nợ đến hết đời".
Bây giờ mỗi tháng chị Mai phải lo đủ 3 triệu đồng để trả lãi ngân hàng mà không có một khoản thu nhập nào, vì từ hôm biết mình bị lừa chị đâm ra ốm yếu. Chuyện này chị không dám nói cho bố mẹ chồng biết vì sợ ông bà già bị "sốc".
Cùng bị lừa với chị Mai là trường hợp của chị Thi. Tin lời ngon ngọt của bà Nụ là nếu đi lao động bên Hàn Quốc 3 năm rồi sẽ được gia hạn thêm 2 năm nữa, chị Thi đã nộp số tiền 11.500 USD. Nhưng trong bản biên nhận thì chỉ ghi 10.500 USD, số chênh lệch 1.000 USD này được bà Nụ giải thích là tiền hoa hồng, chi phí cho việc môi giới.
Để có đủ tiền nộp, chị Thi cũng nhờ bố mẹ chồng vay tiền của họ hàng. Ông Nguyễn Doãn Tám, bố chồng chị Thi tích cóp được cả đời chăn nuôi gà, vịt, cày cấy được hơn 40 triệu đồng, cộng với tiền vay của con rể lo cho chị đi "xuất khẩu" lao động nhưng bị lừa. Ông nói: "Cả vợ chồng chúng nó một tháng không để ra được xu nào, bây giờ lại càng khốn khó hơn".
Một cán bộ điều tra cho biết, hiện bà Nụ nộp lại hơn 13.000 USD thu được từ khoản "chênh lệch" của 14 trường hợp. Cơ quan điều tra sẽ xem xét mức độ hành vi của bà Nụ để đưa ra biện pháp xử lý. Trong khi đó, nạn nhân vẫn tìm đến để đòi tiền vì họ chỉ biết một mình bà. Còn bà Nụ sau khi thu tiền đã nộp hết cho Thỉnh, anh trai Chiến.
Việt Dũng