Dịp 60 năm giải phóng thủ đô trùng với ngày cuối tuần nên khách thập phương tìm về Hà Nội để tham quan và du lịch rất đông. Với những người trẻ, không quá khó khăn để tìm đến những tụ điểm sôi động, náo nhiệt. Với những người lãng mạn thì bản thân thời tiết dễ chịu của mùa thu Hà Nội cũng để lại cho bạn nhiều trải nghiệm ấn tượng trong những ngày này. Còn những người hoài cổ hay những người lớn tuổi trong gia đình cũng có thể lên lịch trình cho họ đến các di tích lịch sử in dấu nhiều thăng trầm của thủ đô.
1. Cột cờ Hà Nội
Cột cờ Hà Nội nằm trên đường Điện Biên Phủ, mặt bên giáp phố Nguyễn Tri Phương, xưa kia nằm trong quần thể di tích thành cổ Hà Nội. Cột cờ cao hơn 30m, là một trong những biểu tượng tiêu biểu của thành phố Hà Nội, nơi treo quốc kỳ qua từng giai đoạn. Cột có 3 tầng chân đế, càng lên cao, diện tích càng nhỏ dần và một thân trụ hình bát giác.
Đây từng là công trình cao nhất Hà Nội suốt cả trăm năm, chứng kiến nhiều biến động lịch sử của thủ đô. Ngày 10/10/1954, cột cờ cũng là nơi tụ hội của các cánh quân tiến về tiếp quản Hà Nội, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên, chấm dứt thời kỳ dài dưới ách đô hộ.
Với kiến trúc độc đáo, cổ kính, rêu phong, cộng với vị trí đắc địa, ngày nay, cột cờ Hà Nội vẫn được xem là địa điểm lý tưởng cho những du khách phương xa muốn tìm hiểu về lịch sử thành phố. Hiện, công trình này thuộc khuôn viên Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Một mặt cột cờ hướng ra đường Điện Biên Phủ và vườn hoa Lê Nin, mặt còn lại quay về phía sân vận động và Hoàng thành Hà Nội. Từ tầng 3 của tòa tháp, du khách sẽ có được tầm nhìn khá lý tưởng về những không gian cây xanh xung quanh. Dưới chân cột cờ có một quán cafe khá nổi tiếng trong khu vực.
2. Hoàng thành Thăng Long
Quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long trải dài trên một diện tích 140 ha gồm khu di tích khảo cổ dưới lòng đất ở số 18 Hoàng Diệu và khu vực thành cổ, được giới hạn bởi 4 tuyến đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Tri Phương, Phan Đình Phùng và Hoàng Diệu.
Đây là công trình đồ sộ được xây dựng trong nhiều triều đại và trở thành di tích lịch sử quan trọng bậc nhất trong hệ thống di tích ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Hoàng thành Thăng Long chính thức được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới của UNESSCO vào năm 2010
Hoàng thành có nhiều công trình nhỏ, trong đó không thể bỏ qua là Đoan Môn, điện Kính Thiên, nhà D67, Hậu Lâu, Cửa Bắc và khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Cổng Đoan Môn là địa điểm chụp ảnh kỷ yếu khá nổi tiếng với giới học sinh sinh viên Hà Nội với bãi cỏ xanh mướt, bức tường thành rêu phong, sơn vàng. Cửa Bắc uy nghiêm, có thể nhận thấy rõ ràng nếu đi từ đường Phan Đình Phùng, trở thành đề tài quen thuộc của nhiều nhiếp ảnh gia.
Khu di tích hiếm khi ồn ào, đông đúc, rất phù hợp cho những ai muốn đi tìm một Hà Nội xưa cũ, thanh vắng hay muốn ghi lại những bức ảnh nhuốm màu thời gian.
3. Thăng Long tứ trấn
Không phải ai ở Hà Nội cũng biết đến cụm di tích này. Thăng Long tứ trấn gồm 4 ngôi đền thiêng, trấn ở 4 hướng Đông Tây Nam Bắc của kinh thành xưa, có tuổi đời hàng trăm năm, bao gồm: đền Bạch Mã (phố Hàng Buồm, trấn phía Đông), đền Voi Phục (thuộc công viên Thủ Lệ, trấn phía Tây), đền Kim Liên (phường Phương Liên, Đống Đa, trấn phía Nam) và đền Quán Thánh (đường Thanh Niên, trấn phía Bắc).
Đây đều là những công trình tâm linh nổi tiếng với kiến trúc gần như còn giữ nguyên được hiện trạng ban đầu. Trong đó, đền Quán Thánh và đền Voi Phục có khung cảnh và vị trí đẹp nhất. Đền Quán Thánh nằm bên hồ Tây mênh mang, diện tích rộng rãi, không khí tĩnh lặng, sâu lắng còn đền Voi Phục nằm trong công viên Thủ Lệ, phía cuối đường Kim Mã, được bao quanh bởi không gian cây xanh, hồ nước.
Những nơi này, bạn có thể vào thoải mái, không cần vé vào cửa.
4. Các bảo tàng
Bảo tàng là địa chỉ mà các phượt thủ trên thế giới thường tìm đến khi muốn tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của bất kỳ thành phố nào. Ngay cả những người ở Hà Nội lâu năm cũng sẽ cảm thấy thú vị khi thực hiện một tour vòng quanh các bảo tàng nổi tiếng trong thành phố.
Hà Nội có hệ thống bảo tàng khá quy củ, tuy nhiên lại rất thưa vắng khách tham quan. Để nghiên cứu một cách cẩn thận thì bạn sẽ mất thời gian khá lâu, do đó hãy tham khảo trước các thông tin về những bảo tàng này, dành thời gian để tới những nơi mà bạn thực sự quan tâm, tránh bị "quá tải".
