![]() |
Theo kết luận của các cơ quan chức năng, VPĐD Mankichi (Nhật Bản) đặt tại số 4 Chu Mạnh Trinh (quận 1, TP HCM) là văn phòng “ảo”, lập cho có, không hoạt động. |
Theo Sở Thương mại TP HCM, cơ quan quản lý các văn phòng đại diện (VPĐD): “Hiện có 2.388 văn phòng đại diện (VPĐD) và 26 chi nhánh (CN) của thương nhân nước ngoài được cấp phép hoạt động tại TP HCM.
Bên cạnh những lợi ích kinh tế - xã hội đáng kể mà những đơn vị trên mang lại, vẫn còn nhiều bất cập trong công tác quản lý Nhà nước cũng như trong hoạt động của chính các VPĐD và CN của thương nhân nước ngoài...”.
Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Thương mại dẫn đầu đã phát hiện 1/4 số VPĐD và 1/3 số CN của thương nhân nước ngoài vi phạm các nguyên tắc hành chính về quản lý Nhà nước. Các sai phạm phổ biến là: không thông báo hoạt động hoặc thông báo hoạt động trễ hạn theo quy định sau khi được cấp phép; không nộp báo cáo hoạt động theo định kỳ; không thông báo những thay đổi về trụ sở, nhân viên... Từ những sai phạm trên, Sở Thương mại đã tiến hành xử phạt 50 VPĐD, thu nộp ngân sách trên 500 triệu đồng.
Qua hai đợt kiểm tra 43 VPĐD mới đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện tới... 32 VPĐD đã mất tích và 2 VPĐD “ảo”, nhiều VPĐD đang làm thủ tục giải thể. Sở dĩ có tình trạng này là do Sở Thương mại chỉ có thể quản lý các VPĐD và CN thông qua các thủ tục giấy tờ và báo cáo tình hình hoạt động hằng năm của các đơn vị này. Trong số đó, nhiều đơn vị báo cáo không hoạt động gì nhưng với cơ chế quản lý hiện tại, sở không thể xác minh đúng hay sai.
Một trong những khó khăn lớn đối với các cơ quan chức năng TP HCM là theo dõi và thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với các lao động nước ngoài đang làm việc tại các VPĐD và CN. “Chiêu thức” trốn thuế phổ biến nhất của các lao động nước ngoài là kê khai thu nhập thấp so với thực tế, dưới mức chịu thuế. Cụ thể, hơn 40 người trong số 240 cá nhân có quốc tịch Đài Loan đang làm việc cho các VPĐD tại TP HCM kê khai thu nhập dưới 600 USD/tháng. Cá biệt có trưởng VPĐD Công ty Bảo hiểm Fubon - một tập đoàn tài chính lớn của Đài Loan với hơn 2.000 nhân viên và 9 VPĐD ở nước ngoài - khai toàn bộ thu nhập bình quân tháng là 825 USD, từ năm 2000 đến nay không thay đổi.
Theo cơ quan thuế, các con số trên là không hợp lý khi GDP bình quân đầu người của Đài Loan hiện trên 1.500 USD/tháng và thu nhập bình quân của lao động phổ thông tại Đài Loan đã là 600 USD/tháng. Qua nhiều đợt kiểm tra, ngành thuế đã buộc 44 VPĐD Đài Loan truy nộp trên 1,4 tỷ đồng thuế TNCN.
Tương tự, qua kiểm tra 280 VPĐD của Hàn Quốc tại TP HCM với 382 lao động, đa số là trưởng và phó VPĐD, có người kê khai thu nhập chỉ... 150 USD/tháng! Nhiều trường hợp cho thấy các lao động nước ngoài muốn... khai bao nhiêu thì khai. Ví dụ, theo hồ sơ lưu tại Cục Thuế TP HCM, ông W. H., trưởng đại diện của doanh nghiệp Singapore, khai thu nhập 500 USD/tháng nhưng từ năm 2003 đến nay không hề đến cơ quan thuế để làm thủ tục đăng ký mã số thuế, kê khai và quyết toán thuế. Năm ngoái, Cục Thuế TP HCM đã truy thu hơn 8 tỷ đồng từ các VPĐD, phạt ẩn lậu thuế trên 1 tỷ đồng. Năm nay, những con số trên dự báo sẽ lớn hơn nhiều.
Theo Người Lao Động, hiện tồn tại 4 hình thức hoạt động của các VPĐD: VPĐD thực hiện chức năng thăm dò thị trường, theo dõi hợp đồng kinh tế, dự án đầu tư...; tổ chức quy mô và chuyên nghiệp như một doanh nghiệp; VPĐD “ảo” được cấp phép hoạt động nhưng không hoạt động; VPĐD hoạt động chui, không xin phép. Thực tế cho thấy mối quan hệ giữa các VPĐD và CN thương nhân nước ngoài với các cơ quan quản lý Nhà nước tại TP HCM còn hết sức lỏng lẻo. Mặc dù quy định hiện hành không cho phép các VPĐD trực tiếp kinh doanh sinh lợi nhưng các VPĐD được tổ chức quy mô và chuyên nghiệp đã dễ dàng vô hiệu hóa quy định trên bằng cách thành lập một công ty TNHH (cùng chung trụ sở, do VPĐD trực tiếp điều hành mọi hoạt động).
Bên cạnh đó, sự thiếu chặt chẽ trong các quy định về điều kiện thành lập VPĐD đã gây khó khăn cho đơn vị quản lý. Với quy định hiện nay, một người nước ngoài nhập cảnh vào VN theo đường du lịch, kết hôn hoặc làm việc cho một VPĐD khác... chỉ cần đăng ký mở một công ty nước ngoài (công ty một thành viên) là đã đủ tiêu chuẩn được cấp phép và hoạt động hợp pháp tại VN. Chính vì lẽ đó mà nhiều VPĐD đã mọc lên với chỉ 1 người làm việc, nhằm mục đích chính lấy hồ sơ tham gia đấu thầu, để được cấp visa dài hạn hay thẻ thường trú, bằng lái...
Từ thực trạng trên, mới đây Sở Thương mại TP HCM đã tổ chức cuộc họp, kiến nghị các cơ quan hữu quan là Sở Tư pháp, Sở LĐ-TB-XH, Sở KH-ĐT, Cục Thuế TP, Công an TP cùng phối hợp để có biện pháp quản lý chặt chẽ.