Năm hôm nay, vợ chồng ông Ngô An Ninh (85 tuổi) và bà Phan Thị Thu (83 tuổi, ở thị trấn Xuân An, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vui hơn thường lệ vì được đoàn tụ với con trai Ngô An Dương (61 tuổi) sau 40 năm thất lạc. Căn nhà cấp bốn nằm trong ngõ tấp nập người thân, hàng xóm tới thăm hỏi.
"Tôi xúc động không nói nên lời, cứ ôm chầm lấy con rồi khóc. Ở tuổi gần đất xa trời, vợ chồng cứ nghĩ cuộc hội ngộ này chỉ trong mơ", cụ Ninh nói.
Thắp nén hương cho tổ tiên, ông Dương đứng bên bàn thờ được lập cho mình, nước mắt lăn dài trên gò má. Là con trai cả trong gia đình 8 anh chị em, năm 20 tuổi ông lên đường nhập ngũ, định lúc nào hoàn thành nhiệm vụ sẽ về quê lấy vợ, chăm sóc bố mẹ.
Vào chiến trường, ông Dương thuộc quân số của Đại đội 17, Trung đoàn 1, Sư đoàn 330, đóng quân tại tỉnh An Giang. Năm 1979, ông chuyển sang chiến đấu tại chiến trường Udongcongdungpu (Campuchia).
"Cuối năm 1979, tôi cùng hai người lính bị quân Pol Pot bắt giam, đánh đập. Vài năm sau, khi thoát được ra ngoài, tôi bị thương nặng ở đầu. Do mất một phần trí nhớ, giấy tờ tùy thân không có, tôi mất liên lạc với gia đình và đơn vị", ông Dương kể.
Ngày 31/8/1993, gia đình nhận giấy báo tử, ghi rõ ông Dương hy sinh tại Campuchia trong trường hợp chiến đấu mất tích. Một năm sau ông được công nhận liệt sĩ, gia đình lập bàn thờ vọng cúng giỗ hàng năm.
Ở Campuchia, sau khi ra tù, ông Dương được một phụ nữ bản địa cưu mang, nhận làm con nuôi, giúp thích nghi với cuộc sống mới. Năm 1990, ông quen và lấy một phụ nữ tên Âm Ôn (nay 59 tuổi), hiện có hai con trai, một con gái.
Thời gian đầu, vợ chồng sống ở vùng hẻo lánh nên vất vả, túng thiếu. Ông phải đi làm thợ xây, phụ hồ để nuôi các con. "Nhiều đêm nằm ngủ nhớ gia đình, quê hương. Tôi tâm sự với vợ muốn có một ngày trở về nơi chôn rau cắt rốn, nhưng mất trí nhớ và không biết đường nên dự định dang dở", ông Dương nói.
May mắn đến với cựu binh Việt Nam vào năm 2017, một đoàn từ thiện người Hàn Quốc sang Campuchia, họ gặp ông Dương, hiểu hoàn cảnh và bệnh tình nên giúp đỡ, đưa đi chữa trị. Ông Dương sau đó hồi phục dần trí nhớ.
Qua mối quan hệ công việc, ông Dương quen một người đàn ông tên Dần trú ở Nghệ An. Ông viết mẩu giấy nhỏ, nhờ anh Dần khi nào về quê, nếu có dịp ghé sang Hà Tĩnh đưa tận tay người thân ở xã Xuân An (Nghi Xuân).
Nhiều năm tìm kiếm thông tin về con bất thành, bà Phan Thị Thu rất buồn. Tình cờ cuối năm 2018, gia đình nhận được thông báo của anh Dần, nói đã gặp ông Dương tại Campuchia. Mọi người bất ngờ, song cũng hồ nghi.
"Sau khi nói chuyện qua điện thoại, đầu dây bên kia đọc vanh vách tên từng thành viên trong nhà, lúc đó tôi đinh ninh con mình còn sống", cụ Thu kể.
Tối 26/2, ông Dương cùng vợ vượt hàng nghìn km trở về quê thăm gia đình. Được nhiều người tới hỏi han, ông cứ khóc rồi lại cười khi nhận ra những người bạn hồi nhỏ. Ông cảm nhận như mình được sinh ra thêm một lần nữa.
"Vui nhất là được chứng kiến bố mẹ, anh chị vẫn còn khỏe mạnh. Sắp tới tôi sẽ quay trở lại Campuchia để tiếp tục làm việc, lo cho các con", ông Dương tâm sự.
Bà Đậu Thị Hồng, Phó phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Nghi Xuân cho biết, qua xác minh các loại giấy tờ mà người thân lưu giữ 40 năm qua, nhà chức trách thấy trùng khớp.
"Chúng tôi đang làm báo cáo gửi lên Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh và các đơn vị liên quan để có căn cứ xử lý các bước tiếp theo", bà Hồng nói.