Nổi lửa "hầm heo". |
Họ có đôi mắt nhìn ra vàng, có đôi tay luyện được vàng từ những gì tưởng chừng là "cát bụi" nhất. Nhưng "bắt heo, hầm vàng", cái nghề tưởng chừng sung túc, phú quý vẹn toàn ấy cũng rất bạc và vô cùng độc hại.
Giới trong nghề đồn thổi nhiều về những lần "bắt heo" xuất thần của Đ., một thợ phân kim ở quận Thủ Đức (TP HCM) với trên 10 năm kinh nghiệm làm vàng bạc.
Lần đó, Đ. "đánh hơi" được một mẻ vàng lớn từ nhà máy bia T. Số là nhà máy này đang có đống hàng tồn gồm rất nhiều khánh, đồ lưu niệm mạ vàng. Số đồ này được mua về để tặng đối tác nhưng không dùng hết, trong khi nhân viên nhà máy cũng không biết đó có phải là vàng thật hay không, giờ giữ lại chỉ chật kho.
Lúc này Đ. mới đến đặt vấn đề mua lại. OK, nhà máy đồng ý thanh lý với giá chưa tới 20.000 đồng/món đồ. Bằng con mắt lọc lõi, Đ. nhận ra ngay, đó không phải là đồ mạ vàng mà chính là vàng được dát mỏng. Mang về, đầu tiên, hắn cắt bỏ hết lớp mica bọc bên ngoài. Sau đó tiến hành phân kim như cách thông thường. Mẻ "hầm heo" đó, Đ. xoa tay thu về gần 6 cây vàng 9 tuổi. Ngoài ra, Đ. còn được mớ tiền từ việc bán lại đống mica vụn.
Một vụ "bắt heo" ly kỳ khác: Lần đó có một thợ phân kim lão luyện lỡ tay đánh rơi ống nghiệm luyện vàng. Khi đó, tay thợ đã phân kim được đến nước thứ hai ("nước" tinh chế vàng ở cấp cao), trong ống nghiệm chứa hỗn hợp dịch ước khoảng 10 cây vàng. Chẳng biết vì hồi hộp, sung sướng thế nào mà tay thợ "thả" nguyên ống nghiệm xuống sàn gạch bông. Chỉ nghe tiếng "cạch", ống nghiệm vỡ tan, hơn 10 cây vàng trong hỗn dịch "rút" xuống nền nhà theo những đường chỉ nối giữa các viên gạch. Coi như mất trắng bởi không còn cách nào "hút" được vàng lên. Nửa khóc nửa mếu, tay thợ mò tới cầu cứu "sư phụ" T. "Lọ" ở Bình Dương.
T. "Lọ" là bậc đức cao vọng trọng trong làng phân kim bởi cả tuổi tác lẫn tài nghệ luyện vàng. Nghe "thầy cứu con", T. "Lọ" đồng ý mua lại... nền gạch bông với giá bằng phân nửa lượng vàng đã mất. Ông cho thợ tới cậy tung nền nhà ấy. Lần đó, nền nhà tay thợ bị cày xới như một công trường, đảm bảo cho không một giọt vàng nào có thể “chạy thoát”.
Gạch, xi măng, đất đá được mang hết về, xay nhỏ, sau đó tiến hành phân kim. Kết quả thu được khiến cho giới thợ vàng sững sờ: T "Lọ" lấy được 9,8 cây vàng, tức là thiếu 2 chỉ nữa là vừa đủ số vàng đã mất! Thương tay thợ giỏi nhưng thiếu may mắn kia, T. "Lọ" cho người đến lát lại cái nền nhà mà không lấy tiền.
Còn nhớ vào thập niên trước, nghề dạy thợ kim hoàn đang ở vào giai đoạn hoàng kim; trong giới thày dạy làm vàng bạc nổi lên số phận bi đát của ông H. Ông H. là thợ giỏi, nổi tiếng, học trò đông. Dạy một học trò, ổng lấy tiền công 3 chỉ vàng. Lớp học ông H. bao giờ cũng chật kín 20-30 người. Hết lớp này tới lớp khác. Ngoài tiền công dạy, ổng thu về không biết bao nhiêu vàng bạc từ chính công sức những người thợ.
