Sắt rất cần thiết để tạo ra các tế bào hồng cầu, hỗ trợ hệ thống miễn dịch và sản xuất hormone. Chúng ta hấp thụ sắt thông qua chế độ ăn uống dưới hai dạng: sắt heme (tìm thấy trong các sản phẩm từ động vật) và sắt non-heme (tìm thấy trong thực vật).
Trong nghiên cứu mới, được công bố hôm 13/8 trên tạp chí Nature Metabolism, các nhà khoa học ở trường Y tế công Harvard T.H.Chan kiểm tra lượng sắt hấp thụ của gần 207.000 chuyên gia y tế trong 36 năm. Họ phát hiện ra rằng những người hấp thụ nhiều sắt heme nhất - có trong thịt (đặc biệt là thịt đỏ), thịt gia cầm và hải sản - đối mặt nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn 26% so với những người trong nhóm tiêu thụ ít.
Từ lâu, người ta đã lo ngại về sắt heme, loại sắt được chứng minh là gây viêm và tổn thương ADN. Một số nghiên cứu cho thấy sắt heme có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng, tuyến tụy và phổi.
Sắt non- heme - có trong thực phẩm nguồn gốc thực vật và khó hấp thụ hơn - không liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường trong nghiên cứu mới này.
Các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng đối tượng nghiên cứu không đa dạng và có thể có lỗi thu thập dữ liệu. Tuy nhiên, tác giả Frank Hu cho biết công trình này "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lựa chọn chế độ ăn uống lành mạnh để phòng ngừa bệnh tiểu đường".
"Giảm lượng sắt heme, đặc biệt từ thịt đỏ, và áp dụng chế độ ăn nhiều thực vật hơn có thể là những chiến lược hiệu quả để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường", Hu, giáo sư dinh dưỡng và dịch tễ học tại Harvard, nói thêm.
Tiểu đường loại 2 xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không sử dụng insulin tốt, dẫn đến lượng đường trong máu cao.
Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên cho thấy một lượng lớn sắt heme có liên quan tới nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn. Các nhà nghiên cứu tại Harvard cho biết nghiên cứu thiết lập và giải thích rõ hơn mối liên hệ giữa hai yếu tố này.
Tiến sĩ Rifka Schulman-Rosenbaum, giám đốc khoa tiểu đường nội trú tại Trung tâm Y tế Do Thái Long Island, cho biết nghiên cứu này đã "thêm một lớp bằng chứng nữa về tác động tiêu cực của thịt đỏ đối với sức khỏe".
Schulman-Rosenbaum, người không tham gia vào nghiên cứu, nói với NY Post: "Dựa trên những phát hiện của nghiên cứu này và nhiều nghiên cứu khác, tốt nhất nên hạn chế hoặc tránh ăn thịt đỏ để có sức khỏe tốt nhất".
Hướng Dương (Theo NY Post)