Chánh niệm là thuật ngữ có nguồn gốc từ giáo lý nhà Phật. Giống với các hình thức thiền định như ngồi, thở, đi đứng, nhiều thiền sư cũng khuyến khích ăn uống chánh niệm (eating mindful) để cơ thể và tâm trí nhận được nhiều lợi ích.
"Khi bạn đưa một miếng trái cây vào miệng, tất cả những gì bạn cần là một chút chánh niệm để nhận biết: 'Tôi đang đưa một miếng táo vào miệng'. Tâm trí của bạn không cần phải ở một nơi nào khác. Nếu bạn đang nghĩ về công việc trong khi nhai, thì đó là bạn đang ăn uống không có tâm. Khi bạn chú ý đến quả táo, đó là chánh niệm. Sau đó, bạn có thể nhìn sâu hơn và chỉ trong một thời gian rất ngắn, bạn sẽ thấy hạt giống táo, vườn cây ăn quả tuyệt đẹp và bầu trời, người nông dân, người hái... Rất nhiều việc nằm trong quả táo đó", thiền sư Thích Nhất Hạnh viết trong cuốn How to eat.
![Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng viết nhiều cuốn sách về ăn chánh niệm như How to Eat, Savor: Mindful Eating, Mindful Life...](https://vcdn1-ngoisao.vnecdn.net/2022/01/25/Thich-Nhat-Hanh-cooking-choppi-9686-1233-1643088557.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5dQZS7FEVnG_2F62LV5EzQ)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng đề cập nhiều về ăn uống chánh niệm trong các cuốn sách như 'How to Eat', 'Savor: Mindful Eating, Mindful Life'...
Trên trang blog của tu viện Làng Mai (Plum Village) đưa ra 7 lợi ích cơ thể sẽ nhận được khi bạn ăn uống trong chánh niệm như sau:
Trải nghiệm thú vị
Ăn uống cũng là một cách trải nghiệm về màu sắc, kết cấu, mùi và vị. Tuy nhiên, do sự xô bồ của cuộc sống hàng ngày nên con người thường bỏ qua những niềm vui đơn giản này. Khi ăn một cách có tâm, ngay cả với mâm cơm giản dị cũng có thể cảm thấy thú vị hơn rất nhiều.
Chánh niệm giúp ăn uống điều độ
Ăn uống vô tâm có thể là một trong những lý do khiến bạn ăn nhiều hơn bạn nghĩ. Não bộ cũng cần thời gian để nhận tín hiệu từ các cơ quan tiêu hóa, thông báo rằng cơ thể đã no. Tuy nhiên, khi ăn nhanh, ăn qua loa, não bộ không kịp xử lý tín hiệu, điều đó khiến bạn ăn nhiều, ăn mãi vẫn chưa no. Nếu ăn chậm lại, thưởng thức thức ăn và cảm nhận vị giác, chúng ta có thể cảm thấy hài lòng với thức ăn của mình và ăn ít hơn, nhận biết rõ khi cơ thể đã ăn đủ.
Hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa
Khi ăn một cách chú tâm, chúng ta sẽ có xu hướng nhai thức ăn nhiều hơn, nhờ đó giảm tải áp lực cho dạ dày, các cơ quan tiêu hóa.
Luyện tập chánh niệm
Chúng ta phải ăn uống hàng ngày, nếu hình thành được thói quen ăn chánh niệm, dần dần cũng sẽ đưa được cả chánh niệm vào những việc khác trong cuộc sống, nhờ đó tâm trí, thể chất cũng nhận được nhiều lợi ích.
Ăn uống chánh niệm giúp nuôi dưỡng lòng biết ơn
Khi chú tâm vào bữa ăn, chúng ta dần cảm thấy trân trọng hơn mỗi ngày, nhờ đó nuôi dưỡng lòng biết ơn qua từng hoạt động thường nhật. Theo đạo Phật, sự biết ơn là một trong những điều kiện đem đến sự an yên cho tâm trí, giúp cuộc sống thêm hạnh phúc từng ngày.
Kết nối với vũ trụ
"Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói rằng chúng ta có thể coi miếng ăn như một 'đại sứ của vũ trụ'. Nếu chúng ta dừng lại và nghĩ về điều đó, thì đó là sự thật. Mưa, nắng, bao công lao của người nông dân đều được gói gọn trong củ cà rốt khiêm tốn trên đĩa cơm của chúng tôi. Nếu chúng ta dành thời gian để kết nối theo cách đó, thì ngay cả một bữa ăn nhanh cũng có thể là một trải nghiệm kết nối với vũ trụ", biên tập viên của Plum Village viết.
Kết nối với chính mình
Ngày càng có nhiều người cố gắng bớt tiêu thụ các sản phẩm nguồn gốc động vật nhằm giảm thiểu việc giết mổ và giảm tải cho khí hậu. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ nhiều thực phẩm gốc thực vật cũng góp phần chữa lành cơ thể. Khi ăn một cách có ý thức, chú tâm vào giá trị của thức ăn, chúng ta sẽ nhận thức rõ hơn về những gì chúng ta đang ăn và có thể dễ dàng kiểm soát sao cho phù hợp nhu cầu của bản thân.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh năm 1926 tại Thừa Thiên Huế, là giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội và là nhà sư nổi tiếng của Phật giáo thế giới. Ông trụ trì tại chùa Làng Mai, phía nam nước Pháp trong nhiều thập kỷ. Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, phường Thủy Xuân, TP Huế lúc 0h ngày 22/1, ở tuổi 96. Thực hiện theo di nguyện của ngài, chùa Từ Hiếu tổ chức tang lễ theo một khóa tu im lặng trong 7 ngày. |
Duk Sun (Theo Plum Village)