Bác gái tôi mới giải thích: “Gái thương chồng đương đông buổi chợ nghĩa là tình thương rất đậm đà, chịu nhiều gian lao vất vả. Còn trai thương vợ nắng quái chiều hôm, nghĩa là tình cảm của người chồng không được mặn mà bằng, nó như nắng quái chiều hôm, lóe lên rồi tắt, thế thôi”. Nhưng bác trai tôi thì bảo: “Còn một cách hiểu khác. Trai thương vợ nắng quái chiều hôm nghĩa là đến lúc về hưu mới thực là thương!”. Ai cũng ồ lên cười.
Những người đi công tác xa nhà như bác tôi, chỉ ngày về hưu mới thường xuyên gần vợ và thực hiện lời hứa “lúc nào về hưu sẽ suốt ngày chăm sóc em”. Với tình cảm nồng ấm, yêu thương, trân trọng như vậy, bọn trẻ chúng tôi hay gọi là “tình già”, như gừng càng già càng cay nồng vậy.
Nhưng những gì diễn ra sau này lại không được như vậy. Hai bác xa nhau đã nhiều năm, mỗi năm gặp nhau trong mấy ngày phép. Còn lại chỉ toàn nhìn nhau qua ảnh. Chờ mãi mới đến lúc về hưu. Cơ quan bảo: “Bác còn đóng góp được cho cơ quan, mời bác ở lại vài năm nữa”. Bác xua tay: “Tôi về hưu luôn ngày mai. Vợ tôi đang chờ”.
Không ngờ, về nhà, đầm ấm được vài ngày, sau đó vợ chồng bác sinh ra “khắc khẩu”, rất hay tranh luận, cãi nhau. Bác trai là người kỹ tính, hay góp ý cho vợ. Bác gái mắc bệnh mau quên, thế là cứ phải nhắc. Nhắc nhở nhiều đâm ra cãi nhau. Sống với nhau ngỡ là đến lúc gần đất xa trời không dè chỉ vài tháng thì thấy mệt quá, dăm tháng thì chẳng ai nói chuyện với ai, sau rồi người nào ngả ấy. Bác gái vào Nam bế cháu. Bác trai ngược lên thành phố thăm bạn bè.
Tôi chẳng biết đến lúc nào hai bác sẽ trở về. Chỉ nhớ những bức thư của họ, tất cả đều hẹn đến “lúc về hưu”. Nhưng bây giờ thì họ lại mỗi người một ngả...
(Theo Người Lao Động)