Đám cưới là ngày vui của uyên ương nhưng cũng có ý nghĩa lớn với gia đình, cha mẹ. Vì vậy để không khí gia đình thêm gắn kết, bạn nên tham khảo ý kiến của các bậc phụ huynh hoặc nhờ cha mẹ lo liệu các nghi thức truyền thống cho hôn lễ. Điều này vừa giúp cô dâu chú rể bớt việc, vừa làm hài lòng cha mẹ vì phụ huynh sẽ được quyết định theo ý mình.
1. Chuẩn bị cho các nghi thức cưới truyền thống
Đôi uyên ương nên mời bố mẹ tới những buổi họp mặt, cùng bàn bạc, thống nhất các ý tưởng đưa ra. Ngay cả khi hai bạn định tổ chức một đám cưới theo phong cách riêng, cũng nên bàn tính kỹ với gia đình để nhận được sự đồng thuận hoàn toàn vì ngày cưới chỉ có một lần trong đời, cô dâu chú rể nên để lại ấn tượng vui vẻ trong tất cả các thành viên của gia đình.
Với các nghi thức như chạm ngõ, ăn hỏi, đón dâu, uyên ương hiện đại thường không có nhiều kiến thức về trình tự, cách thức tiến hành nghi lễ. Lúc này, bạn cần tham khảo ý kiến của cha mẹ hai bên. Gia đình nhà trai và nhà gái cũng cần đồng thuận trong cách thức tiến hành, chuẩn bị để giữa hòa khí giữa hai nhà thông gia.
Với các công việc trang trí, chuẩn bị váy áo, phụ kiện cho hôn lễ, uyên ương có thể chia sẻ ý kiến cùng anh chị em thân thiết. Như vậy mọi người trong nhà đều sẽ có cảm giác được tham dự vào đám cưới trọng đại.
2. Giữ tâm lý vui vẻ, thoải mái cho cả nhà
Thỉnh thoảng quan điểm giữa cô dâu chú rể và bố mẹ cũng không đồng nhất. Lúc này, uyên ương không nên căng thẳng mà cần bình tĩnh xử lý, không nên cáu giận hay buồn bực, tránh việc tỏ thái độ thiếu lễ độ với cha mẹ.
Khi có ý kiến không thống nhất, trước tiên cô dâu chú rể nên bàn bạc với nhau xem có thể dung hòa công việc như thế nào. Sau đó cặp đôi cần thuyết phục cha mẹ hoặc thay đổi việc chuẩn bị để mọi người cùng hài lòng.
Trong quá trình chuẩn bị cưới, thỉnh thoảng uyên ương cũng nên mời cha mẹ hai bên gia đình tụ họp, hoặc cùng đi du lịch, nghỉ ngơi. Việc gặp gỡ sẽ vừa tạo cảm giác gần gũi cho mọi người, vừa bỏ lại những việc chuẩn bị bận rộn để giữ tâm lý thoải mái.
Linh Linh