Sự việc xảy ra ở khu du lịch Longcaogou, thành phố Bành Châu, tỉnh Tứ Xuyên, phía Tây Nam Trung Quốc hôm 13/8. Đoạn video được các nhân chứng ghi lại hình ảnh hỗn loạn khi khách du lịch tháo chạy khỏi dòng nước lũ. Thời điểm đó, rất đông du khách đang cắm trại, ngắm cảnh và tắm dưới một đoạn sông khá cạn. Dòng nước từ đầu nguồn đổ về bất ngờ, khiến những người ở hiện trường "trở tay tay không kịp". Chỉ trong vài giây, dòng nước cuốn trôi nhiều vật dụng như lều bạt, bàn ghế... Một số du khách do sơ tán không kịp đã bị nước lũ chia cắt và sau đó bị cuốn trôi. Theo thống kê, 7 nạn nhân đã thiệt mạng và 8 người bị thương.
Sau khi được đăng lên mạng xã hội, các video tại hiện trường khiến nhiều người kinh hoàng bởi thảm họa chỉ xảy ra trong chớp mắt, để lại hậu quả tang thương. Ngay trong tối đó, chính quyền tỉnh Tứ Xuyên ra thông báo khẩn về việc kiểm tra các danh lam thắng cảnh dễ xảy ra thiên tai, đặc biệt là các khu vực ngập nước, phải bố trí người quản lý, túc trực tại các địa điểm trọng yếu, cảnh báo du khách và xử lý kịp thời. Chính quyền địa phương cho biết hơn 500 nhân viên cứu hộ, cứu hỏa, đội lặn, trực thăng và các bộ phận khác đã tiến hành tìm kiếm các thung lũng và sông để cứu du khách bị nạn.
Theo văn phòng quản lý tình huống khẩn cấp ở thành phố Bành Châu, các tình nguyện viên và cán bộ địa phương đã liên tục nhắc nhở, kêu gọi du khách không cắm trại dọc khu vực sông, suối ở Longcaogou vào buổi chiều hôm xảy ra sự việc. Một video ghi lại cảnh một người quản lý hét lớn: "Xin mọi người hãy lên bờ" vào lúc 14h37. Chỉ chưa đầy một tiếng sau, lúc 15h30, trận lũ quét kinh hoàng xảy ra.
Longcaogou là một trong những điểm đến nổi tiếng ở Tứ Xuyên, bất chấp nơi đây từng bị ảnh hưởng lũ lụt nặng nề năm 2015 và 2017, thiệt hại tới 1,5 triệu nhân dân tệ. Du khách đổ về đây ngày càng đông vào dịp cuối tuần. Một du khách họ Xu đến Longcaogou từ Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, cho biết hôm đó, khách đông tới mức anh không thể tìm được chỗ đậu xe.
Một trong những lý do khiến địa danh này trở nên hot là hiệu ứng truyền thông trên mạng xã hội. Nhiều blogger đăng tải trên Douyin, Xiaohongshu, Weibo, Dianping (các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc) và mô tả Longcaogou giống như một địa điểm nghỉ mát lý tưởng và "nơi nhất định phải check in". Du khách thường tới đây dựng lều, cắm trại, picnic cuối tuần. Dòng nước xanh, trong vắt, mát lạnh thích hợp để "đi trốn" giữa mùa hè nóng kỷ lục năm nay tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, đây là chỉ là một đoạn sông cạn, không phải một danh lam thắng cảnh chính thức và có những biển cảnh báo "Cấm vào" dựng trước sông. Một số người dân nói với tờ China News Weekly rằng việc lên núi trong mùa mưa là rất rủi ro và "không ai có thể đoán trước được khi nào xảy ra lũ quét bất ngờ".
Đầu năm 2021, chính quyền địa phương từng đưa ra một số cảnh báo về sự nguy hiểm khi đến thăm Longcaogou, trong đó có nguy cơ sạt lở đất, lũ lụt và các thảm họa thiên nhiên khác, đe dọa lớn đến sự an toàn của khách du lịch. Hàng rào thép gai được đặt xung quanh Longcaogou để ngăn khách du lịch. Chính quyền địa phương cũng đặt các biển cảnh báo ở những vị trí nổi bật nhưng điều đó không ngăn được lượng khách lớn đổ về đây chụp ảnh, đăng lên mạng xã hội. Thậm chí, một số người còn trèo rào vào khu vực nguy hiểm.
Một số người dùng mạng xã hội cho biết họ đã cảnh báo các blogger này không tuyên truyền du lịch ở các khu vực nguy hiểm, chưa phát triển, đồng thời báo cáo sai phạm nhưng các nền tảng mạng xã hội đã bỏ qua. Hiện một số video tuyên truyền du lịch Longcaogou đã bị gỡ xuống.
Một chuyên gia luật tại Bắc Kinh nói với Global Times rằng các travel blogger đăng video và ảnh về các địa điểm này và thổi phồng sức hút của chúng, khiến nhiều người phớt lờ cảnh báo an toàn. Đây không phải lần đầu các travel blogger bị lên án tại Trung Quốc. Trước đó, con đường cao tốc U315 ở tỉnh Thanh Hải, Tây Bắc Trung Quốc cũng trở thành điểm check in lộn xộn, gây mất an toàn giao thông. Du khách tụ tập ngay giữa đường cao tốc để "thả dáng", buộc các phương tiện phải dừng lại nhường đường.