Chọn người dẫn chương trình cho đám cưới là một khâu đặc biệt quan trọng. Không ít đôi uyên ương ngỡ ngàng trong chính đám cưới của mình vì MC quá chuyên nghiệp và màu mè. Hiện nay, nhiều cặp đôi trẻ trung tìm kiếm MC từ chính những người thân hoặc những bạn khéo ăn nói với hy vọng mang đến sự gần gũi, thân mật cho bữa tiệc của mình.
Nếu bạn có tài nói năng và được mời trở thành người dẫn chương trình cho đám cưới của bạn thân, vậy bạn nên làm thế nào? Dưới đây là những lời khuyên không thể bỏ qua dành cho những MC nghiệp dư này.
1. Ghi nhớ rằng đây không phải ngày của mình
Suy nghĩ này sẽ giúp MC thư giãn và thoải mái hơn trong vai trò này. MC đóng vai trò quan trọng nhưng chỉ là một phần trong bữa tiệc. Vì vậy, không cần phải làm mọi chuyện trở nên quá quan trọng. Nhân vật chính của bữa tiệc là cô dâu chú rể, bạn đơn giản chỉ cần chuẩn bị một kịch bản phù hợp và dẫn dắt câu chuyện xoay quanh hai nhân vật chính này.
2. Giữ cân bằng
Bạn cần xác định những yếu tố cơ bản, cần thiết đối với một người dẫn chương trình, sau đó chỉ cần cố gắng thể hiển những điều đó. Không nhất thiết mọi thứ bạn nói đều cần phải hài hước để thu hút sự chú ý của mọi người. Giữ phong cách của riêng mình để mang đến sự gần gũi, ấm áp cho bữa tiệc và thêm vào đó chút hài hước đúng mực. Điều quan trọng là MC phải cân bằng giữa bầu không khí thư giãn thoải mái của bữa tiệc và sự trang nghiêm khi tiến hành các thử tục, nghi thức cần thiết.
3. Tìm hiểu trước kế hoạch và nội dung chương trình ngày cưới
MC cần trao đổi với cô dâu chú rể để biết lễ cưới sẽ diễn ra như thế nào, họ muốn dẫn dắt câu chuyện như thế nào, sau đó lên một kịch bản phù hợp. Sự chuẩn bị này giúp bạn tránh được những tình huống bất ngờ ngoài ý muốn. Bạn cũng có thể bàn bạc với cô dâu chú rể để thêm vào những phần mục sáng tạo như trò chơi cho khách mời, hay dẫn dắt câu chuyện tình yêu của đôi uyên ương...
4. Giữ sự tự tin
Sự tin tin sẽ giúp MC thoải mái và khéo léo dẫn dắt chương trình. Ngoài ra, bạn cần giữ chủ động trong ngày lễ và để kịp thời xử lý những tình huống ngoài ý muốn. Thử nghĩ đến một vài tình huống có thể xảy ra và đặt ra phương án giải quyết. Ví dụ như một vị khách nào đó nói quá dài và không có ý định dừng lại, bạn sẽ phải làm thế nào để ngừng họ lại mà không làm họ cũng như cô dâu chú rể phải bối rối, lúng túng.
5. Tìm hiểu những thành phần khách mời
Ngoài việc tìm hiểu lịch trình cụ thể của đám cưới, MC cũng cần tìm hiểu, nhận biết ban nhạc hay đội ngũ nhân viên phục vụ. Dành thời gian gặp gỡ và nói chuyện với họ để bạn biết được cách thức vận hành của mọi việc. Bạn nên làm điều này sớm để có sự chuẩn bị phù hợp cho kịch bản hay kịp thay đổi khi cần thiết.
6. Kiểm tra kịch bản lần cuối vớicô dâu, chú rể
Đây là việc làm cần thiết trước khi ngày cưới diễn ra. Nói chuyện với cô dâu chú rể và cho họ xem kịch bản của bạn, kiểm tra lại sự có mặt của những vị khách sẽ tham gia phát biểu, kiểm tra lại nhưng nghi lễ, thủ tục sẽ diễn ra. Việc rà soát lại kịch bản hay những phần, mục quan trọng giúp bạn tránh gặp phải những sai sót không đáng có trong ngày lễ quan trọng này.
Nguyên Thương
Ảnh: A.X