Vào mùa hè, khí hậu nắng nóng, mưa nhiều dễ dẫn đến hiện tượng cơ thể mất nước, tỳ vị hư hàn, chán ăn, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, khó chịu mất ngủ... Một trong những món ăn được khuyên dùng vào mùa hè là mướp đắng, do loại thực phẩm này có tác dụng thanh nhiệt, tăng cường miễn dịch, giải độc và nhiều lợi ích khác.
Giúp kiểm soát đường huyết
Mướp đắng giàu chất xơ, vitamin và nguyên tố vi lượng, có thể trì hoãn sự gia tăng lượng đường trong máu sau khi ăn, giúp kiểm soát đường huyết. Đây là một trong những thực phẩm lý tưởng cho bệnh nhân tiểu đường.
Ngoài ra, mướp đắng có hàm lượng đường thấp, ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Chỉ số đường huyết của mướp đắng là 24, tương đương với dưa chuột, là một loại thực phẩm GI thấp điển hình.
Kiểm soát mỡ máu
Chất xơ của mướp đắng có thể hấp thụ chất béo và cholesterol trong ruột, đóng vai trò hạ lipid máu. Ngoài ra, mướp đắng giàu flavonoid, có tác dụng chống oxy hóa và loại bỏ các gốc oxy tự do, cũng hiệu quả trong việc làm mềm mạch máu.
Giải nhiệt mùa hè
Theo lý luận của y học cổ truyền, mướp đắng có tính lạnh, vị đắng, thích hợp vào 4 kinh tâm, can, tỳ, vị.
Đặc biệt đối với chứng nóng nảy do trong người bốc hỏa, mướp đắng còn có tác dụng trừ nhiệt, trấn tĩnh tinh thần. Vì vậy, loại quả được mệnh danh có công dụng giải nhiệt mùa hè. Ăn mướp đắng thường xuyên còn có thể ngăn ngừa viêm họng và loét miệng.
Bảo vệ tim mạch
Tục ngữ nói "mùa xuân dưỡng gan, mùa hạ dưỡng tâm, mùa thu dưỡng phổi, mùa đông dưỡng thận". Y học Trung Quốc cho rằng mùa hè là thời điểm tim mạch dễ bị tổn thương nhất, mà mướp đắng chính là loại "dưỡng tim" tốt hơn cả trong mùa hè.
Ăn mướp đắng lâu dài có thể cải thiện chức năng tim. Mướp đắng là một trong những loại rau giàu kali, cứ 100 g mướp đắng có 256 mg kali. Kali có tác dụng lợi tiểu tiêu sưng, hỗ trợ hạ huyết áp, bảo vệ hệ tim mạch.
Ăn mướp đắng có bị loãng xương không? Có tin đồn rằng lạm dụng mướp đắng dẫn đến loãng xương. Nguyên nhân là do mướp đắng chứa nhiều axit oxalic, có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ canxi trong chế độ ăn uống. Do đó, thường xuyên ăn mướp đắng sẽ khiến người bệnh thiếu canxi. Liệu đây có phải là sự thật hay không? Trên thực tế, khi một lượng lớn axit oxalic đi vào cơ thể, nó sẽ kết hợp với canxi để tạo thành oxalat khó hấp thụ, ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ và sử dụng canxi. Tuy nhiên, axit oxalic là một chất thường được tìm thấy trong các loại rau, so với các loại rau khác, mướp đắng không phải là thực phẩm có "hàm lượng axit oxalic cực cao". Theo dữ liệu trong "Bảng thành phần thực phẩm", hàm lượng axit oxalic trong các loại rau như rau muống, rau dền, cần tây và rau sam cao hơn so với mướp đắng. Không có cách nào để loại bỏ axit oxalic, chỉ cần bạn chần mướp đắng qua nước sôi trước khi nấu để giảm đáng kể hàm lượng axit oxalic trong loại rau này. Hơn nữa, sau khi mướp đắng được chần, vị đắng sẽ giảm đi tương đối. Do đó, ăn mướp đắng điều độ sẽ không ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ canxi, cũng như không gây loãng xương. |
Hướng Dương (Theo Sohu)