Bệnh nhân H.V.T. đang điều trị tại Bệnh viện TW Huế với đầu mũi thâm tím do nhiễm "liên cầu lợn". |
Thông tin này được Viện trưởng Viện Thú y Trương Văn Dung đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm chiều 24/7 tại Hà Nội.
Ông Dung cũng cho biết Viện đã có nghiên cứu sơ bộ về sự liên quan giữa bệnh lợn “tai xanh” và “liên cầu lợn”.
Theo đó, các cán bộ của Viện đã tiến hành lưu trữ, phân lập 260 chủng Streptococcus suis từ năm 200 và xác định được 8 chủng Streptococcus suis tuyp 2 có khả năng gây bệnh cho người.
Cũng theo ông Dung, bệnh liên cầu lợn đã được phát hiện từ những năm 1970-1980, kết quả phân lập các chủng virus “liên cầu lợn” cho thấy chủng virus thuộc týp 2 có khả năng gây bệnh cho người đồng thời virus “liên cầu lợn” cũng có thể lây lan cho các loại gia súc khác như trâu, bò, cừu, ngựa, dê, chó, mèo và thậm chí là cả vẹt… nên nguy cơ lây bệnh sang người là khá cao.
Ông Dung khuyến cáo, người tiêu dùng tuyệt đối không được ăn tiết canh từ lợn và phải đeo găng tay bảo vệ khi giết mổ gia súc vì liên cầu lợn lây lan trực tiếp, rất nhanh.
“Điều tra của Viện Thú y cho thấy bệnh nhân mắc liên cầu lợn ở Hà Tây đã phát bệnh và có thể do liên quan đến việc ăn tiết canh rất nhiều. Bệnh nhân cho biết có thể ăn tiết canh lợn tới 16-17 lần một tháng. Dù hiện đã được điều trị và xuất viện nhưng bệnh nhân vẫn bị ù tai, mờ mắt”, ông Dung cho biết.
Trước tình hình này, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đã có công điện khẩn yêu cầu các trung tâm y tế dự phòng ở khu vực miền Trung tập trung giám sát, nếu phát hiện những trường hợp nghi ngờ nhiễm “liên cầu lợn” phải tiến hành điều tra dịch tế, lấy mẫu xét nghiệm trong thời gian nhanh nhất. Ngoài 22 trường hợp nhiễm “liên cầu lợn” được phát hiện ở phía bắc, đại diện Cục Y tế dự phòng cũng xác nhận thông tin 2 trường hợp nghi nhiễm “liên cầu lợn” đang điều trị ở bệnh viện Trung ương Huế.
Trước tình trạng dịch “tai xanh” đã lan ra 76 xã (thuộc 3 tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi) với hơn 27.000 con lợn nhiễm bệnh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu lực lượng thú y phải áp dụng biện pháp tình thế khẩn cấp đối với Quảng Nam và linh hoạt các biện pháp chống dịch vừa bao vây dập dịch dứt điểm trong từng thôn, xã đồng thời hỗ trợ kịp thời chi phí tiêu hủy, tiền thuốc cho những đàn lợn còn khả năng chữa trị. Theo đó, mỗi kg lợn bị tiêu hủy do nhiễm bệnh sẽ được hỗ trợ 10.000 đồng, bằng mức hỗ trợ cho tiêu hủy gia súc mắc bệnh lở mồm long móng.
Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, nguyên nhân chính của việc dịch bệnh lây lan nhanh ở các địa phương trên là do phương thức chăn nuôi còn nhỏ lẻ, trình độ chăn nuôi thấp. Nhiều nơi vẫn nuôi theo phương thức truyền thống, thậm chí thả rông trâu bò, lợn, vịt chạy đồng. Ông cũng thừa nhận hệ thống thú y của Việt Nam hiện nay rất bất cập so với yêu cầu đặt ra để phát triển ngành chăn nuôi, đặc biệt là hệ thống thú y ở cơ sở.
“Tôi cũng vừa ký văn bản kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ Quảng Nam 10 tỷ đồng trong đó 6 tỷ hỗ trợ về thuốc và tiêu hủy gia súc số tiền 4 tỷ còn lại để phục hồi đàn gia súc”, ông Phát cho biết.
Tại Quảng Nam, theo báo cáo của cơ quan Thú y vùng IV, trong ngày 24/7, dịch tiếp tục được phát hiện tại 6 xã là: Điện Phước (Điện Bàn), An Mỹ, An Phú, An Sơn, Trường Xuân (Tam Kỳ), Tiên Thọ (Tiên Phước) với tổng số lợn mắc bệnh trong ngày là 1.116 con, chết 177 con, tiêu hủy 225 con.
(Theo Tiền Phong)