Gần trung tâm nhất có lẽ là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, phía đầu đường Tràng Tiền, có kiến trúc đẹp mắt, tiêu biểu cho các công trình mang phong cách Pháp thuộc còn sót lại khá nguyên vẹn ở thủ đô. Các bạn trẻ Hà Nội cũng rất thích Bảo tàng Dân tộc học ở đường Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy), nơi có diện tích khá rộng lớn, có nhiều công trình tái hiện về văn hóa các dân tộc Việt Nam rất thú vị.
Các bảo tàng đều mất phí vào cửa nhưng không đáng kể.
5. Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Xa trung tâm hơn một chút nhưng lại nằm trên trục giao thông chính, cụm di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn giữ nguyên được hình dạng ban đầu, là nơi thu hút rất đông khách du lịch khi tới Hà Nội. Quần thể này bao gồm nơi thờ tự Khổng Tử (Văn Miếu) và nơi từng là trường đại học đầu tiên của nước ta (Quốc Tử Giám).
Sau nhiều lần tu sửa, mở rộng diện tích, ngày nay cụm di tích này đã có một diện mạo quy hoạch sạch sẽ, nhiều cây xanh, hồ nước và vẫn giữ tối đa những nét xưa cũ. Cổng Khuê Văn Các với những nét chạm trổ tinh tế và hồ Văn nên thơ là những công trình kiến trúc đặc sắc nhất tại đây.
Ngày nay, không chỉ là nơi du lịch, Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn được lựa chọn là nơi vinh danh những học sinh sinh viên xuất sắc của thủ đô và là nơi cầu may của các sĩ tử trước những kỳ thi lớn.
Để vào cửa, bạn sẽ mất một khoản phí nhỏ nhưng không đáng kể. Diện tích khuôn viên khá lớn nhưng yên tĩnh, dù 4 mặt đều giáp đường lớn.
6. Lăng Bác - Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chùa Một Cột
Cụm 3 di tích này nằm tại quảng trường Ba Đình. Có lẽ không cần phải giới thiệu nhiều, 3 công trình nổi tiếng này không chỉ thân thuộc với người dân thủ đô nói riêng và bất cứ người dân Việt Nam nào cũng biết tới nó.
Lăng Bác được xây dựng với kiến trúc đặc biệt như một đài sen, hiện là nơi đặt thi hài chủ tịch Hồ Chí Minh. Đi sâu vào phía trong, du khách sẽ được tham quan nhà sàn Bác Hồ, bảo tàng Hồ Chí Minh với nhiều hiện vật liên quan đến cuộc đời sự nghiệp của Người.
Cũng nằm trong cụm di tích này là chùa Một Cột, biểu tượng văn hóa lâu đời ở thủ đô. Chùa hiện nay đã được dựng lại trên nguyên bản được xây dựng cách đây cả nghìn năm, với kiến trúc rất độc đáo, như một bông sen đặt giữa hồ. Khách du lịch nước ngoài rất thích thú với công trình này.
Để vào đây, bạn sẽ phải xếp hàng, trong những ngày lễ lớn thì hàng sẽ khá dài. Tuy nhiên, tiếc rằng trong thời gian này, Lăng Bác đang trong quá trình đóng cửa tu bổ định kỳ nên bạn chỉ có thể tham quan hai công trình còn lại. Dự lễ thượng cờ và hạ cờ mỗi sáng và tối hay đi dạo ở quảng trường Ba Đình cũng là sự lựa chọn hay.
7. Đền Ngọc Sơn
Đền Ngọc Sơn nằm giữa hồ Hoàn Kiếm, bắc nhịp từ cây cầu Thê Húc cong cong sơn màu đỏ chói đã trở thành biểu tượng số 1 của thủ đô Hà Nội. Nhiều người từng quan niệm, phải nhìn thấy tháp Rùa, phải "check in" trên cầu Thê Húc mới thực sự là tới thủ đô.
Công trình văn hóa này được xây dựng từ thế kỷ 19 với kiến trúc khá độc đáo. Một đảo nhỏ nằm giữa hồ, phía bên này là tháp Bút, đài Nghiên - biểu tượng cho nền văn hóa tôn sư trọng đạo lâu đời. Tháp mô phỏng hình cây bút lông, được đắp trên một ụ đá cao, ngay mặt đường. Cầu Thê Húc sơn đỏ, làm từ những miếng gỗ ghép truyền thống, nối từ tháp Bút sang đền Ngọc Sơn.
Trước đây, trạm thu vé vào cửa đặt ngay ở chân cầu Thê Húc nhưng ngày nay, bạn có thể thoải mái chụp ảnh trên cầu mà không mất phí.
8. Chùa Trấn Quốc
Chùa Trấn Quốc là ngôi chùa cổ nhất ở Hà Nội, được xây dựng cách đây khoảng 1.500 năm, thu hút rất đông Phật tử và những người thích du lịch tâm linh tới đây ghé thăm. Ngay cả những ai không có ngu cầu cúng bái cũng lựa chọn nơi đây là địa điểm tham quan, vãng cảnh cho chuyến hành trình của mình.
Chùa nằm bên hồ Tây mênh mông sóng nước, cũng được tọa lạc trên một đảo nhỏ giữa hồ, nối với bờ bằng một con đường nhỏ, hai bên là hàng cau gợi về ký ức các làng quê Việt Nam bình dị. Chùa Trấn Quốc nằm cuối đường Thanh Niên, gần bánh tôm Hồ Tây, rất thuận lợi cho việc đi lại di chuyển.
Bạn không mất phí vào cửa ở công trình này.
Nguyên Chi