Thực hiện xét nghiệm tại Viện Pasteur TP HCM, nơi tạo được uy tín và niềm tin cho người bệnh. |
Vậy là ông N. phải mất thêm hơn 1 triệu đồng, còn các xét nghiệm được thực hiện trước đó tại Medic chỉ để “tham khảo” theo như lời giải thích của bác sĩ Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy.
Ngày 28/9, ông và vợ có mặt tại BV Chợ Rẫy từ 7h, nhưng đến hơn 3 giờ chiều vẫn còn đợi kết quả một số xét nghiệm. Ngồi chờ ở phòng khám bệnh, ông thắc mắc: “Không hiểu tại sao xét nghiệm từ chỗ nào đưa đến BV Chợ Rẫy cũng không chấp nhận, chẳng lẽ họ cũng nghi ngờ Trung tâm Medic, vậy thì chỗ nào nào xét nghiệm chính xác nhất?”
Trường hợp khác, một bác sĩ ở Đà Nẵng bị hiếm muộn tìm đến Đơn vị Nam khoa của BV Bình Dân để chữa trị. Trước khi đến đây anh đã làm hết các xét nghiệm hóa sinh tại BV Đà Nẵng, tuy nhiên khi đến BV Bình Dân anh được yêu cầu làm lại tất cả. Anh giải thích với các đồng nghiệp tại đây, anh cũng là bác sĩ và đã có những xét nghiệm từ BV Đà Nẵng, vả lại xét nghiệm máu trong trường hợp này cũng không cần thiết mà chủ yếu là những xét nghiệm về nam khoa. Mặc dù vậy anh vẫn bị bắt buộc thực hiện lại, kể cả những xét nghiệm không cần thiết vì lý do “xét nghiệm của tuyến dưới không tin tưởng, dù đó là xét nghiệm gì”.
Giải thích vì sao BV Chợ Rẫy không chấp nhận kết quả xét nghiệm nơi khác, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Phó giám đốc BV Chợ Rẫy, nói chính Bộ Y tế quy định trang thiết bị của tuyến trên phải cao cấp hơn tuyến dưới nên độ chính xác của tuyến dưới thấp hơn. Ngoài ra việc xét nghiệm còn phụ thuộc vào tay nghề của bác sĩ, ví dụ như ở tuyến dưới xét nghiệm do bác sĩ làm nhưng ở BV Chợ Rẫy phải do một tiến sĩ - bác sĩ thực hiện nên độ chính xác cao hơn.
Vì vậy, những xét nghiệm ở BV khác đưa đến cũng chỉ là để tham khảo. Theo bác sĩ Trường Sơn, việc xét nghiệm lại là cần thiết để bảo đảm độ chính xác, hạn chế gây thương tổn cho bệnh nhân vì tránh được các rủi ro do tuyến dưới có thể xét nghiệm sai. Cũng có thể xét nghiệm tuyến dưới đúng, nhưng vì ngành y tế chưa có hệ thống kiểm định đạt chuẩn để bảo đảm kết quả đó là chính xác nên BV Trung ương phải làm lại để giữ uy tín và hiệu quả trong khám chữa bệnh.
Theo bác sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Medic, do chưa có quy định về phân chia tuyến xét nghiệm và chưa có trung tâm xét nghiệm chuẩn của Bộ Y tế, nên hiện nay mỗi BV tự chỉ định bệnh nhân xét nghiệm theo ý mình mà không chấp nhận kết quả xét nghiệm từ nơi khác dù đó là ngang tuyến nhau. Đối với trường hợp bệnh cấp tính, diễn tiến nhanh việc xét nghiệm lại là cần thiết, còn với những xét nghiệm chỉ được thực hiện trong thời gian từ 3 đến 6 tháng thì việc làm lại chỉ gây tốn kém, mất thời gian, quá tải và làm cho bệnh nhân đau vì lấy máu nhiều lần. Việc không chấp nhận kết quả lẫn nhau do nơi tiếp nhận không tin tưởng vào xét nghiệm của nơi chuyển đến, nhưng theo bác sĩ Phan Thanh Hải, nguy hiểm nhất là điều này gây tâm lý hoang mang và mất lòng tin cho bệnh nhân khiến họ không còn niềm tin vào cơ sở y tế.
Cần có hệ thống kiểm định chất lượng xét nghiệm Không phải tất cả các BV đều làm lại xét nghiệm. BV Đại học Y Dược TP HCM chấp nhận tất cả các xét nghiệm ở các BV khác cùng tuyến chuyển đến. Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Bắc, Phó Giám đốc BV, đó là do các BV đã được Bộ Y tế cấp phép hoạt động đều có tính pháp lý ngang nhau và mỗi xét nghiệm đều có bác sĩ ký tên chịu trách nhiệm. Theo chúng tôi, ngành y tế cần có một hệ thống kiểm định chất lượng xét nghiệm sinh hóa như kiểu chứng chỉ ISO trong toàn ngành. Hệ thống này buộc các cơ sở y tế phải nâng cao chất lượng xét nghiệm, có đánh giá, kiểm tra thường xuyên. Như vậy, mọi BV phải thừa nhận kết quả của lẫn nhau. |
(Theo Người Lao Động)