![]() |
Vẻ trầm ngâm thường thấy ở thuyền trưởng Alfred Riedl. |
Sau trận thua, ông Riedl đã giãi bày với các phóng viên và mong được chuyển lời xin lỗi đến hàng triệu người hâm mộ ở quê nhà.
Với ông, ba trận chung kết SEA Games (chưa tính trận chung kết Tiger Cup 98) đã là quá nhiều và cả ba lần bóng đá Việt Nam đều bị ngáng chân. Nỗi đau của ông có thể không lớn bằng nỗi đau mà người hâm mộ Việt Nam mong đợi suốt 46 năm qua gánh chịu khi sự chờ đợi và kỳ vọng quá lớn, nhưng đứng dưới góc độ của một vị thuyền trưởng lần thứ ba để đắm tàu ngay trước bến cảng cuối lại là một định mệnh.
LG Cup rồi Agribank Cup, ông từng đi nhà thờ cầu nguyện thật nhiều cho các cầu thủ của mình. Đấy không phải là một cách nói hài hước mà là một sự thật bởi nhiều người vẫn thường thấy ông đi nhà thờ và cầu nguyện thật lâu.
Niềm tin của ông đã giúp ông hay đấy là những lời cầu nguyện mong có được yếu tố may mắn trong bóng đá?
Trong ba trận chung kết SEA Games mà ông Riedl gắn bó với bóng đá Việt Nam trong cương vị thuyền trưởng thì đêm 4/12 là đêm ông đau đớn nhất. Ông lắc đầu bất lực rất sớm khi nhìn Văn Trương để sổng các tiền vệ biên và vội vàng sửa sai bằng một cú bóng đi người ở lại. Ông nhíu mày nhìn hai trụ cột Quốc Vượng - Tài Em cày ải giữa tuyến hai dày đặc của người Thái chơi bóng một cách linh hoạt và nhẹ nhàng hơn. Ông thót tim với những đường chuyền vượt tuyến của Thonglao và tốc độ thoát xuống của cặp Teerathep - Ekaphan.
Ánh mắt bất lực của một nhà cầm quân chỉ được ống kính truyền hình lột tả rõ hơn qua phần nổi ở diễn biến trận đấu, còn phần chìm lại là phần mà các phóng viên thể thao thường thấy ông trầm ngâm thường ngày ở quầy bar khách sạn với những chai bia và chai vang làm bè bạn.
Ông không cô độc nhưng hình như không có ai để ông có thể chia sẻ hết những nỗi niềm của một vị tướng mỗi lần ra trận lại mỗi lần cầu nguyện.
Hai lần trước, nếu ông không hổ thẹn với thất bại trong thế ngẩng cao đầu và đầy tiếc nuối thì đêm 4/12 lại là đêm ông xấu hổ với chính mình và thốt ra lời xin lỗi người hâm mộ.
Nỗi đau của ông Riedl cũng là nỗi đau của người hâm mộ khi sự thật được phơi bày qua một trận chung kết của người Thái.
Trong ba lần ông đi đến trận chung kết đều là ba lần ngắt quãng sau những bản hợp đồng. Ông có duyên đưa bóng đá Việt Nam đến với thành tích khu vực nhưng lại là người rất vô duyên với những trận chung kết với thân phận của kẻ về sau truyền thống.
Nhưng Riedl có gì cho trận chung kết? Một thế hệ cầu thủ xuất sắc làm liền hai chiếc cúp vô địch nội địa và một bước nhảy tam cấp vào đến bán kết của bảng tử thần. Thành tích ấy không ai dám phủ nhận đó là may mắn nhưng phải thừa nhận để có được những chiến thắng ấy, các cầu thủ đã phải vắt kiệt sức ra ở nhiều mặt trận và phải chịu nhiều hy sinh. Sau một Agribank Cup, đội bóng có lúc như một bệnh viện bởi chấn thương và thiếu thời gian hồi phục.
Hai chiếc cúp đã xóa đi những lo ngại mà giới chuyên môn vẫn lo cho một đội hình được đóng khung cẩn thận nhưng lại lủng ở nhiều vị trí. Hai chiếc cúp che đậy được những thực tế phũ phàng nơi một đội bóng “no dồn đói góp” và chỉ có sự đầu tư sau khi sàng lọc từ một mặt bằng V-League.
Và ông Riedl là người đi gia cố cho cái nền ấy chứ không phải là người đi xây một nền móng vững chắc sau ba lần đứt quãng đến rồi lại đi.
Với cái nền ấy, đặt ra cho ông chỉ tiêu có huy chương là hợp lý. Nhưng rồi chính những chiếc cúp nội bộ với một lối chơi hừng hực lửa vắt kiệt hết những tinh lực vào đấy đã làm thay đổi cái nhìn về chỉ tiêu, nhất là sau khi thắng Thái Lan ở Agribank Cup.
Biểu đồ đội tuyển đã không đi lên sau Agribank Cup và con người cho cái mục tiêu vàng cũng chỉ gói gọn trong cái đội hình đã được đóng khung. Người hâm mộ thót tim với một Hải Lâm ở LG Cup và lo ngay ngáy ở Agribank Cup nhưng chỉ ra người chơi tốt hơn Lâm thì không thể. Hoặc khi Quốc Vượng chấn thương và Tài Em xuống phong độ thì phương án hai lại phiêu lưu hơn là mong mỏi chờ sự hồi phục và hy vọng họ chơi tròn vị trí. Thậm chí ông từng băn khoăn với những vị trí dự bị không sẵn sàng ra sân từ ghế dự bị.
Nói đấy là lỗi của một HLV cũng đúng mà nói là lỗi của một cái mặt bằng bóng đá được góp nhặt, được đổ tiền thưởng vào để mong có được sức mạnh tinh thần và được chính ông HLV trưởng đi cầu nguyện để tìm sự may mắn cũng chẳng sai.
Chúng ta đã may mắn trong trận bán kết với người Mã được đánh giá thấp hơn nhưng chơi hay hơn. Cái may mắn ấy tồn tại cả yếu tố tinh thần.
Chính các quan chức VFF có mặt ở Bacolod cũng hiểu giá trị ấy nên đã có những buổi làm việc gọi là để “giải quyết tư tưởng” về chế độ và về những thắc mắc, nhưng rõ ràng một khi đã phải đối mặt với điều ấy thì cũng đồng nghĩa với việc đánh mất đi yếu tố tinh thần rồi.
Ông Riedl xin lỗi người hâm mộ vì ông không phải là người vạch ra được chiến lược để nâng cấp cái nền. Ông xin lỗi vì ông đã để tuột xích một tập thể vốn có sức mạnh truyền thống là tinh thần nhưng cũng bị lung lạc bởi tiền thưởng và cách chia thưởng.
Đấy là nỗi đau không thể nói thành lời của A. Riedl. Nỗi đau mà bia, rượu chỉ làm dày vò thêm người chiến binh luôn bại trận trong những trận đánh quyết định của cuộc đời.
Sau lời xin lỗi ấy, chắc ông sẽ không đủ dũng khí để có thể hiện diện cùng bóng đá Việt Nam ở lần chung kết tiếp theo trên đất Thái.
Lời xin lỗi ấy rất fair-play và đã nói thay tất cả.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)