Nhưng tới thời điểm này hầu hết các lò đều khá im ắng. Số lượng học sinh đến ghi danh ôn luyện giảm rõ rệt. Thí sinh ngoại tỉnh không lên đã đành, nhiều học sinh lớp 12 ở Hà Nội cũng chẳng mấy tin vào các lò nữa.
Ngay đầu đường Tạ Quang Bửu, Trung tâm luyện thi ĐH Tô Hoàng giăng băngrôn quảng cáo đỏ rực chiêu sinh các khối A, D đã lâu mà các lớp chỉ chục người. Lịch dạy của các thày cũng không còn kín mít như trước nữa. Thầy P.V.T. những năm trước nổi tiếng là đông học sinh, mỗi ngày thày chạy tới 6-7 “sô”; song năm nay nhiều nhất cũng chỉ 3 sô/ngày. Còn cô Đ.T.H. những năm trước “thường thường bậc trung” 3-4 sô/ngày thì năm nay chỉ còn 1-2 sô/ngày.
Các lò cạnh Trường ĐH KHXH&NV cũng khá im ắng. Tuy lịch học vẫn giăng trắng xóa các bảng nhưng rất ít học sinh đến xem. Từ 8g sáng đến 12g trưa (thời điểm học sinh đăng ký học nhiều nhất), chỉ có vài chục học sinh và phụ huynh đến xem lịch học. Còn số người đăng ký thì được độ 2-3 người.
Chị N.T.T.- chủ một cơ sở luyện thi - than thở: “Ít học sinh đến luyện quá. Có khi phải dẹp lò mất”. Và thực tế, lò H. ở bên cạnh lò của chị T. đã chuyển sang kinh doanh dịch vụ Internet!
Có thể nói từ khi Bộ Giáo dục - đào tạo áp dụng hình thức thi theo kiểu “3 chung” (chung đề, chung kết quả, chung đợt) thì các lò luyện đã bị giảm “nhiệt”. Báo chí cũng đã phanh phui khá nhiều lò “dỏm”, treo đầu dê bán thịt chó khiến lòng tin vào các lò bị sụt giá thê thảm.
Nguyễn Thị Hà - sinh viên năm 1 ĐH KHXH&NV (quê TP Nam Định) - kể: “Nhiều người bạn của Hà chỉ luyện tại nhà mà vẫn đỗ đại học. Thậm chí còn đỗ thủ khoa, á khoa. Thế nên năm nay Hà cũng khuyên em mình tự ôn ở nhà với tài liệu của mình để lại”.
Trong khi đó, Bùi Văn Khương (học sinh Trường THPT Hồng Quang, TP Hải Dương) đang ôn để thi lại đại học cho biết: “Lên Hà Nội luyện thi vất vả, tốn kém, nhưng chưa chắc bằng ôn ở nhà. Khương có người anh họ mấy năm lên Hà Nội ôn thi mà trượt vẫn hoàn trượt”.
Một lý do nữa khiến các lò luyện vắng bóng thí sinh là do giá cả sinh hoạt hiện nay ở Hà Nội quá đắt đỏ. Trung bình một học sinh “lớp 13” muốn lên Hà Nội ôn luyện thì mỗi tháng gia đình phải chu cấp cả triệu đồng (tiền nhà, tiền ăn và tiền ôn luyện ba môn thi). Bởi vậy, không phải gia đình nào cũng đáp ứng nổi.
Hiện nay các hình thức học qua đĩa CD, qua truyền hình, Internet hay học nhóm khiến nhiều thí sinh không muốn đến các lò luyện nhiều như trước nữa.
Tuấn Anh - Minh Phương - Tiến Bằng (học sinh lớp 12 Trường THPT Kim Liên) ngay từ đầu năm lớp 12 đã tự họp lại để học nhóm. Mỗi tuần họ dành ra ba buổi để tiến hành ôn luyện, rà soát các kiến thức mới học và đã học.
Thầy Sơn Minh - giáo viên toán Trường PTDL Lương Thế Vinh - tỏ ra phấn khởi: “Mọi năm thấy học sinh lớp 12 ùn ùn đi ôn luyện, tôi không khỏi băn khoăn tự hỏi: phải chăng kiến thức mình cung cấp chưa đủ để các em thi đại học? Song năm nay đã gần tới kỳ thi mà có rất ít học sinh đi ôn ở các lò khiến tôi rất vui”. Cô Mai Liên - giáo viên Trường THPT Kim Liên - tâm sự: “Tôi rất mừng vì nhiều học sinh lớp 12 năm nay không còn tin tưởng một cách mù quáng vào các lò luyện thi nữa. Các em đã biết tự học, tự ôn với nhau rất hiệu quả”.
Mỗi người có một cách học khác nhau, song có thể khẳng định rằng các lò luyện không còn là “sự lựa chọn duy nhất” đối với các thí sinh thi đại học.