Đau đớn thay, ông trượt chân vào con đường cờ bạc, từ đánh đề đến chơi vé số. Rồi ông có bồ bịch, vợ hai. Người vợ cả của ông bèn chia tay, chia gia sản. Ông H. trở nên khánh kiệt. Vận đen còn đeo đuổi ông đến cuối đời bởi lúc này mắt ông đã mờ, tay chân run rẩy - điều tối kỵ nhất với thợ làm vàng bạc. Thêm nữa, các lớp học trò của ông đều đã ra nghề, trưởng thành. Chính họ lại đứng ra nhận đệ tử mới. Mất học trò, làm nghề không được, cuộc đời của ông H. trở nên bi kịch. Không ai ngờ được, kết thúc cuộc đời từng giàu sang phú quý vẹn toàn của ông H. lại là một cái chết bi thảm: ông đã đâm đầu vào xe lửa tự vẫn.
H., tay thợ "bắt heo" ở Gò Vấp (TP HCM) không ít lần than thở về cái sự bạc bẽo trong nghề làm vàng bạc: sau khi học được nghề hai năm thì ông thày của H. kêu cả chục anh em trong đó có H. lên Cà Mau. Bày nghề xong, cả hội về thành phố, mạnh ai nấy làm. Riêng H. chia tay thày rồi còn học thêm từ Tám Đô, Chín Vẽ nhiều mánh lới nữa. Nhưng người H. học nhiều nhất lại là em ruột của ông thày.
Đồ dùng "hầm heo" gồm nồi đất, bếp đun. |
Tay này trẻ, giỏi nghề nhưng không có tiền. H. thì có tiền, có xe. Thế là bắt tay hợp tác. Làm chung được hai năm, tay thợ trẻ trả được nợ nần, mua được xe bèn nói: "Giờ tôi muốn làm riêng, tự kiếm tiền chợ!". H. ngỡ ngàng: "Ủa, lúc mày khổ, tao kêu làm cùng mày có đòi "kiếm tiền chợ" đâu. Giờ mày quen mối, có xe cộ, tiền bạc lại đòi ra riêng là sao?". Nói vậy rồi anh em vẫn chia tay. H. quyết định "ra nghề" một mình với lưng vốn là 3 chỉ vàng. Lần đi "bắt heo" một mình đầu tiên, H. hồi hộp không dám mua vì sợ cụt vốn. May rồi trời phật thương người có nghề, có đức, H. nghĩ vậy, giờ thì H. cũng tạo dựng được một cơ ngơi kha khá. Trong khoảng hai chục tay thợ "bắt heo" ở Gò Vấp, H. cũng được coi là bậc đàn anh.
Tay thợ Đ. đã nói ở trên còn có lần "bắt heo" nữa cũng được biết đến nhiều: Lần đó, Đ. tới một cơ sở đánh bóng vàng bạc là mối quen từ trước. Đ. đặt vấn đề mua lại hết số bột đánh bóng tại cơ sở này gồm cả bụi vàng và bạc. Thợ vàng ra giá 400.000 đồng/100 gr. Đ. "OK" và dạm mua luôn bốn ký bột. Nài nỉ, kỳ kèo một hồi đám thợ vàng mới đồng ý. Đánh trống mở cờ trong bụng, Đ. hớn hở mang "heo" về phân kim, chắc mẩm sẽ vớ được một quả đậm. Lửa nổi đỏ rực suốt mấy ngày tại lò... Mắt Đ. sáng lên sau mỗi lần phân, lọc.
