![]() |
Đường Lê Lai ở quận 1. |
Hội đồng đặt tên đường ra đời cách nay hơn 14 năm nhưng tên đường vẫn trùng lắp và nhiều đường chưa có tên.
Nhân vật lịch sử Lê Lợi đã được gắn cho năm tuyến đường. Ngoài đường Lê Lợi nằm ở quận 1, từ chợ Bến Thành đến Nhà hát TP còn xuất hiện đường Lê Lợi ở quận 9, Tân Bình, Thủ Đức, Gò Vấp.
Nhân vật lịch sử Lê Lai cũng đem gắn cho3 đường khác ở quận 1, Tân Bình, Gò Vấp. Quang Trung lại được bốn quận huyện: Gò Vấp, quận 9, Hóc Môn, Củ Chi tranh nhau đặt tên. Danh nhân Nguyễn Công Trứ vừa ở quận 1, vừa quận 9, Bình Thạnh và Thủ Đức...
Ở quận Tân Bình lại có kiểu đặt tên lạ khác: đường bên hông Trường mầm non 10, đường bên hông hẻm đông lạnh, đường bên hông chợ Phạm Văn Hai thuộc phường 2, đường bên hông chợ Phạm Văn Hai thuộc phường 3. Một phó chủ tịch quận Tân Bình cho biết lúc đầu những tên đường này là do một vài người dân gọi với nhau cho dễ nhớ nhưng dần dần trở thành cách gọi phổ biến.
![]() |
Quận Gò Vấp cũng có đường Lê Lợi, Lê Lai. |
Một số tên đường còn được cập nhật vào các loại giấy tờ, hướng dẫn, giao dịch. Gần đây, một số tên đường đã đặt lại như đường bên hông chợ Phạm Văn Hai thuộc phường 2 sửa thành đường Đinh Điền, đường bên hông chợ Phạm Văn Hai thuộc phường 3 sửa thành đường Nguyễn Bặc. Nhưng thực tế còn nhiều tuyến đường khác thuộc Tân Bình vẫn tồn tại với tên đường gắn với tên trường, cơ sở hoặc địa danh gần đó.
Kinh nghiệm nhiều người cho rằng khi hỏi đường nên hỏi phường, quận nào, càng cụ thể càng tốt để khỏi phải chạy lòng vòng. Các cơ quan chức năng cũng rối bù với kiểu tên đường như vậy.
Ông Đào Hà, Trưởng phòng quản lý đô thị quận 10, nói theo quy định quận huyện phải xin hội đồng đặt tên đường TP đặt tên khi mở rộng hẻm thành đường hoặc làm đường mới. Quận không có thẩm quyền đặt tên đường.
Tuy nhiên theo Phòng quản lý đô thị Bình Thạnh, ở những khu vực dân cư mới xây dựng do bức xúc về tên đường nên quận tự đặt tên và sử dụng như khu dân cư tại phường 25 có đường D1, D2... Tình trạng này cũng phổ biến ở khu dân cư Bình Trị Đông, quận Bình Tân như đường số 1, số 2, số 7...
Một phó chủ tịch UBND quận Tân Bình cho Tuổi Trẻ biết, hiện quận còn khoảng 100 con đường chưa có tên. Quận đã nhiều lần kiến nghị hội đồng đặt tên đường TP cho quận nhưng đến nay vẫn chưa được “cho” tên đường nên vẫn còn gọi theo cách của quận.
![]() |
Và đường Lê Lai ở quận Tân Bình. |
Ông Lê Hiếu Đằng, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP, trước đây là thành viên hội đồng đặt tên đường cho biết, lúc đầu hội đồng quan tâm nhiều đến những đường chưa có tên hoặc đổi những đường mang tên nhân vật lịch sử, hoạt động chính trị chưa phù hợp, chưa tính đến việc sửa các tên đường trùng lắp. Mặt khác lúc đó hội đồng cũng chưa nắm hết tên đường trên địa bàn TP.
Theo ông Đằng, trước đây quy định đặt tên đường phải chọn những nhân vật lịch sử nổi bật nên có thể thiếu tên để đặt. Hiện nay cần “thoáng” hơn trong chuyện chọn nhân vật để đặt tên đường, nên có những anh hùng nổi bật trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ của địa phương.
“Chuyện số nhà, tên đường các cơ quan chức năng nên ngồi lại một lần giải quyết cho xong, hạn chế gây phiền hà, rắc rối. Với những nhân vật lịch sử được chọn đặt tên đường tại các quận trung tâm, quen thuộc với nhiều người không nhất thiết phải thay đổi liên tục, gây xáo trộn sinh hoạt. Cũng nên xem xét chọn các nhà văn nổi tiếng ở VN để đặt tên đường”, ông Đằng đề xuất.