Dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) khởi phát tại thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc cuối năm ngoái đã nhanh chóng lan rộng khắp các tỉnh thành Trung Quốc và 27 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến 1.775 người tử vong và 71.330 ca người nhiễm bệnh trên toàn cầu (tính đến 17/2). Tình hình dịch ngày càng phức tạp khiến hầu hết các hoạt động thương mại tại Trung Quốc bị đóng băng. Theo đó, doanh thu các nhãn hàng thời trang xa xỉ như: Louis Vuitton, Gucci, Cartier, Bulgari, Ralph Lauren... đều sụt giảm.
Theo Cơ quan tư vấn Bain & Co, khách hàng Trung Quốc chiếm 33% thị phần mặt hàng xa xỉ trên thế giới, trong khi Mỹ chỉ chiếm 22%.
Gerald Storch, giám đốc điều hành công ty tư vấn Storch Advisors, nhận định điều khó khăn nhất đối với các nhãn hàng xa xỉ là sẽ mất đi người tiêu dùng và khách du lịch Trung Quốc, những người vốn đang thúc đẩy doanh thu cho cửa hàng. Giá cổ phiếu của các công ty kinh doanh mặt hàng này đã giảm kể từ 20/1, ngày Trung Quốc chính thức thông báo về Covid-19.
"Nếu dịch bệnh được xử lý trong khoảng 3 tháng thì tình hình sẽ không quá tệ. Nhưng nếu kéo dài 2 năm, đây sẽ là một vấn đề hoàn toàn khác", Bernard Arnault, Chủ tịch Tập đoàn thời trang LVMH, đơn vị sở hữu hơn 75 nhãn hiệu xa xỉ như Louis Vuitton, Christian Dior nói.
Hồi cuối năm ngoái, LVMH đã mua lại hãng trang sức cao cấp Tiffany & Co với giá 16,2 tỷ USD sau khi Tiffany báo cáo doanh thu tăng gấp đôi ở Trung Quốc năm 2019. LVMH nhấn mạnh Trung Quốc là thị trường quan trọng mà hãng nhắm đến. Tuy nhiên, hãng này đã "tạm thời đóng cửa một số cửa hàng trong khu vực bị ảnh hưởng của dịch bệnh". Thương hiệu trang sức xa xỉ khác của LVMH là Bulgari cũng đóng một nửa số cửa hàng của hãng để đối phó với dịch bệnh.
"Những gì đang xảy ra ở Trung Quốc làm hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp xa xỉ toàn cầu. Thực tế doanh số của chúng tôi giảm không phanh. Bulgari không phải là trường hợp duy nhất, tất cả các thương hiệu khác đều đang chịu tổn thất", Jean-Christophe Babin, CEO Bulgari nói.
Hãng mỹ phẩm cao cấp Estee Lauder cũng cảnh báo việc giảm doanh thu năm 2020. Công ty này cho biết khoảng 28,5% doanh thu đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhưng khi dịch bệnh bùng phát tỷ lệ này bị hạ xuống còn 7%.
Các công ty thời trang cao cấp Ralph Lauren, Coach và Canada Goose cũng đưa ra dự đoán về việc kinh doanh tạm thời không hiệu quả. Ralph Lauren dự đoán doanh thu quý này của công ty sẽ giảm tới 70 triệu USD, trong đó riêng thị trường châu Á giảm 45 triệu USD. Coach dự đoán doanh thu giảm 250 triệu USD. Canada Goose cho biết lợi nhuận cả năm của công ty có thể giảm 2,2% mặc dù từng đưa ra dự báo tăng trưởng 25% trước khi dịch bùng phát.
Moncler, hãng sản xuất áo khoác xa xỉ có trụ sở tại Milan tiết lộ việc kinh doanh ở Trung Quốc chiếm 43,9% tổng doanh thu hãng nhưng đang bị chậm lại bởi dịch bệnh. "Ở Trung Quốc, chúng tôi đã đóng 14 cửa hàng nhưng vẫn còn 1/3 cửa hàng đang hoạt động. Tuy nhiên những cửa hàng này cũng giảm khoảng 80% lượng khách hàng, kéo theo sự sụt giảm về doanh thu", Roberto Eggs, Giám đốc tiếp thị Moncler, cho biết.
Không chỉ các hãng thời trang xa xỉ, hầu hết các công ty tại thị trường Trung Quốc cũng rơi vào khó khăn. Starbuck, KFC, Nike, Adidas đã đóng cửa hơn một nửa số cửa hàng tại Trung Quốc. Trong khi Apple, chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao thông báo đóng cửa toàn bộ cửa hàng tại Trung Quốc.
"Đây là thời điểm khó khăn của các hãng bán lẻ khi người tiêu dùng không còn hứng thú mua hàng. Hiện họ chỉ ưu tiên vào các nhu cầu sức khỏe và an toàn", Oliver Chen, một nhà phân tích độc lập nói.
Sơn Nam (Theo Fox Business, CNN)