Các học sinh đang rất hoang mang. |
Theo một công nhân bị lừa tên là Ngô Thị Hảo, đầu năm 2007, ông Nguyễn Văn Dương, Chi cục Thuế Krông Năng (Đắk Lắk), đến nhà Hảo đặt vấn đề với cha mẹ cô: "Anh chị đưa cho tôi 13 triệu, tôi sẽ lo cho cháu học nghề và xin vào công ty nhà nước, mức lương 300 USD mỗi tháng". Quá mừng với mức lương "trên trời" ấy, bố mẹ Hảo vội vàng bán tống bán tháo những thứ có thể bán được để chung chi.
Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp lớp học nghề may ngắn hạn tại trường Trung cấp nghề Dung Quất (Quảng Ngãi) rồi về nhận việc tại Công ty may Dung Quất, Hảo mới vỡ lẽ ra rằng mình bị lừa. Cùng hoàn cảnh với Hảo còn có 5 công nhân khác, mỗi người cũng đều đưa cho ông Dương và ông Nguyễn Văn Kiêm, cả hai đều nằm trong đường dây cò mồi này, 13 triệu đồng (để cho gia chủ tin tưởng, ông Kiêm còn viết giấy nhận tiền). Khi đến làm tại Công ty may Dung Quất, lãnh đạo công ty thông báo rằng những em này chỉ được nhận phụ cấp thử việc 300.000 đồng một tháng. Quá thất vọng với mức lương bèo bọt, cả 6 công nhân đều bỏ về.
Liên quan đến đường dây lừa đảo tại trường Trung cấp nghề Dung Quất, ông Phạm Hồng Thắng, 44 tuổi, ở thị trấn Phước An, huyện Krông Bách, Đắk Lắk, người chuyên đưa các em học sinh Đắk Lắk xuống Dung Quất học nghề, cho hay, ông được ông Nguyễn Ngọc Oanh, người Nghệ An vào Krông Năng sinh sống, thuê "tiền cò" với giá 3 triệu cho một em học may và 6 triệu đồng cho một em học nghề hàn. Sáng 21/10, Phạm Hồng Thắng đã xuống Quảng Ngãi và có buổi tiếp xúc với các nhà báo. Ông Thắng nguyên là học sinh trường Công nhân cơ giới 2 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đóng tại Nghĩa Kỳ , Quảng Ngãi nên quen biết địa bàn và móc nối với ông Nguyễn Ngọc Oanh. Ông Thắng cho hay, tổng số tiền mà ông Oanh thù lao cho Thắng khoảng gần 200 triệu đồngtừ vụ dắt mối nói trên.
Có thể khẳng định như vậy, vì rằng toàn bộ hành vi "lấy tiền chạy việc" của ông Dương ở Krông Năng đã quá rõ ràng. Qua cuộc trao đổi điện thoại với phóng viên, ông Dương thừa nhận là có "chạy việc" như thế, nhưng "chỉ con cháu trong nhà thôi"! Lần theo các địa chỉ mà 6 công nhân may tố cáo, phóng viên phát hiện không chỉ có ông Dương mà có hàng loạt những tay cò mồi chuyên nghiệp khác.
Một trong những nạn nhân còn trụ lại với lớp thợ hàn 18 tháng của trường Trung cấp nghề Dung Quất là Nguyễn Thành Điển, cho biết: "Cách đây 2 năm, có ông Nguyễn Văn Công, tự xưng là công an, nhà ở TP Pleiku, về huyện Ya Grai, Gia Lai để tuyển học viên đi học nghề hàn tại Dung Quất với giá từ 20 triệu đến 37 triệu mỗi người. Ông Công hứa là sẽ lo "đầu ra" sau khi ra trường với mỗi tháng mức lương sẽ là từ 3 triệu đến 4 triệu". Nghe mức lương hấp dẫn, bố mẹ Nguyễn Thành Điển đã phải đưa cho ông Công 37 triệu đồng. Cả 30 em lớp hàn với Điển có quê ở Gia Lai và Đắk Lắk đều chung chi từ 20 triệu đồng đến 37 triệu đồng để được học nghề.
Sau khi nhập học, số học sinh này biết mình bị lừa nên bỏ học, số ở lại rất ít. Hiện tại trường Trung cấp nghề Dung Quất không thu học phí đối với số học nghề ngắn hạn. Lợi dụng điều này, những tên "cò việc làm" đã lần mò về vùng sâu để lừa đảo những người nông dân thiếu thông tin.
(Theo Thanh Niên)