Cuối cùng, kết quả thu được là hai lượng bạc trắng. Vào thời điểm đó, giá bạc là 170.000 đồng/lượng. Coi như "cắn lưỡi" (làm ăn lỗ), Đ. mất ăn mất ngủ cả tuần vì tiếc của. Sau này, hắn mới biết mình bị đám thợ vàng kia "chơi hội đồng". Số là những lần trước, mua được hàng xịn tại cơ sở này, Đ. ép giá rất thấp.Đ. thì có lợi nhưng đám thợ vàng thì lại mất ăn. Thế là cả bọn hè nhau chơi lại Đ. để dạy cho một bài học: Trong bốn ký bột đó, chỉ có đồng thau và bạc mà thôi!
Thợ làm vàng bạc ở quận 8 (TP HCM) không ai không biết ông T., một thợ phân kim nức tiếng bởi tay nghề và những ngón đòn "bắt heo" độc đáo. Có một thời gian dài, mọi người thấy lò vàng của ông làm ăn cực kỳ phát đạt. Đó chính là từ nguồn "heo vàng" nước ngoài gửi về. Số là ông T. có nhiều con cái là Việt kiều. Đánh hơi thấy nguồn "heo vàng" tinh chất từ nước ngoài, ông T. bèn nhờ các con mua rồi gửi về. Bên đó, những đồ nữ trang, vật dụng bằng vàng bạc bị chế tác hỏng thường phải lưu lại kho, chờ cơ quan của chính phủ đi thu lượm để luyện lại (ở nước ngoài không cho luyện vàng theo kiểu thủ công, từ các lò gia đình nhỏ lẻ).
Thế là con cái ông T. xin thanh lý lại những lô hàng này để gửi về Việt Nam. Toàn đồ xịn, ở nhà tha hồ ông T. luyện, đãi. Có khi, ông vớ được cả platin (kim loại quý) dùng để làm "chấu" gắn hột xoàn vào những đồ nữ trang đòi hỏi sự tinh xảo như nhẫn, bông tai. Giàu lên nhanh chóng, ông T. đâm đú. Có bao nhiêu tiền, ông đổ hết vô bù khú, bia bọt, em út. Vàng bạc con cái gửi về bao nhiêu, ổng "luyện" ra hết rồi thả sức tiêu xài.
Chờ hoài không thấy cha gửi tiền qua thanh toán, con cái phải bay về Việt Nam để hỏi "vàng phân kim đâu ba?". Lúc đó, ở bển họ đã nợ nần quá nhiều bởi cơ chế mua hàng trả chậm, lấy hàng trước trả tiền sau. Trong khi ở nhà, ông T. làm được bao nhiêu xài bấy nhiêu. Không còn khả năng trả nợ, con cái ông T. phá sản, từ chủ xuống làm thợ để trả nợ cho cha. Khánh kiệt nợ nần, mang nhục với con cái, bạn bè, bạn hàng; ông T. đập lò, phá xưởng giải nghệ với lời than não nuột: "Nghề bạc bạc lắm con ơi!".
Trưa nắng hầm hập, sang lò luyện vàng lớn nhất quận 8. Lò nung nổi lửa, sáu tay thợ "hầm heo" cởi trần trùng trục, mồ hôi như tắm. Bữa trưa và cữ cà phê của họ được kêu tới, dùng luôn trong cái lò hầm ấy. Thợ hầm heo tay nào tay nấy da đen cháy, mắt mũi kèm nhèm, khạc nhổ liên tục. Dù cho lò hầm có tới ba ống khói hút bụi độc phả lên trời thì tôi cũng không tài nào ở được trong đó nửa giờ đồng hồ.
Nóng nực, khó thở, ngực cứ tức vì hít phải độc tố. Trong đó, độc nhất là khi thả cục chì vào nồi "hầm heo". Ô-xít chì bay lên, tác nhân "mạnh" nhất gây ung thư. Có thể "cảm nhận" ngay lập tức bởi cảm giác cắn lưỡi, đau thượng vị. Để giải độc, thợ hầm phải uống bia hơi rất nhiều. Đồ nhắm kèm là huyết heo, huyết heo xào giá đỗ - những món ăn mát, giải độc rất nhanh. Mới biết, để luyện ra được vàng, người thợ "hầm heo" phải đánh đổi rất nhiều, từ tuổi thanh xuân, sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng.
(Theo Thanh Niên)