Từ nhiều tháng qua, tại nhà ông Tạ Hồng Ngợi (ấp Hòa Bình, xã Giang Điền, huyện Trảng Bom) luôn có khoảng vài chục người đến chờ đợi để được ông Ngợi chữa bệnh. Hầu hết bệnh nhân đến đây đều cư ngụ ở địa phương khác.
Căn nhà cấp bốn của ông Ngợi nằm trên thửa đất rộng, phía sau là ao thả cá lớn. Chảy ngang qua phần hông nhà là dòng suối nhỏ. Bên hông nhà đã có vài chục người đứng, ngồi chờ đợi; xung quanh vườn, dưới những gốc cây có hàng chục người nằm ngủ trên võng. Tất cả đều là bệnh nhân và người nhà của họ. Phần lớn, những người đến đây là phụ nữ.
Một bà lão khoảng lục tuần bảo: “Bệnh gì thày cũng nhận chữa hết. Thầy chữa hay lắm, nhưng phải kiên nhẫn!”. Một số người khác còn nói, thầy Ngợi là người giỏi nhất trong tất cả “môn sinh” học cùng khóa nhân điện... ở đâu đó! Chính vì thế, hàng ngày có khoảng vài chục người từ các huyện trong tỉnh Đồng Nai và nhiều địa phương khác như: Củ Chi, Bình Dương, Bình Thuận; thậm chí có cả người ở Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế cùng tìm đến chữa bệnh. Cao điểm, nhà “thầy” như có đám giỗ với hàng trăm người tụ họp thành từng nhóm để chờ đến lượt. Để thường xuyên được điều trị thời gian dài, số người ở xa phải mướn nhà trọ quanh khu vực nhà ông Ngợi.
Thấy khách ngồi đợi lâu, ông hỏi ngay với một giọng nói trên cả thân thiện: “Chúng mày ở đâu?”. “Dạ cháu ở huyện Vĩnh Cửu”. “Ở Vĩnh Cửu có ông... chữa cũng hay lắm, sao không đến đó. Hay là chúng mày bị bệnh gì, sợ bị lộ nên ngại?”. “Dạ không, cháu bị bệnh đau bao tử”. “Tao biết rồi, bệnh của mày là... Nhưng thôi, tao không chữa đâu, về tìm đến xin ông... chữa cho gần, khỏi mất công đi xa. Tại tao chữa ít nhất 21 ngày, mà tụi mày đi có vài ngày rồi bỏ, mang tiếng tao...”. Những người tuổi từ trung niên trở xuống, ông Ngợi xưng mày - tao hết. Ông ta còn quả quyết, chữa bệnh ở đây trong ba ngày đầu, bệnh nhân có triệu chứng bị nặng hơn nhiều. Nhưng những ngày sau đó, sẽ giảm từ từ cho đến khi khỏi hẳn.
Sau khi từ chối những PV Công An TP HCM trong vai người đi chữa bệnh, ông Ngợi ra hiệu cho mọi người là đã đến tua thứ hai. Nơi chữa bệnh là bên hông nhà. An tọa trên chiếc ghế đẩu, ông Ngợi chỉ từng người vào chiếc ghế thấp, trước chỗ ông ngồi. Khi cả hai “an vị”, ông Ngợi nhắm nghiền mắt, hai tay chắp vào nhau chừng vài giây. Về phía bệnh nhân, trước khi được điều trị phải cởi bỏ đồ vật kim loại ra khỏi người. Tiếp đến ngồi thẳng lưng, hai chân trần để trên miếng ván, hai tay đặt lên đầu gối, mắt cũng nhắm lại. Ông Ngợi dùng tay mặt vỗ bộp bộp vào sống lưng người bệnh, còn tay trái ông lấy hai ngón tay “sờ” lên ngực, rồi lại “sờ”, ấn xuống bụng trên và cả... bụng dưới. Thông thường, “nghi thức” chữa bệnh của ông Ngợi mất chừng vài phút. Song, có trường hợp (không biết bệnh nặng hay nhẹ), ông Ngợi đứng ra phía trước bệnh nhân, dùng hai tay đặt lên vai họ, rồi chuyển từ từ xuống hai ngón chân cái. Xong, ông mới nhẹ nhàng đứng dậy và thở ra như thể điều tiết... khí công vậy.
