Ra đường bây giờ lắm thứ phải sợ. Vài năm trước thì sợ nhất công nông, bây giờ ngoài nỗi sợ xe máy, xe taxi phóng nhanh vượt ẩu thì phải kể thêm một nỗi sợ mới... sợ tiếng còi xe.
Xe "biển trắng mượn oai hùm" bằng cách gắn cái còi ưu tiên. |
Không chỉ là những tiếng còi hơi gấp gáp, chói lói của các quái xế đang "tổ lái" trên đường mà còn cả tiếng còi ủ, giành quyền ưu tiên của các xe công biển xanh mà rất nhiều trong số đó thuộc loại "ngôn không chính". Việc sử dụng còi có âm thanh khác thường, sai quy định đang trở thành một hiểm hoạ làm mất ATGT, gây bức xúc cho người đi đường.
Không phải ngẫu nhiên mà từ vài năm nay, đoạn phố Huế từ ngã tư Trần Khát Chân đến ngã tư Nguyễn Công Trứ được dân chơi xe gọi là phố..."Hàng Còi". Đoạn đường dài chưa đầy 1 cây số này có tới vài ba chục cửa hàng trưng biển "mua, bán phụ tùng xe" hoặc "sửa chữa, thay thế còi" treo lủng lẳng đủ thứ còi với hình thù hết sức kỳ quái.
Có tới 90% loại còi bao gồm cả còi xe máy và còi ô tô bày bán ở đây thuộc loại cấm sử dụng bởi chúng cho ra những âm thanh rất nghịch nhĩ: cái thì trầm bổng như còi xe tải nặng, cái thì gấp gáp, chói lói hoặc rúc lên như chó sủa, cười sằng sặc như ma làm nhưng tựu chung lại là... rất thiếu đứng đắn nếu chiểu theo phép lịch sự khi đi đường hoặc theo Luật Giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, những loại còi này hiện đã lỗi mốt hoặc chỉ để dành bán cho con nít mới lớn, nhường chỗ cho một loại còi mới lên ngôi là... còi ủ phát tín hiệu ưu tiên của CSGT. Loại còi mới có giá thành cao này khá kén khách bởi người sử dụng phải có máu liều hoặc sĩ diện hão.
Theo một chủ cửa hàng chuyên còi ở phố Huế, giá một còi ủ xịn dành cho xe máy giá khoảng 250.000 đồng, riêng đối với loại còi dành cho xe ô tô thì giá cả dao động 2-3 triệu đồng tuỳ theo chủng loại, chất lượng. Không biết có phải là đang cháy hàng hay do loại còi này thuộc diện cấm bán nên các chủ hàng chỉ trưng ra cho khách thật sự có nhu cầu với những điều kiện không mấy dễ chịu: phải đặt trước nửa tiền, công lắp đặt 300.000 đồng.
Tuy nhiên thái độ khệnh khạng của tay chủ hàng cho thấy dường như nhu cầu của loại hàng này đang lên cao do ngày càng có nhiều người muốn lạm quyền ưu tiên.
Việc lạm dụng còi ưu tiên hay nói một cách văn hoa là chuyện "danh không chính" này dễ bắt gặp nhất trên các tuyến quốc lộ nơi việc đi nhanh hơn 1 vài phút hoặc để "xù" vé cầu đường đang được nhiều chủ xe áp dụng.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Trạm trưởng trạm thu phí Hải Dương, quốc lộ 5, bức xúc nói: "Từ vài năm nay, việc đối phó với nạn xe ưu tiên giả đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện". Để tránh sự kiểm soát của CSGT, gần đến điểm thu phí, các lái xe (thường là xe 4 chỗ) mới dừng lại đem "đồ nghề" gắn lên nóc rồi hú loạn lên để "nhắc nhở" các nhân viên thu phí". Dù đã "thấm" chiêu này nhưng phần lớn anh em công nhân vẫn để sổng các đối tượng bởi lý do rất đơn giản: lúc họ kịp định thần để phân biệt giữa "ưu tiên thật" và "ưu tiên giả" thì các bác tài đã cao chạy xa bay.
Theo Giao Thông Vận Tải, nạn mượn tiếng còi ưu tiên phổ biến tới mức, cách đây khoảng 1 năm, Trạm thu phí Cầu Giẽ (quốc lộ 1A) đã tóm được 1 xe Hyundai hú còi ủ đòi ưu tiên quyền miễn phí cầu đường khi đang thực hiện một công vụ quan trọng... là chở gà vịt. Tuy nhiên theo khẳng định của lực lượng công nhân thu phí, việc xử lý các đối tượng "biển trắng mượn oai hùm" này vẫn dễ dàng hơn việc đối phó với tiếng còi ưu tiên dởm phát ra từ các xe biển xanh.
Khác với mục đích của việc lạm dụng còi trên các tuyến quốc lộ, việc sử dụng tín hiệu ưu tiên sai quy định tại những nơi đông người lại chỉ để thoả mãn thói sĩ diện hão, thích ra oai của một số người có chức quyền. Tại một số buổi khởi công, khánh thành, ngoài tiếng còi của chiếc xe cảnh sát dẫn đường, dễ dàng bắt gặp nhiều tiếng còi "lệch giọng" của một số xe công mang biển xanh hú loạn lên hòng đòi ưu tiên vượt trước.
Theo Cục CSGT Đường bộ, đường sắt, ngoài một số xe tư nhân, có khá nhiều xe công không thuộc diện ưu tiên nhưng cũng tìm mọi cách để trang bị còi, đèn ưu tiên. Điển hình nhất phải kể đến là một số tổ, đội kiểm lâm cơ động, quản lý thị trường, hải quan, thanh tra giao thông đã tự ý trang bị còi nhằm "nâng cao uy thế" mỗi khi ra đứng đường chặn các phương tiện giao thông. Tuy nhiên phần lớn những phương tiện này không dám trưng "hàng" ra ngoài mà họ chỉ xài mỗi khi lâm sự.
Mặc dù Luật Giao thông đường bộ đã quy định rất rõ về những loại xe được sử dụng quyền ưu tiên, đó là các xe chữa cháy, xe công an làm nhiệm vụ khẩn cấp; xe cứu thương chở hoặc đi đón bệnh nhân cấp cứu, xe hộ đê, đoàn xe có cảnh sát dẫn đường nhưng trên thực tế, tình trạng lạm dụng, sử dụng còi ưu tiên sai quy định và hiện tượng xe không thuộc dạng ưu tiên nhưng lại dùng tín hiệu ưu tiên đang có nguy cơ bùng phát.
Ông Phạm Chuyên, Giám đốc Công an TP Hà Nội, trong một buổi họp Quốc hội, từng lên án rất gay gắt về loại tệ nạn mới này bởi những tiếng còi ủ sử dụng sai mục đích ngoài việc ảnh hưởng tới ATGT còn là biểu hiện của sự lộng quyền, coi thường pháp luật.