Những bệnh nhân của ông Ngợi đều cho rằng, dù cách chữa của ông Ngợi “chẳng giống ai”, nhưng lại rất hiệu quả. Bệnh nhân đến, không cần phải khai báo, vì chỉ qua mấy lần “sờ”, “thầy Ngợi” biết ngay người đó bị bệnh gì, kể cả bệnh hiểm nghèo. Một số người khẳng định, qua thời gian kiên trì được “thầy Ngợi” chữa, sức khỏe họ khá lên rất nhiều. Nhiều người còn hy vọng là chẳng bao lâu nữa họ sẽ được khỏi bệnh như những bệnh nhân khác đã từng bị gan, phổi thậm chí cả ung thư. Tuy nhiên, những điều này họ chỉ được nghe kể lại và chẳng ai biết những người đã khỏi bệnh hiện ở đâu.
Bà Chinh, một bệnh nhân chừng ngoài 50 tuổi, kể: “Tôi đã đi nhiều nơi lắm rồi. Bệnh viện nào tôi cũng đến. Người ta bảo tôi bị “bá bệnh”. Nào là tiểu đường, rồi gan và máu nhiễm mỡ, lại còn đau bao tử. Các bác sĩ bắt tôi kiêng ăn đủ thứ. Nằm ở bệnh viện riết, tôi không sao ăn ngủ được, nên xin về nhà. Nghe người ta mách là thầy này chữa hay lắm. Thế là tôi bắt chồng con chở đi ngay. Đến đây thầy bảo tôi bị rối loạn đường tiêu hóa thôi, và khuyên tôi cứ ăn uống thoải mái, không cần kiêng cữ gì cả. Hôm đến chỗ “thầy Ngợi” đến nay đã được 1 tuần, nói chung chưa thấy có chuyển biến gì, nhưng ăn uống được theo ý thích...”.
Có một điều thấy rõ, việc làm của ông Ngợi dễ được mọi người thông cảm, và dễ lôi kéo sự chú ý của người bệnh đã có quá trình thuốc thang tốn kém, đó là chuyện ông Ngợi không lấy thù lao. Nhiều người thẳng thừng tuyên bố, “thầy” làm từ thiện là chủ yếu nên rất... linh. Tuy nhiên, sau thời gian được “thầy” chữa thì tùy vào lòng hảo tâm của mỗi người trong chuyện quà cáp. Một bệnh nhân tên Hà, bộc bạch: “Hôm nhà thầy khởi công làm cống, rất nhiều bệnh nhân đã mang xi măng, cát đến tặng. Ngoài ra, những bệnh nhân nam và người nhà cũng tham gia phụ giúp, mỗi khi “thầy” cần...”.
Vì muốn biết cảm giác “được sờ” như thế nào, nên chúng tôi ráng nhẫn nại chờ đợi, đồng thời năn nỉ ông Ngợi mãi. Cuối cùng, ông ta cũng xiêu lòng “chữa bệnh” cho một đồng nghiệp nữ đi theo tôi. Thời điểm đó vào khoảng 11 giờ trưa, tức tua thứ ba, mà theo nhiều người, đây là tua chính trong ngày. Trường hợp “cá biệt” này, cũng được ông Ngợi “phù phép” như những bệnh nhân thường ngày của ông. Cái khác là ông “sờ” hơi lâu ở phần bụng và hơi nặng tay phải hơn. Bên cạnh đó, ông ta còn thủ thỉ “khám phá” những điều thầm kín và rất tế nhị của người phụ nữ...
Cách chữa bệnh theo kiểu bịp bợm của những “ông thầy - nhân điện” lâu nay vẫn được một số người tin tưởng nhưng cuối cùng họ đều thất vọng vì không đạt được mục đích: khỏi bệnh. Trường hợp hành nghề bất hợp pháp của ông Tạ Hồng Ngợi là việc làm phản khoa học thấy rõ, nhưng lạ lùng ở chỗ, cho đến nay chính quyền địa phương vẫn “bình chân như vại”.
Đại diện chính quyền địa phương cho biết, việc ông Ngợi chữa bệnh tại nhà chưa được cấp thẩm quyền cho phép. Song, vì ông Ngợi không lấy thù lao đối với bệnh nhân và nơi đây chưa gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, nên chính quyền địa phương chưa can thiệp.